Hôm nay mình đi Làng dân tộc Hàn Quốc ở Yong-in, cách Seoul chỉ 1 tiếng đi xe buýt. Những cung điện, cổng thành, bảo tàng trong nội đô Seoul đủ đem lại cho bạn cái nhìn toàn cảnh về lịch sử và truyền thống đặc trưng của Hàn Quốc. Nhưng nếu bạn vốn quan tâm đến văn hóa bản địa ở những nơi đi qua, muốn học thêm về một nền văn hóa phương Đông gần gũi nhưng nhiều khác biệt, muốn hiểu kĩ và sâu hơn về dân tộc Hàn, về tập tục, thói quen sinh hoạt, nhà cửa để hiểu người Hàn và đất nước Hàn Quốc; hoặc chỉ đơn giản là bạn thích coi phim cổ trang và muốn tham quan bối cảnh của những bộ phim Hàn lưu nổi tiếng, Làng dân tộc Hàn Quốc ở Yongin (Yongin Folk Village), thuộc tỉnh Gyeonggi-do là điểm đến hoàn hảo dành cho bạn.
Chuyến xe bus từ Gangnam đi Yongin như cỗ máy thời gian đưa chúng ta từ Seoul hiện đại của thế kỉ 21 ngược về Hanyang ở thế kỉ 17 ! Let’s go ~
Hé lô! Anyenghaseyo ~!
Làng dân tộc Yong-in là một công viên chủ đề, một bảo tàng ngoài trời – nơi tái hiện đời sống của người Hàn trong thời Joseon, khoảng thế kỉ thứ 17, 18. Ai đã từng xem những bộ phim truyền hình cổ trang nổi tiếng như Dae Jang Keum, Nhất Chi Mai (Iljimae), Thần y Huh – Jun… chắc hẳn đã quen thuộc với hình ảnh những ngôi nhà, đường làng, thôn xóm, trường học mang kiến trúc bản địa, hòa với ảnh hưởng Nho giao, chính là điểm nhấn về dặc trưng văn hóa Triều Tiên trong thời kì này.
Nhà truyền thống của Hàn Quốc
Nhà truyền thống của Hàn gọi chung là hanok. Cũng như bất kì nơi nào trên thế giới, Hàn Quốc cũng có người giàu, người nghèo, tầng lớp trên-dưới trong xã hội, và các yêu tố địa lý tự nhiên nên hanok cũng to nhỏ, cao thấp đa dạng, tùy vào khí hậu, địa hình khu vực và kinh tế của gia chủ.
Nhà quý tộc, yang ban thì rộng lớn, có cổng nha môn ra vào, sân vườn, nhà kho chứa rơm, lương thực, nhà bếp… riêng, phòng ốc của các đại nhân, tiểu thư công tử… có chăn nệm bằng lụa là gấm vóc,…
Nhà của người bình thường thì bình dân, giản dị hơn. Dưới đây là một ngôi nhà như những ngôi nhà chúng ta thường thấy trên màn ảnh nhỏ 🙂 Không biết với ai chứ với mình rất quen thuộc vì mình học ngành Hàn Quốc học nên hồi xưa phải tìm hiểu về những cái này, với lại mình xem phim Hàn nhiều riết quen mắt.
Phim cổ trang cũng được quay ở Làng dân tộc, đội chế tác đạo cụ cho phim nói riêng và cho làng dân tộc nói chung phải làm việc vô cùng chuyên tâm để làm ra những sản phẩm chuẩn xác nhất. Tham quan làng dân tộc, có thể thấy được đằng sau kết quả mãn nhãn như thế là sự đầu tư lớn về tài chính lẫn chất xám. Những người vẽ ra và xây dựng làng dân tộc thật tinh tế và có tâm phải không ạ. Đã làm du lịch thì phải làm cho ra ngô ra khoai thế này chứ.
