Arthur’s Pass nằm cách dãy núi cùng tên 5km. Thị trấn nằm ở độ cao 740m so với mực nước biển nên nhiệt độ luôn thấp hơn đồng bằng. Nơi này được đặt tên theo Arthur Dudley Dobson. Arthur được giao nhiệm vụ khai hoang, tìm đường từ Waimakariri đến bờ Tây đảo Nam. Ông cùng em trai, Edward Dobson tìm đến sông Otira. và được một thủ lĩnh người Maori chỉ cho đường mà người Maori thường đi săn. Ông quay về Christchurch và báo cáo con đường này. Đoạn đường vừa dốc vừa nhọc nhằn, được đặt cái tên ban đầu là Camping Flat.

Khi phong trào khai thác vàng sôi sục ở đảo Nam, một hội đồng cách thương gia trao giải thưởng £200 cho người tìm ra con đường dễ dàng hơn để vận chuyển từ bờ Tây sang vùng Canterbury (bờ Đông). Lúc này Edward lại đi tìm hiểu đường xá, giao thông. Trải qua nhiều hành trình, ông tìm thấy con đường khả dĩ nhất là con đường Arthur’s Pass ngày nay.

Từ Greymouth hoặc Christchurch đến Arthur’s Pass chỉ mất 2 tiếng lái xe, đường quốc lộ nối bờ Đông với bờ Tây ngày nay luôn đông đúc xe cộ qua lại. Có thể đi bằng nhiều hình thức, nhưng đẹp nhất có lẽ là đi xe lửa Tranzalpine. Tàu khởi hành từ Greymouth lúc 2h chiều, dừng ở AP lúc hơn 4h. Đường đi rất đẹp và trong xanh. Sau khi qua một đường hầm ở thung lũng Otira thì đến Arthur’s Pass, và rất bất ngờ khi thấy cả thị trấn ngập trong tuyết. Đi dọc bờ Tây cả tuần chẳng thấy tuyết nên mình khá ngạc nhiên lẫn thích thú. Và hình như đây là lần đầu mình thấy tuyết ở New Zealand!

Từ nhà ga tới YHA mountain house chỉ vài trăm mét, nhưng google map lại chỉ đường sai, khiến mình đi về hướng ngược lại, và đi mãi hơn 1km mà chẳng thấy hostel nào. Vừa đi vừa xem bản đồ xem có đúng hướng không thì vẫn thấy nó bảo mình đang đi đúng đường mới khổ. Vừa vác balo vừa kéo vali thì gặp một bác lái xe tải đậu lại trước mình 100m. Bác nhìn mình ái ngại, hỏi mình có cần đi nhờ không, mình mừng quá bảo dạ có liền.

Xe tải của bác kéo 2 container 40 feet phía sau, và cực hôi. Hỏi bác đang giao hàng gì thì bác bảo trong 2 container này là 54 con bò, bác vận chuyển về thị trấn gì quên tên rồi, cách đó vài chục km. Bác khệ nệ đẩy valy của mình vào ghế phụ, mình leo lên xe tải (mấy xe tải lớn, toàn phải leo cao ơi là cao ý), quăng balo vào giữa hai ghế rồi ngồi co ro trước cái valy chiếm hết chỗ để chân. Bác chở đi một đoạn và bảo town nằm hướng ngược lại, mình có chắc là mình đi đúng đường không. Mình vẫn check bản đồ và bảo vầng, đúng mà, google nó bảo sắp tới rồi…

Và mèn ơi chỉ vài giây sau, google đã nhận ra sai lầm và vị trí của mình lúc này nằm ở hướng ngược lại, cách điểm đến tới 3km! Mình lật đật nói bác ơi, đúng là nhầm đường rồi, cho con dừng ở đây.

Bác này bảo đang ở highway không dừng được, nhưng qua đoạn này sẽ có một chỗ để tấp vào, và có một campsite của DOC ngay đối diện, nên tới đó rồi xuống sẽ tiện hơn. Bác còn bảo chỗ bác tới có một nơi để nghỉ qua đêm, và bác sẽ phải lái xe về vào sáng mai, nếu mình cần thì bác chở đi rồi mai bác chở về lại. Mình cũng cám ơn thiện ý, nhưng thà mình vác valy và balo đi bộ ngược lại 3km còn hơn là phải ngủ ở một nơi nào đó… thế nên bảo là cám ơn bác, con book phòng ở YHA cho đêm nay rồi, và không có nhiều thời gian nên nếu mai mới quay lại thì con không thể đi leo núi được.

