Nhà máy thực phẩm Talley’s là một trong những địa chỉ được dân working holiday Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan và các nước Nam Mĩ… tìm đến làm việc. Nghe rất nhiều người kể về việc mở sò ở nhà máy Talley’s rồi nên mình cũng tò mò muốn vào làm thử một thời gian ngắn cho biết. Talley’s có nhà máy ở khắp New Zealand, nhưng hai nơi thường tuyển working holiday vào làm mở sò (mussel opener) là Motueka và Blenheim.

Mình xin mở sò ở nhà máy Talley’s Motueka vì khu này thuận tiện đi du lịch, trekking mỗi cuối tuần. Hành trình xin việc cũng khá là nhiêu khê, mình có kể trong mấy post trước. Họ là nhà máy lớn, người cần họ chứ họ không cần, nên nhiều người bảo nhau phải đến ít nhất hai ba lần thì mới được người ta nhớ mặt và cho việc làm. Thời gian dễ xin việc nhất là tháng 10, vừa qua mùa xuân, dân working holiday nghỉ việc để ra ngoài làm farm. Những thời gian còn lại cũng không khó xin, tuy nhiên phải đi tới đi lui vài lần, như mình kể trong bài

Mình cũng đến 2 lần, thấy nản vì họ làm khó, định tìm việc khác. May sao ngay hôm cuối cùng làm việc ở Waimea Nurseries, chiều về mình thấy một cuộc gọi nhỡ từ Talley’s, gọi lại thì họ bảo đang cần người, mời ngày mai lên phỏng vấn, induction rồi hôm sau nữa đi làm ngày đầu tiên. Thế là mọi sự như mong muốn của mình. Đến induction thì vô tình gặp lại chị Virginie, hai chị em được gọi vào làm ca đêm (3h-11h). Mình thì thấy ổn vì làm ca tối thì có cả ban ngày để làm những việc mình muốn, nhưng chị thì không, vì ngủ trong xe van, cắm trại ở Ruby Bay, phải về campsite trước 10h tối. Cuối cùng chỉ có mình đi làm, thuê nhà homestay chỗ ông B mình từng đến vài hôm trước. Chỗ này nhiều người reccommend nhưng mình và em roomate người Việt Nam không có trải nghiệm tốt với ông chủ nhà, hôm nào mình sẽ viết blog kể.

Công nhân mở sò ở nhà máy Talley’s được trả lương min wage (15.75 NZD/ giờ). Băng chuyền mang sò đã được nấu chin chạy qua 60 người, mỗi người lấy sò, mở và bỏ một bên nắp, thành phẩm là halfshell – thịt sò nằm trên nắp sò. Trung bình một người mới vào làm mở được tầm 3800 ~ 4500 con/ ngày. Ai làm trên 5600 con thì được bonus là 16.5NZD/ giờ, từ 8000 con trở lên là làm theo contract, giá 11 cent hay bao nhiêu một con mình không nhớ rõ.

Việc thì nhàm chán cực kì, đứng trước chuyền suốt 8 tiếng chỉ mở sò thì ai mà thấy vui nổi. Nhưng được một cái là có nhiều bạn bè làm chung. Từng đi nhiều nhà máy ở Việt Nam và Hàn Quốc rồi, nhưng vào đến Talley’s thấy không khí khác hẳn. Dân làm trong dây chuyền mở sò ở nhà máy Talley’s đa phần là working holiday, phần còn lại là perminant resident người châu Á (Thái, Hàn, Ấn, Trung Quốc là chủ yếu). Vì là working holiday nên công nhân cũng trẻ trung vui vẻ, suốt ngày bàn chuyện du lịch, đi chơi, chứ không mang không khí nhàm chán ủ ê như công nhân làm việc lâu năm. Mình chơi với nhóm hai bạn Trung Quốc và một bạn Hàn Quốc, các bạn rất nice, lịch sự, tử tế, nhẹ nhàng, tuần nào cũng hẹn đi chơi, ăn uống, nấu lẩu… cùng nhau.  Cũng có rất nhiều người đên từ các nước Nam Mĩ như Peru, Chile, Argentina, Columbia… vào làm mở sò ở nhà máy Talley’s. Nhà mình ở cách Talley’s tầm 15 phút đi bộ, dù an toàn đi nữa nhưng tối về 11h đêm cũng khá lạnh và đường rất tối. May sao một hôm đi làm về sớm, mình gặp nhóm 3 người từ Chile và Arghentina đi cùng hướng về, hỏi ra mới biết nhà họ thuê cách nhà mình vài trăm mét, thế là từ đó mình xin nhập hội đi chung. Có bạn đi cùng, nói chuyện rôm rả nên đường về nhà như ngắn lại. Mình hay gọi vui các anh chị ấy là những thiên thần hộ mệnh vì nếu không có họ thì chắc hẳn những buổi tối đi bộ về sẽ rất dàiii.

