Mình là fan của Kpop từ tuổi 15, tới trở thành sinh viên ngành Hàn Quốc học ở Đại học KHXH&NV, mình luôn mong có ngày đi du học Hàn Quốc. Văn hóa doanh nghiệp Hàn Quốc là môi trường đa văn hóa đầu tiên mình tiếp xúc trong những năm đầu khởi nghiệp (1). Mình tìm hiểu và yêu đất nước Hàn Quốc về rất nhiều mặt: từ lịch sử đến nghệ thuật cổ truyền, đương đại, tới ẩm thực, thời trang… Dấu nhập cảnh nhiều nhất trong hộ chiếu của mình cũng là từ Hàn Quốc. Nhưng vì nhiều lý do mà duyên số đưa đẩy mình đến du học ngành điều dưỡng ở Úc thay vì Hàn Quốc.

1. Du học Hàn Quốc thông qua chương trình trao đổi sinh viên gây khó khăn cho sinh viên khi tốt nghiệp

Một điểm thú vị của ngành Hàn Quốc học là các trường Đại học ở Việt Nam có khá nhiều chương trình liên kết, trao đổi sinh viên (exchange student) với các trường Đại học Hàn Quốc trong vòng 6 tháng – 1 năm. Đây là cơ hội tuyệt vời cho sinh viên có cơ hội đặt chân đến đất nước mà mình đang tìm hiểu. Thế nhưng với bộ máy hành chính (hành là chính) quan liêu từ cấp trường tới cấp Bộ, nhiều bạn bè của mình đã gặp không ít khó khăn sau khi trở về. Kể sơ vài trường hợp sau: Chị sunbae học khóa 2006 theo chương trình giáo dục cũ, sau 1 năm trở về, chị cần học thêm 2 3 học kì để đủ điều kiện tốt nghiệp, tuy nhiên trong lúc chị ở Hàn Quốc, chương trình giáo dục của ngành thay đổi, một số môn trong chương trình của năm 2008 trở về trước đã bị hủy, trong khi chị cần phải học những môn đó mới đủ điều kiện tốt nghiệp. Vì vậy chị phải lên Phòng đào tạo tới lui bao nhiêu lần, sau rất nhiều nỗ lực mới có thể được học những môn thay thế, để có thể tốt nghiệp. Chị học khóa 2006, mình học khóa 2009, nhưng tụi mình tốt nghiệp cùng 1 năm (dù chị chỉ đi Hàn Quốc có 1 năm). Một bạn khác của mình vì đã du học 1 năm trao đổi rồi, nên khi về Việt Nam và tốt nghiệp, bạn muốn tìm cơ hội học lên Cao học. Không may các học bổng mà bạn muốn nộp đơn đều có điều kiện là chưa từng học ở Hàn Quốc hơn 6 tháng (có lẽ do muốn cho những người chưa đến Hàn Quốc cơ hội du học). Vì vậy nếu muốn du học Hàn Quốc, bạn phải tự túc chi phí. Tuy không quá đắt đỏ nhưng với sinh viên mới ra trường, chưa có khoản tiết kiệm, thì du học tự túc hoàn toàn không dễ dàng.

Từng thất vọng sau nhiều lần nộp đơn xin đi trao đổi du học mà vẫn không có cơ hội, mình nhận ra “MAY mà mình rớt!” khi thấy các trường hợp kể trên. Đa phần ai đi rồi cũng sẽ muốn quay lại Hàn để lên Cao học, nên sẽ tốt 2 năm nữa. Học ở VN + exchange thì 5 năm mới tốt nghiệp Cử nhân, thà mất 6 năm học ở Việt Nam rồi đi Hàn Quốc lấy bằng Thạc sĩ vẫn lời hơn! Vì vậy đi du học Hàn Quốc theo chương trình student exchange có lẽ không thật sự dành cho mình. Trộm vía mình may mắn được tham gia Chương trình giao lưu thanh niên quốc tế Hàn Quốc nên ước mơ đặt chân đến Hàn Quốc cũng đến sớm hơn mong đợi.

