Ban đầu mình không định đi Kepler track great walk vì… cứ tưởng là không đẹp, ai dè đẹp không tưởng! Bởi vậy không thể để hình ảnh trên internet đánh lừa được! Sau khi đi Routeburn track về, mới hai ngày mình lại ngứa chân, thấy thời tiết ở Kepler track đang khá đẹp, thế là mình nghĩ đằng nào cũng… rảnh, thôi cứ đi tramping tiếp vậy. Thế là sáng dậy lại vác balo hitchhike xuống Te Anau.
Kepler track là một trong 9 cung great walk của New Zealand, chỉ cách trung tâm Te Anau có 5km và là loop track (bắt đầu và kết thúc tại một điểm) nên rất nhiều người đi trek này. Tháng 4 trek này bị đóng vài ngày vì có tuyết và mưa khá lớn, lúc mình đi thì chỉ có mưa gió, không có tuyết, rất may mắn.
Cả chuyến đi tốn 15 đô cho mỗi đêm hut, nếu có backcountry hut pass chỉ 100$ cho cả năm nên tính ra chả tốn tiền ở bao nhiêu! Nếu đi từ tháng 11-4 (great walk season) thì 65$ một đêm và không được dùng hut pass. Hai tuần trước và sau mùa cao điểm đôi khi thời tiết thuận tiện hơn, vừa tiết kiệm được khối tiền. Đồ ăn thì chả tốn nhiêu (ít hơn 20$ cho 4 ngày đi đường). Ngủ trong rừng rẻ hơn ngủ ở hostel, cảnh khi lái xe đã đẹp thì khi đi hiking lại đẹp hơn nữa, bảo sao thích đi leo núi, hehe
Bản đồ và thông tin chính thức: truy cập web DOC Kepler track
Ngày 1: Car park – Luxmore Hut
Mình hitchhike từ Te Anau và được một cặp đôi Croatia chở tới car park. Hai bạn chỉ lên tới Luxmore Hut, ngủ một đêm rồi hôm sau đi key summit, sau đó quay về (nhiều người cũng đi như thế). Ngày này đi 6 tiếng leo lên dốc nhiều, vì độ cao ở Luxmore Hut tầm 1085m, chỉ qua toàn rừng và vượt dốc nên rất đuối. Dù cảnh vẫn đẹp nhưng rừng thì… ở đâu cũng vậy, nên hơi chán. Qua 5 tiếng vượt rừng và đồi thì lên tới đoạn expose nhất, cách điểm đến 45 phút. Vì quá cao, gió lồng lộng và lạnh nên chắc là cây không mọc nổi, chỉ toàn cỏ và rêu mọc trên đầm lầy. Luxmore Hut nằm trên một khoảng không gió lộng, ngó ra hồ và thị trấn Te Anau. Trên đường đi thổi rất mạnh và cảm tưởng mình sắp bay xuống hồ Te Anau tới nơi. Cả buổi tối cũng nghe tiếng gió giật rin rít, thế mà vẫn ngủ ấm nhờ có túi ngủ khá tốt và êm.
Luxmore Hut đông đúc và ồn ào, nhiều nhóm đi tramping (đi rừng dài ngày) mà mang cả bếp loại nhà mình hay nấu lẩu, mang mấy rau củ quả nặng chịch, có người mang cả tảng thịt bò và hai ba chai vang lên nhậu, thấy sức vác của các bạn thật là khủng! Có anh kia nhìn balo nhỏ xíu mà mang theo cả sữa tươi và trứng sống, nhiều người mang đồ đóng hộp cả nửa ký 1 lon. Mình và nhiều người khác thường chỉ mang sữa bột, ngũ cốc, lúa mạch, mì gói ăn liền, rau củ sấy khô rồi nấu gọn nhẹ, vẫn no và đủ chất, hehe.
Ngày 2: Luxmore Hut – Iris Burn Hut
Ngày thứ hai là ngày đi qua đỉnh Luxmore cao 1472m, đường đi dọc sườn núi đá trơn trọi và có nguy cơ bị lở đá vào mùa đông. Thời tiết được dự báo là sáng nắng chiều mưa, cả ngày cực kì gió. Ngày trước các ranger đã báo là sẽ rất mây và mù mịt, gió thổi lạnh nên cần giữ ấm, và nếu thấy không an toàn thì nên quay lại, mới tuần trước đã có 9 người cần phải được giải cứu.
Đường đi từ hut tới key summit và từ key summit tới Iris Burn rất đẹp. Đi dọc trên đỉnh những ngọn núi cao, hết núi này đến núi khác, nhìn thấy cảnh thung lũng, sông hồ hai bên đường. Cảnh trên key summit ở đây không đẹp bằng ở Milford track hay Routeburn track, nhưng đường đi thì phải nói là đẹp nhất trong 3 great walk ở Fiorland. Dù có mây và nhiều sương mù nhưng may mắn là vẫn có thể ngắm được cảnh đẹp. Và có lẽ mây, sương mù cũng làm cho cảnh vật thêm ma mị và có chất “chúa tể những chiếc nhẫn” hơn. Nhiều người về lại Luxmore sau khi lên key summit, chỉ có nửa nhóm là đi tiếp tới Iris Burn. Đường mưa rất to và có đến hai shelter để trú trong trường hợp đá lở, giông bão… Tuy có chút thử thách về thời tiết nhưng ai cũng hạnh phúc ngất ngây với cảnh đẹp. Thậm chí nếu ngày tiếp theo mà không mưa thì mình cũng không ngại quay lại đoạn đường này đâu, nhưng vì mưa sẽ nặng hơn nên mình lại đi tiếp.
Đến Iris Burn ai cũng ướt nhẹp, phải thắp lò hong đồ mà hong mãi đồ không khô nổi vì thời tiết bên ngoài và không khí trong hut khá ẩm. Tối ở đây mình nghe thấy tiếng chim Kiwi rất gần. Kiwi là loài chim rất hiếm ở NZ, chỉ xuất hiện trong bóng đêm, khi không có người và chạy rất nhanh. Phải đeo đèn đỏ , không được bật ánh sáng trắng và phải rất may mắn mới thấy được. Nhiều người phải dầm mưa tới 2 3 tiếng chỉ để thấy chúng xuất hiện trong 2 3 giây.
Ngày 3&4: Iris Burn – Moturau Hut – Rainbow Reach hoặc về carpark(end point)
Hai ngày cuối ở Kepler track chỉ băng rừng, cảnh không quá đặc sắc nên nhiều người thường ráng đi nhanh để không phải ngủ lại Moturau một đêm. Đêm này mình và các bạn Kiwi, Anh, Đức có cuộc trò chuyện rất đáng nhớ về mọi chủ đề: từ chính trị, xã hội học tới… Murakami Sáng nay trên đường về gặp chị người Thái lấy chồng Kiwi vào rừng với bố chồng để kiểm tra các bẫy chụt trong rừng, họ cho đi từ Rainbow Reach về Te Anau rồi mới hitchhike 5p thì nhóm ba bạn vừa đi Milford track về, cho bọn mình quá giang về lại Queenstown.
Thế là đã đi xong một track đẹp nữa, và ước là mình có thật nhiều thời gian để băng rừng lội suối khắp đất nước New Zealand hoang sơ và kì diệu này.
Pingback: Kinh nghiệm du lịch Queenstown, New Zealand "chỉ" với 200 đô
Pingback: Milford Track