Ông bà ta thường nói “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Mới đó mà mình đã rời Việt Nam yêu thương 3,5 năm rồi! Gần một ngàn ngày ở châu Úc là hàng ngàn bài học quý giá. Cuộc sống ở Úc đã dạy cho mình rất nhiều điều mà trước đó mình chưa nhận ra.

1. Những lợi thế mình có ở nơi này không là gì khi mình ở nơi khác. Vì vậy phải luôn khiêm nhường và không ngừng học hỏi, chuẩn bị cho những thay đổi.

Hồi ở Việt Nam, mình có rất nhiều lợi thế: hai ba ngoại ngữ, nhu cầu thông dịch tiếng Hàn cao… Thời điểm đi working holiday, mình vốn chỉ muốn đi cho vui và bận rộn với vô vàn công việc chuyên môn tiếng Hàn nên không chuẩn bị gì cho cuộc sống sắp tới. Khi sang New ZealandÚc, mình mới nhận ra sự khinh suất đó là hạn chế rất lớn của mình. Vốn tiếng Hàn và kinh nghiệm làm việc chuyên môn cao không giúp ích gì cho mình khi ở Úc cả. Mình không đi học lái xe, không lấy bằng lái xe vì hồi ở VN thuê xe với tài xế dễ dàng. Sang Úc phương tiện công cộng bất tiện, không có xe giống như không có chân nên muốn đi đâu cũng khó tự chủ. Về mặt công việc, khi sang Úc, mình muốn làm nhà hàng, cafe vì lương khá mà dễ xin việc, lại có thể gia hạn visa năm 2. Nhưng vì chưa bao giờ làm nghề nhà hàng khách sạn (hồi sinh viên mình toàn đi dạy tiếng Hàn, tiếng Việt, dẫn tour thôi, có xin làm gà rán mà rớt hị hị), nên mình gặp khá nhiều trục trặc lúc xin việc. Nhiều người trước khi sang Úc đã hiểu rõ về những ngành nghề nào dễ xin việc ở Úc, nhất là dành cho dân châu Á chúng mình, vốn không nói rành tiếng Anh, khác biệt văn hóa với Úc. Mình gặp một chị bạn Hàn Quốc kể là khi xác định đi Úc, chị đã nghỉ việc ở ngân hàng và xin đi làm cafe Starbucks 6 tháng để khi sang Úc có thể xin việc dễ dàng. Còn mình thì sang tới Úc mới biết, mới từ từ đi học barista, rồi xin vào làm cafe, làm bar… mà phải ra vùng xa xôi làm thì mới có việc.

Mình có viết bài Những điều cần biết trước khi đi working holiday Úc và NZ để các bạn né những sai lầm của mình ra. Các bạn quan tâm thì tìm đọc nhé.

2. Không đánh giá người khác khi mình chưa hiểu về họ. Vì cuộc sống ở Úc chưa bao giờ dễ dàng cho dân nhập cư.

Vốn dĩ trong trường lớp và công việc, mình luôn được đánh giá cao và trọng dụng. Vì vậy mình cũng có nhiều tính chưa hay: tự cao, bị bệnh ngôi sao (dù hơi nhẹ thôi) và đánh giá những người mình gặp qua cái nhìn phiến diện của một người vốn gặp nhiều may mắn và chưa biết sự đời. Cuộc sống ở Úc đã dạy cho mình biết rằng mỗi người có một câu chuyện riêng, không có mẫu số chung cho tất cả mọi người.

Úc là miền đất của dân nhập cư, rất nhiều người có công việc lương cao, ổn định nơi quê nhà nhưng vì quyết tâm du học, định cư Úc, đã can đảm từ bỏ vùng an toàn của mình để đến đây. Cái khó khăn nhất khi sống ở Úc có lẽ là trở ngại về ngôn ngữ. Bạn có thể là một nhà bác học, kiến thức uyên thâm khi nói tiếng mẹ đẻ, nhưng khi nói tiếng nước ngoài thì bạn nghe ngây ngô như trẻ cấp 1 cấp 2. Nhiều người rất tài năng nhưng vì ngôn ngữ và những quy định về visa, không thể tìm được công việc chuyên môn cho mình. Bản thân mình cũng gặp những trở ngại tương tự. Khi ở Việt Nam, mình cũng có lợi thế của dân sinh ra ở Sài Gòn nên không hiểu hết được những cái khó khăn, trở ngại và cũng là những động lực để người tứ xứ tới Sài Gòn lập nghiệp và còn thành công hơn người Sài Gòn (giống như người nhập cư thường chịu khó, thành công hơn dân bản địa vậy).