Công bằng mà nói, trường hợp không may không nhiều bằng các trường hợp suôn sẻ, đi về vẫn tốt nghiệp đúng năm với các bạn cùng khóa (nếu chịu khó học cực, dồn tín chỉ vào các học kì còn lại) hoặc vẫn có cơ hội du học Cao học dễ dàng. Thời gian trao đổi sinh viên cũng thảnh thơi, thoải mái và không áp lực bài vở bằng việc học Cao học. Chưa kể với sinh viên bọn mình thì được cơ hội nào vớ lấy cái đó, chứ biết tương lai như nào mà chọn với lựa. Nên khuyến khích bạn nào có cơ hội du trao đổi thì cứ mạnh dạn lắng nghe con tim, ha!

2. Du học Hàn Quốc lấy bằng Thạc sĩ về… làm gì?

Vốn ngôn ngữ tiếng Hàn và kiến thức về xã hội, văn hóa, con người Hàn Quốc mình học được từ sách vở trên trường, công với những câu chuyện thực tế mà các giảng viên ngành Hàn (hầu hết có kinh nghiệm sống ở Hàn Quốc lâu năm), sinh viên ngành Hàn có khởi đầu khá thuận lợi so với nhiều bạn bè đồng trang lứa. Mới ra trường, thu nhập của mình đã 1x triệu, việc nhàn nhã. Sau 4 5 tháng làm việc, mình đã để dành đủ tiền để bỏ việc, đi du lịch bụi 2 tháng vòng quanh Đông Nam Á. Dự định của mình là sau khi du lịch, mình sẽ chăm chỉ làm việc hai ba năm, để dành vốn liếng lo chi phí sinh hoạt, rồi xin học bổng du học Cao học.

Sau một năm mòn đít trong tập đoàn chaebol lớn top 5 Hàn Quốc, học được nhiều kiến thức về môi trường, phòng ban trong công ty, về việc kinh doanh trong nội địa, thương mại quốc tế… và cũng đủ mùi chua cay, đủ nước mắt khi làm việc dưới trướng sếp Hàn, mình quyết định làm freelancer. Về công việc chuyên môn thì mình sẽ chia sẻ trong một bài viết khác. Quan trọng là, sau hai ba năm làm việc với người Hàn, tiếp xúc với nhiều anh chị em cùng khối Hàn Quốc học, đã là du học sinh ở Hàn Quốc trở về Việt Nam làm việc, mình nhận ra là… nếu có đi du học Hàn Quốc về đi nữa, thì cơ hội về công việc, khả năng thăng tiến, hay trình độ tiếng Hàn của mình… cũng sẽ vẫn như vậy, không có gì khác! Vì bọn mình đi theo hướng làm thương mại, kinh doanh, thông dịch, điều mà không đi du học Hàn thì dân ngành Hàn ra trường vẫn đã và đang làm được.

  • Về khả năng ngôn ngữ: Một thực tế mà nhiều người nghĩ là học tiếng nào thì phải đi nước đó sống và học tập, mới có thể giỏi được. Theo kinh nghiệm cá nhân mình, và những người bạn chưa bao giờ đi Mĩ, đi Anh Úc, chưa bao giờ đi Hàn Quốc mà vẫn giỏi ngôn ngữ thì khác hẳn. Với ngôn ngữ, năng khiếu đưa bạn đi nhanh, nhưng sự chăm chỉ đưa bạn đi xa. Nói nhiều không quan trọng bằng nói ít mà đúng. Nếu cứ đi Hàn Quốc là giỏi tiếng Hàn, thì các cô dâu Việt Nam đã không gặp nhiều khó khăn khi nói chuyện với chồng, với gia đình chồng, để xảy ra nhiều chuyện đáng buồn (vâng, tiếng Hàn khó, nên nói tiếng Hàn sai một chữ thôi, cũng đủ đưa đẩy ngữ nghĩa đi xa).
  • Về chuyên môn: Với người học Hàn Quốc học, các chuyên ngành Cao học cũng giới hạn trong khối khoa học xã hội như Cao học ngành Châu Á học, Lịch sử, Văn hóa, Ngôn ngữ… Với những người thích nghiên cứu thì vô vàn cơ hội tuyệt vời, vì mục tiêu của khối khoa học xã hội là đào tạo ra những nhà nghiên cứu (scholar). Nhưng với người muốn có thêm chuyên ngành khối thương mại, muốn học về truyền thông, kinh doanh, marketing… thì các khóa cao học ở Hàn Quốc khá hạn chế, chưa kể bắt tay vào làm việc thực tế ở Việt Nam mang lại nhiều kĩ năng, network cần thiết hơn là bằng cấp từ nước ngoài. Điều này không áp dụng với khối kĩ thuật, mời xem chú thích (2) dưới bài viết.