Điểm cộng khi làm việc ở Talley’s

Đầu tiên là công việc nhà máy đỡ nắng nôi, vất vả hơn việc ngoài đồng rất nhiều. Vì vậy nên cũng nhàm chán, cả buổi làm việc chỉ đứng một chỗ, không nhúc nhích gì nên khá bí bách.

Làm mở sò ở nhà máy Talley’s dễ xin work visa 1 năm (hết năm đầu rồi xin tiếp năm 2, năm 3…), với điều kiện là phải làm nhanh, chăm chỉ, mở trên 8000 con sò một ngày. thì việc xin work visa 1 năm rất dễ dàng. Rất nhiều người Thái, Việt Nam, Hàn Quốc có work visa ở lại làm việc sau khi hết hạn working holiday. Với người Việt Nam, chỉ được phép làm việc không quá 3 tháng cho cùng một chủ, trong trường hợp visa working holiday của bạn còn hạn dài, mà bạn đã xin được work visa của Talley’s hay chỗ nào bất kì, thì bạn vẫn phải bỏ để chuyến sang work visa nếu muốn tiếp tục làm việc. Họ không cho phép bạn làm xong 3 tháng, đi làm chỗ khác rồi quay lại xin work visa. Vì vậy nếu định ở lại làm thì nên sắp xếp thời gian để sang NZ hợp lý, đợi 2 3 tháng cuối hạn visa hẵng xin vào Talley’s làm. Đây là trường hợp Talley’s, mình đi nhiều nơi, gặp các bạn Tây Balo kể họ làm việc một chỗ và được chủ giữ lại, nhưng họ cũng bị dính điều kiện chỉ làm một chỗ 3 tháng như VN mình, thế là chủ cho phép đi làm ở đâu đó đến khi gần hết hạn working holiday rồi quay lại, sẽ được cấp work visa cho.

Điểm trừ khi làm việc ở Talley’s

Công việc mở sò ở nhà máy Talley’s nhàm chán và làm bạn mụ mị đầu óc hẳn. Thêm nữa, một điểm trừ mà dân châu Á hay gặp, là bị phân biệt chủng tộc. Bạn mình làm việc ca ngày và một số người làm bộ phận khác bảo supervisor và công nhân người Kiwi rất xem nhẹ người châu Á. Mình may mắn làm mở sò ca đêm thì may mắn gặp supervisor người Philippines, cực kì thân thiện và vui vẻ.

Không như những nơi khác, mỗi ngày có hai lần nghỉ giữa giờ (smoko) 15 phút được trả lương và 1 lần nghỉ ăn trưa 30 phút không được trả lương, giờ nghỉ ở Talley’s khá ngắn, mỗi ca làm có hai lần nghỉ, mỗi lần 20 phút, được trả tiền và bao gồm luôn giờ ăn.

Nếu muốn cày nhiều, nhanh để kiếm tiền thì bộ phận mở sò ở nhà máy Talley’s không phải là sự lựa chọn tối ưu. Vì chỉ làm tuần 5 buổi, mỗi buổi 8 tiếng, lương min wage. Dân working holiday mới vào khó làm nhanh để được tính contract, chỉ mở 5600 con thôi đã đau hết cả tay rồi. Nhiều bạn xin chuyển sang bộ phận khác để được làm dài giờ, đi làm thứ bảy, dọn vệ sinh… để tăng thu nhập. Ai siêng thì làm 2 job, sáng làm nhà máy, chiều về làm nhà hàng.

Cách đây hai ba năm, vừa mới ra trường đã có công việc lương cao, ổn định, có nằm mơ mình cũng không nghĩ tới việc mình sẽ đi làm trong nhà máy. Mình từng mong có cơ hội trải nghiệm công việc trong các cơ quan xí nghiệp để hiểu về quy trình sản xuất nhưng chưa có duyên. Theo mình được biết, ở các nước phát triển, như Nhật hay Đức, dù bạn xin vào làm việc trong khối văn phòng, bạn cũng cần một thời gian làm việc ở xưởng sản xuất của công ty để trực tiếp làm ra sản phẩm, thấu hiểu quy trình sản xuất, quy trình vận hành của công ty. Những ngày tháng ở New Zealand là cơ hội tuyệt vời để trải nghiệm những công việc mình sẽ khó, hoặc không chọn làm khi ở Việt Nam.

 

(Visited 564 times, 2 visits today)

Leave A Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.