Cá sống dưới biển, rùa đi trên cạn. Những lợi thế mình có ở nơi này không là gì khi mình ở nơi khác. Nếu mình là cá, ở dưới biển mình có thể bơi nhanh nhưng ở trên cạn mình sẽ ngủm. Vì vậy phải luôn khiêm nhường, không ngừng học hỏi lẫn nhau và giúp đỡ nhau cùng tiến tới.

3. Xã hội nào cũng bất công. Cuộc sống ở Úc hay ở đâu cũng có vô vàn bất cập.

Càng sống lâu ở Úc, mình càng thương Việt Nam hơn. Hay nói rộng hơn, càng hiểu về cuộc sống của người Úc (đi làm lương cao, an nhàn về tâm lý, chất lượng sống được nâng cao), mình càng thấy được những thiếu thốn, khó khăn và những bất lợi khi là công dân của nước đang phát triển/ kém phát triển. Mình nghe rất nhiều người nói về lý do vì sao họ rời bỏ quê hương, tổ quốc của họ. Người Việt có lý do của người Việt (tệ nạn, bất công xã hội, tham nhũng…), người Hàn có câu chuyện của người Hàn (đa phần giống người Nhật, là do môi trường công ty quá nguyên tắc, coi trọng tôn tư trật tự xã hội, khoảng cách giàu nghèo…), ngay cả những người châu Âu cũng có lý do để phàn nàn về đất nước, chính phủ của họ…

Từ lâu các nước Bắc Mĩ, Bắc Âu, Úc… vốn là “miền đất hứa” mà rất nhiều người đã đổ biết bao nhiêu tiền của, thời gian vào với mong muốn một ngày được đổi màu hộ chiếu. Thế nhưng ngay cả trong nước Úc, dù chính sách hỗ trợ cho xã hội có tốt đến cách mấy, cũng tồn tại rất nhiều điều không thỏa đáng. Ví dụ, trong thời điểm dịch Covid19, trong khi các nước khác hỗ trợ dân nhập cư, lao động nước ngoài, du học sinh, thì thủ tướng Úc nhanh chóng lấy lòng dân với những câu nói gây thương tổn đến những người đang tạm trú và đem lại lợi ích kinh tế trên đất nước này. Chính phủ Úc đưa ra gói Jobkeeper (JK) hỗ trợ cho người lao động nhưng có điều kiện đi kèm (phải là thường trú nhân hoặc quốc tịch Úc, làm trên 12 tháng cho doanh nghiệp). Gói kích cầu này có nhiều mặt lợi, nhưng mặt trái cũng vô số kể. Người dân Úc có thể nói là đã laid back nay càng laid back hơn, vì không đi làm cũng có tiền thì tội gì đi làm. Hoặc có nhiều người thấy được kẽ hở của hệ thống này, họ không đi làm nơi họ được lãnh tiền JK nhưng lại tìm việc mới (miễn là casual job thì họ vẫn được làm và lãnh lương song song với tiền JK). Điều này gây ra xào xáo ngay cả trong cộng đồng thường trú nhân và người có quốc tịch Úc, vì chẳng may họ nghỉ việc thời điểm trước khi JK được tung ra, hoặc làm dưới 12 tháng, thì họ cũng không được nhận đồng JK nào (vẫn có thể xin trợ cấp thất nghiệp, nhưng thấp hơn JK rất nhiều). Mình không phải dân chuyên bàn chuyện chính trị nên cũng không tiện nói nhiều, có gì mình nói chưa đúng, mong các bạn đóng góp giúp mình.

Mình kể ra những điều tren chỉ muốn nói 1 điều là: xã hội nào cũng bất công cả. Bạn không thể thay đổi những tác nhân bên ngoài, nhưng chỉ có thể thay đổi bản thân bạn, để thích ứng và tồn tại ở nơi mà bạn chọn. Dù sự lựa chọn sống ở Úc có thành công hay không di nữa, thì đừng cố gắng chối bỏ quê hương, gốc gác, đừng nhổ vào mâm cơm (từng hay đang) là của mình, của gia đình, dòng họ, bạn bè mình. Đã là người phải xa quê hương thì có mấy ai hạnh phúc trọn vẹn.

Cuộc đời là bài học dài. Học hết bài này, ta qua bài khác. Chúc cho các bạn đọc bài viết này có dịp sang trải nghiệm cuộc sống ở Úc, để thêm trân trọng những giá trị mình đang có. Và hơn hết là đi thật xa để trở về, chúng ta có thể làm nhiều điều tốt đẹp cho những người cần ta.

(Visited 2,459 times, 1 visits today)

Leave A Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.