Đối với trường hợp ở lại Hàn Quốc làm việc: đa phần sinh viên sau khi du học có thể làm việc ở các vị trí thông dịch viên, hoặc nhân viên thương mại, sales… ở các công khi có mảng kinh doanh với Việt Nam. Nhiều người có duyên trở thành giảng viên, luật sư… Và có một sunbae có duyên xuất gia, lấy pháp danh Giác Lệ Hiếu sau khi học Tiến sĩ Phật học ở Seoul nữa. Với những bạn có dự định đi du học Hàn Quốc để tìm kiếm việc làm rồi ở lại với visa làm việc, hoặc định cư, thì mình không có nhiều kinh nghiệm. Hẹn dịp thỉnh giáo một cao nhân nào đó đang sống và làm việc ở Hàn sau khi làm du học sinh, sẽ chia sẻ thông tin đến các bạn.

3. Văn hóa Hàn Quốc – trở ngại lớn nhất khi sống và du học Hàn Quốc

Làm việc với Hàn Quốc nhiều năm nhưng thú thật là mình không phù hợp với văn hóa coi trọng cấp bậc và tôn ti trật tự cũng như nunchi (tạm dịch là sự tinh ý, biết đoán ý của đối phương) một cách thái quá. Hồi đi Hàn Quốc 1 tháng, gặp nhiều anh chị em du học sinh kể 1001 câu chuyện cười ra nước mắt khi gặp giáo sư hay sunbae anh chị khóa trên bắt nạt, bắt làm rất nhiều bài vở, viết công trình nghiên cứu nhưng không được đứng tên, bắt ngồi nhậu sau khi học bài/ sau giờ làm – những điều được mặc nhiên xem là thông thường ở Hàn. Nói thêm, trong văn hóa Hàn, nếu từ chối lời mời hwesik (đi nhậu) sau giờ học, giờ làm thì bị xem là không tôn trọng cấp trên, giảng viên.

Chưa kể người Hàn Quốc coi trọng vẻ đẹp theo tiêu chuẩn da trắng, mũi cao cao, ăn mặc theo một chuẩn chung, dù rất xinh, rất đẹp đi nữa nhưng khá một màu. Có ai da ngăm, họ sẽ bảo là sao da đen như người Đông Nam Á thế (như người Việt mình, hay chê đen như Campuchia). Ngay cả những người Mỹ, Úc gốc Hàn khi tới Hàn sống và làm việc cũng khó thích nghi với sự phiến diện trong quan điểm về vẻ đẹp của người Hàn. Mình vốn thích đi bụi, thích da ngăm, mũi đẹp chuẩn Việt Nam, nên khi làm việc với người Hàn, được nghe những lời khuyên về sắc đẹp, hình thể khiến mình không thoải mái. Sang xã hội có nhiều sắc tộc, đa văn hóa như Úc, mình thấy được là chính mình, vẻ đẹp của mình được yêu thích, được theo đuổi và được tôn trọng, mình thấy dễ chịu hơn hẳn.

Những khác biệt về tư duy và văn hóa khó dung hòa với người khá “cứng đầu” như mình cũng là lý do chính khiến mình quyết định không du học Hàn, cũng như khuyến cáo các em đang học phổ thông đọc bài viết Vì sao không nên học ngành Hàn Quốc học? trước khi quyết định chọn trường thi ĐH. Mình cũng có bài viết chia sẻ về Tính cách người Hàn Quốc qua góc nhìn của thông dịch viên để các bạn quan tâm có thể xem.

Sau 8 năm học tiếng Hàn, làm việc với khách hàng Hàn Quốc là chính, mình quyết định sẽ du học, nhưng là du học ở châu Âu, để có thể sống và trải nghiệm một nền văn hóa khác, ngôn ngữ khác. Thì duyên số đưa mình đến với châu Úc.

Kết – Du học Hàn Quốc, không phải ước mơ nào cũng cần trở thành hiện thực.