Bạn cảm thấy như thế nào nhìn thấy hình ảnh ngôi nhà mái rơm trong ánh nắng chiều của một ngày mùa đông này? 🙂 Ngôi nhà thật quá giản dị và dễ thương mọi người nhỉ. Ngắm nhà thôi mà cũng xúc động.
Tiếp theo ta sẽ đến nhà truyền thống ở đảo Jeju!
Đảo Jeju là nơi có gió mạnh quanh năm và nhiều đá. Gió, đá, phụ nữ vốn là ba “đặc sản” của đảo Jeju. Vì vậy nhà truyền thống ở đảo Jeju luôn được bao bọc bởi hàng rào, tường làm bằng đá để cản gió. Ngày nay ở Jeju người ta vẫn còn sử dụng đá để xây tưởng rào quanh nhà.
Ở Jeju dĩ nhiên không thể thiếu… con heo đen các bạn ạ. Heo đen (heuktwejji – 흑돼지) là đặc sản ở đảo Jeju, thịt heo đen nướng rất mềm, thơm và ngon tuyệt vời. Ăn heo đen nướng rồi sẽ thấy thịt ba chỉ nướng (samkyeossal) bình thường thật là vô vị! Và bạn sẽ có một niềm mong ước xôi thịt thật tội lỗi (thiện tai thiện tai) là được ở đảo Jeju để ăn heo đen mỗi ngày. Ở Phillipines cũng có một loại thịt heo ăn rất ngon, mùi vị tương tự heo đen Hàn.
Còn đây là chuồng nuôi heo đen kiểu Jeju nhé.
Là đất nước có khí hậu ôn đới, bốn mùa phân hóa rõ rệt nên ẩm thực Hàn Quốc cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Người Hàn thường ủ thức ăn cho lên men trong những chiếc hũ, lu lớn để dành dùng dần trong mùa thu, đông, những mùa không trồng trọt gì được… Đến ngày nay cũng vậy, các ajuma Hàn thường làm sẵn các loại kim chi, rau củ lên men để sẵn trong tủ lạnh rồi tới bữa thì lấy một ít ra ăn. Thường tới bữa cả nhà chỉ chiên 1 2 con cá, 1 2 cái trứng, chủ yếu là ăn rau củ lên men (nhiều khi thấy rất đạm bạc).
Vì vậy nên ta thấy trên bàn cơm của người Hàn thường có nhiều đĩa nhỏ nhỏ gọi là panchan (side dish), chính là những loại kimchi, rau củ lên men đó. À nói thêm không phải kimchi chỉ là rau cải thảo ướp lên men thôi nhé. Có đến hàng trăm loại kimchi làm từ cải thảo củ cải trắng, dưa leo, rau… Tương ớt gojujang – một nguyên vật liệu không thể thiếu trong các món lẩu, canh, hoặc đậu tương twenjang vốn dùng để nấu canh cũng đều là nguyên liệu lên men như thế. Vì là thức ăn lên men nên đồ ăn Hàn Quốc rất healthy và người Hàn ít bị bệnh vặt.
Không gian thưởng lãm văn hóa truyền thống
Đến với Làng dân tộc Hàn Quốc, bạn không chỉ được chụp hình check-in tại nhà cổ, mà còn được xem những màn biểu diễn âm nhạc dân gian, tận mắt chứng kiến các nghi thức truyền thống của Triều Tiên như lễ cưới hỏi, lễ hội đua ngựa,… được tổ chức trong khuôn viên làng. Mỗi mùa và thời điểm sẽ có lịch biểu diễn khác nhau, có thể xem trước trên website hoặc ở quầy vé. Nên đến làng từ 9h để có thể xem hết các màn biểu diễn trong ngày.
Lịch sử hàng trăm năm qua được tái hiện rõ mồn một trước mắt. Lễ hội, nghi thức không chỉ thu hút khách du lịch mà còn để người dân bản địa hiểu rõ văn hóa, tập tục dân tộc.