Mình tin là bác này không có ý xấu. Bác dừng lại đúng đối diện campsite. Có một xe hơi đang đậu trong campsite, bác chạy qua đường hỏi họ cho mình quá giang trước, còn mình lọ mọ kéo valy và balo từ xe tải xuống. Bác quay lại, bảo mấy bạn kia sẽ ngủ lại qua đêm ở campsite, nhưng mình cứ hitchhike đi, chắc sẽ có xe. Mình rối rít cám ơn bác rồi tạm biệt bác lái xe cùng 54 con bò.

Sang đường, trước khi hitchhike, mình bắt chuyện với 3 bạn gái đang cắm trại trong campsite. Ba bạn cũng là working holiday, người Brazil. Họ nói nếu mình đứng lâu mà không có xe thì họ sẽ chở mình đi, nên đừng lo. Mình cũng chả lo gì đâu, chỉ ngại cực thôi.

Đứng tầm 5 phút, vừa đứng vừa tám với mấy bạn Brazil, thì có ngay một xe du lịch 45 chỗ của các bác Trung Quốc tấp vào. Bác lái xe nhanh nhảu kéo valy của mình vào gầm xe, rồi cho mình ngồi ở ghế lơ xe. Mấy bác khách du lịch Trung Quốc nhìn mình vừa tò mò, vừa thương cảm 😀 Bác lái xe mời mình ăn kẹo và hỏi chuyện sao mình lỡ đường, nghe kể chuyện xong bác bảo “crazy girl”, mấy bác phía sau bảo “no no, brave girl”, Mình thì chỉ thấy mình rất là silly. Đi du lịch không ít lần nhưng mình vẫn chẳng bao giờ biết đọc bản đồ, và cực kì mù phương hướng, nên nhiều lúc gặp không ít khó khăn. Lúc thì nhìn GPS rồi vẫn đi lạc, lúc thì bị cả iPhone lẫn google map cho đi lạc… như hôm này.

Bác lái xe bảo họ chỉ đi từ Christchurch tới bờ Tây chứ không nghỉ lại qua đêm ở đây, rồi cho mình dừng lại ở trung tâm thị trấn trước khi tiếp tục chở khách đi. Đây không phải là lần đầu tiên xe du lịch của khách TQ cho đi nhờ, hồi đi Routeburn track, mình cũng được một đoàn các cụ Thượng Hải cho quá giang. Con người với nhau, về cơ bản là ai cũng tốt, cũng thích giúp người.

Thị trấn Arthur’s Pass nhỏ xíu, nằm thọt lõm trong những dãy núi, lác đác vài căn nhà, cửa tiệm café, quà lưu niệm, cửa hàng tiện lợi mỗi thứ đúng một cái. Bạn người Anh working holiday làm mama tổng quản ở YHA bảo chỉ tầm 30, 40 người dân. Không nhiều nhà dân ở khu này, đa phần là nhà nghỉ, motel… đã đóng cửa mùa vắng khách. YHA Mountain House là hostel ổn nhất, lại còn miễn phí gạo và lúa mạch, cà phê trà… Nhạc jazz dịu nhẹ khắp các phòng bếp và nhà sinh hoạt chung, khiến mọi mệt mỏi sau một ngày dài tan biến hết cả. Giữa vùng khỉ với gà cũng không có mà ho, mà gáy thì quá ổn. Hệ thống BBH cũng có một nhà nghỉ ở đây, rẻ hơn rất nhiều, nhưng tối tăm, bẩn bẩn.

Không phải ngày nào cũng suôn sẻ, đằng sau bức ảnh check in núi rừng, sông biển… luôn là những thử thách nho nhỏ đến to to, mà nếu không kể thì những người ở nhà sẽ không hình dung được. Khi ngồi ở quán cafe viết những dòng này, ăn nhà hàng sang chảnh, nghĩ về những chặng đường vác balo mấy chục kí, hay vừa kéo valy vừa vác balo đi đường quốc lộ mịt mùng xe như hôm ấy, thật nhẹ nhàng biết bao!

(Visited 253 times, 1 visits today)

Leave A Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.