Ông bà ta có câu “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Du học, sống và làm việc ở nước ngoài là một trải nghiệm chắc chắn nên có trong cuộc đời. Du học Hàn Quốc cũng sẽ mang lại nhiều bài học, ý ức, kinh nghiệm và những mối quan hệ tốt đẹp cho bạn trong tương lai. Mình khuyến khích du học và mong nhiều người đi học xa rồi trở về xây dựng quê hương, đóng góp cho những người chưa có may mắn được đi xa như chúng mình.

Bài viết này không nhằm mục đích chê bai Hàn Quốc, mà chỉ muốn nói lên những mặt trái của du học Hàn cho những người quan tâm. Cũng là một sự an ủi cho quá khứ của chính mình, vì mình cũng từng mong muốn được du học, được sống ở nước ngoài… mà cứ nộp học bổng là rớt. Mình từng rất thất vọng, cảm thấy cuộc sống không công bằng, tại sao người này người kia thế nọ thế kia lại được học bổng, còn mình thì… tá lả các thứ. Thế nhưng sau nhiều trải nghiệm, mình học được rằng không phải ước mơ nào cũng cần phải trở thành hiện thực, và đôi khi không có được thứ mình muốn là sự may mắn tuyệt vời (“Remember that sometimes not getting what you want is a wonderful stroke of luck” – Dalai Lama) nếu đi du học Hàn Quốc thì mình đã chưa chắc đã có dịp tới working holiday New Zealand, rồi lao động kì nghỉ Úc, trải nghiệm cuộc sống yên bình, nền văn hóa tôn trọng sự khác biệt, phù hợp với bản thân mình. Thất bại không khẳng định bạn là ai, mà thái độ sau khi thất bại nói lên con người bạn! Nếu bạn vẫn muốn du học, du lịch, trở thành expat sống ở nước ngoài, thì hãy tin rằng vẫn luôn có ít nhất một con đường.

Mình rất yêu Hàn Quốc và vẫn mong có dịp sống ở đây một thời gian. Nếu tương lai có cơ hội, mình rất muốn tới Hàn Quốc sống 6 tháng ~ 1 năm, trải nghiệm cuộc sống ngày ngày ra tàu điện ngầm đi làm, ghé ngang khu ăn chơi Hongdae shopping, mua sắm mĩ phẩm, hát karaoke trước khi về nhà…, cuối tuần đi leo núi, trượt tuyết, mùa xuân ngắm hoa đào, mùa thu ngắm lá phong rơi, tất bật đi làm đầu tối mặt mày… Một cuộc sống bận rộn, xô bồ, bon chen mà mình đã bỏ quên…

Chú thích

(1): khởi là bắt đầu, nghiệp là làm việc, khởi nghiệp ý nói là khi mình bắt đầu đi làm, chứ không phải theo nghĩa làm enterpreneur như định nghĩa đương đại

(2): bài viết là suy nghĩ cá nhân của mình, dựa trên kinh nghiệm của mình và những người cùng background là cử nhân Hàn Quốc học. Nếu bạn là người học chuyên kĩ thuật, điện, IT, có dự định du học Hàn Quốc để nâng cao chuyên môn, thì bài viết của mình sẽ có nhiều thông tin không phù hợp với bạn. Hàn Quốc là nước có nền công nghiệp hiện đại hóa và IT có thể nói là hàng đầu thế giới nên tin rằng bạn có nhiều cơ hội nâng cao trình độ. Tuy nhiên về vấn đề văn hóa nêu trên, nhiều người có thể không phù hợp và cảm thấy gò bó nếu gặp giáo sư hướng dẫn quá cứng nhắc. Bạn có thể comment hay inbox những thắc mắc để mình có câu trả lời hoặc tìm người có thể giải đáp cho bạn.

(Visited 3,100 times, 1 visits today)

4 Comments

  1. Pingback: Vì sao nên học ngành Hàn Quốc học? - THE NOMAD QUEEN

  2. Pingback: Hàn Quốc học là gì? - Giới thiệu sơ lược về ngành Hàn Quốc học - THE NOMAD QUEEN

  3. Pingback: Vì sao không nên học ngành Hàn Quốc học? - THE NOMAD QUEEN

  4. Pingback: Người Hàn Quốc không cởi mở, thực dụng và đề cao hình thức

Leave A Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.