Những trò chơi dân gian miễn phí như phóng phi tiêu, ném lao, xích đu hoặc có phí như chèo thuyền, cưỡi ngựa, làm đồ thủ công… cũng là những hoạt động được cả khách trong nước lẫn nước ngoài yêu thích. Đi những ngày giáp Tết nên nhiều gia đình cho các bé mặc hanbok truyền thống đến làng dân tộc chơi và chụp hình rất dễ thương.
Nếu hiểu tiếng Hàn và chịu khó xếp hàng hơi lâu một tí, bạn sẽ được gặp anh thầy bói vui tính này. Đầu năm đi coi bói là một trong những phong tục của dân châu Á mà. Đây là phương pháp bói bằng gạo, vẽ một đường lên tấm gỗ được trải một lớp gạo mỏng rồi thầy sẽ phán về năm mới của bạn. Không biết có trúng hay không nhưng anh thầy bói phán rất hài, chủ yếu vui cười là chính.
Thưởng thức ẩm thực Hàn Quốc
Khu vực nhà hàng trong làng cổ cũng tấp nập, đông vui, y hệt như cảnh sinh hoạt ở làng, huyện trong phim cổ trang. Gọi order ở quầy, thanh toán rồi ra tìm chỗ ngồi thôi, có khu indoor (có nanbang – sưởi) nhưng đông quá và sợ ám mùi thức ăn vào quần áo nên ra ngoài ngồi cho thoải mái. Dưới thời tiết âm chục độ, chỉ chờ đợi được húp một tô súp nóng hổi và uống chút makgolli kèm đồ nhắm là jeon – bánh xèo .
Tóm lại là mình rất thích làng dân tộc!!!
Seoul không chỉ được biết đến với hình ảnh “kì tích sông Hàn” – một đô thị hiện đại, sầm uất, những tòa nhà trọc trời, trung tâm mua sắm phức hợp, những khu phố ăn chơi, bar club xa xỉ, Kpop và drama càn quét mọi ngóc ngách… mà còn là một điểm đến mang đậm màu sắc truyền thống, với những kiến trúc đặc trưng của Triều Tiên nói riêng và Đông Bắc Á nói chung.
Đi khắp Hàn Quốc mới thấy ý thức dân tộc cao của người Hàn. Việc gìn giữ và phát huy văn hóa lịch sử luôn được đặt lên hàng đầu, không chỉ để truyền lại cho các thế hệ trẻ mà còn là một chiến lược quảng bá du lịch hiệu quả. Làng Dân tộc ở Yong-in chỉ là một trong số hàng chục làng dân tộc ở khắp nơi trên Hàn Quốc. Đi vào làng dân tộc như đi cỗ máy thời gian về từng giai đoạn lịch sử Hàn Quốc thật. Càng thấy cách người Hàn gìn giữ, bảo tồn, duy trì và phát huy văn hóa truyền thống rất hay.
Chúc tất cả những người đọc bài viết này có dịp đến Làng dân tộc Hàn Quốc ở Yong-in!
- Xem thêm thông tin cụ thể, cách đi từ Seoul, lịch biểu diễn và event…về Làng dân tộc Yong-in tại http://www.koreanfolk.co.kr/multi/english/
Blog du lịch nói lên nhiều điều về tính cách người viết. Blog du lịch The Nomad Queen đăng toàn hình nhà cổ, nhà truyền thống ở các nước Quyên từng đi qua, vì Quyên rất thích tìm hiểu văn hóa lịch sử các nước. Bản thân Quyên học ngành Hàn Quốc học nên càng thích đào sâu về lĩnh vực này. Nhưng không có nghĩa là Quyên không thích Hàn Quốc tân tiến, năng động, hiện đại nhé. Sẽ viết về khía cạnh này của Hàn Quốc trong những bài khác.
Pingback: Mình đã làm gì suốt một tháng mùa đông ở Hàn Quốc? (P1) – THE NOMAD QUEEN