thông dịch viên tiếng Hàn, song song với công việc hỗ trợ nghiệp vụ thương mại cho các cá nhân, công ty nhỏ Hàn Quốc tại Việt Nam 5 năm ở Việt Nam trước khi du học Úc, mình và những anh chị em đồng nghiệp học hỏi được rất nhiều từ giới kinh doanh Hàn Quốc, từ tính cách người Hàn nói chung. Mỗi dân tộc có một nét tính cách đặc trưng, có điểm cộng, điểm trừ. Tác phong làm việc của người Hàn là điều mà người Việt chúng ta nên học hỏi. Tuy nhiên người Hàn Quốc khá cực đoan trong nhiều mặt, khiến việc hòa nhập và thích nghi trong công sở/ xã hội Hàn Quốc khá khó khăn.

Trong bài viết này, mình muốn viết về việc người Hàn không cởi mở với văn hóa nước ngoài, coi trọng tôn ti trật tự và ngoại hình một cách cực đoan. Từ đó, người Hàn có sự phân biệt và định kiến nhất định với người Việt Nam. Đây cũng là những lý do chính khiến mình quyết định không đi du học Hàn, cũng như khuyến cáo các em đang học phổ thông đọc bài viết Vì sao không nên học ngành Hàn Quốc học? trước khi quyết định chọn trường thi ĐH và dấn thân vào hội những người không còn yêu Hàn Quốc sau khi làm việc với người Hàn.

Người Hàn không cởi mở với văn hóa nước ngoài và không tôn trọng sự khác biệt

Về mặt dân tộc học, Triều Tiên vốn là quốc gia có một dân tộc là dân tộc Hàn (Han-race) (nguồn). Từ 5000 năm nay người Hàn vốn không tiếp xúc với người ngoại bang nhiều, lòng tự tôn dân tộc cao. Cuộc sống ở Hàn Quốc khó khăn cho người nước ngoài vì người Hàn vốn không quen với khái niệm xã hội đa văn hóa (multicultural society), không hiểu được sự khác biệt của mỗi cá nhân, mỗi dân tộc, mà luôn muốn người khác phải đi theo tiêu chuẩn chung của người Hàn. Người Việt Nam mình tiếp thu và đón nhận cái mới, tư tưởng phóng khoáng hơn so với người Hàn rất nhiều.

Có nhiều bạn bè, cả Việt Nam, cả quốc tế du học, làm việc hay kết hôn ở Hàn Quốc, nhưng hỏi ra thì hầu như không ai thấy thích người Hàn và số lượng bạn bè người Hàn đếm trên đầu ngón tay. Họ sống trong làm việc ở Hàn nhưng luôn cảm thấy lạc lõng, đơn độc, không được chấp nhận trong xã hội. Nhiều chương trình thực tế/ talk show ở Hàn đang mời du học sinh, expats, cô dâu nước ngoài lên sóng, chia sẻ về câu chuyện những trở ngại của họ ở Hàn Quốc. Ví dụ như show My Neighbor, Charles chuyên về expat, hay Love in Asia nói về hôn nhân quốc tế. Có những việc nhỏ nhặt như phải viết chữ alphabet, chữ số như thế nào mới đúng là chuẩn Hàn, hay ra đường mua đồ bị bảo béo quá, không có size đâu mà mặc. Mỗi lần mình đi Hàn, nói tiếng Hàn đều bị bảo lấy chồng Hàn hay sao mà tiếng Hàn giỏi thế. Thông qua các chương trình này, người Hàn có thể xem và thấu hiểu, dần hòa nhập và tôn trọng các nền văn hóa, các lối tư duy khác biệt hơn. Các youtube channel nước ngoài nổi tiếng ở Hàn Quốc như Dave cũng đang góp phần làm cầu nối văn hóa.

Phần đông người Hàn thực dụng và ích kỉ

Cộng với việc coi trọng cấp bậc trong xã hội, tôn ti trật tự cũng như nunchi (tạm dịch là sự tinh ý, biết đoán ý của đối phương) một cách thái quá, việc đa phần người Hàn sống thực dụng, ích kỉ và giả tạo (phần đông người nào từng làm chung với Hàn cũng đồng ý) khiến việc tìm được tình bạn chân chính ở Hàn Quốc không dễ dàng. Người Hàn chân tình, sống có trước có sau hay coi trọng tình bạn hơn lợi ích cá nhân không phải không có, nhưng hiếm (và thật sự, người tốt thì rất tốt, cực kì cực kì tốt). Chị bạn Trung Quốc lai Hàn, thường xuyên đi lại giữa khối Hàn-Trung-Nhật công tác từng nói “Người Hàn mà tốt thì tốt lắm, còn bẩn tính thì cũng bẩn lắm lắm”.

Từ hồi là sinh viên, bọn mình tiếp xúc với nhiều đoàn giao lưu văn hóa từ Hàn Quốc. Tới gặp nhau là vui vẻ, chị chị em em, chụp hình check in đủ kiểu, hứa hẹn trăm điều, nhưng về Hàn một cái là không bao giờ trả lời tin nhắn. Những bạn Myanmar, Thái Lan mình gặp hồi đi giao lưu quốc tế có dịp sang Hàn du học cũng nhắn tin liên lạc với bạn Hàn Quốc, nhưng 99% là không trả lời, không gặp gỡ. Ngay cả mình cũng hạn chế chơi với người Hàn khi ở TPHCM, vì họ nhờ vả thì xuống nước, dịu dàng lắm, tới lúc mình cần giúp thì không bao giờ thấy mặt. Đi làm công ty Hàn Quốc, các anh chị em kể 1001 câu chuyện sếp Hàn lật mặt còn nhanh hơn lật bánh tráng. Bạn mình làm việc ở công ty bên Seoul, sau khi đổi sang bộ phận khác, chị về lại phòng ban cũ lấy những đồ bỏ quên, thì những đồng nghiệp từng làm chung hơn năm trời không thèm ngó mặt lên chào một tiếng. Một sự khinh thường và lạnh lùng không cần thiết! Nói đúng ra, mình không ngại người lạnh nhạt, nhưng mình ngại những người quá ích kỉ và vụ lợi.

Phải chăng sự phát triển kinh tế thần tốc, nhịp sống nhanh và cạnh tranh trong môi trường làm việc khiến người Hàn phải tập trung vào cuộc sống cá nhân, gia đình hết sức, tới mức kiệt quệ và không còn cảm xúc với quan hệ xã giao bên ngoài? Hay vì tính cách thực dụng cộng với sự xem nhẹ người Việt (mà họ nghĩ là thua kém họ) khiến người Hàn trở nên thực dụng, giả tạo trong mắt chúng ta? Cần lưu ý là nhiều người Hàn Quốc cũng không phù hợp với lối sống này và họ cũng như người Việt mình, tìm cách định cư ở nước ngoài từ nhiều thế hệ. Người Hàn ở Hàn, ở phương Tây và ở Đông Nam Á có tư tưởng và tính cách khác nhau do môi trường, văn hóa cũng thay đổi, vì vậy mình không đánh đồng TẤT CẢ người Hàn đều như nhau.

Đọc thêm Người Việt Nam trong mắt người Hàn Quốc

Người Hàn cổ hủ trong quan niệm về cái đẹp, và coi trọng hình thức bề ngoài một cách cực đoan

Ở các nước có nhiều người nhập cư và tôn trọng đa dạng văn hóa như Mĩ, Úc, châu Âu…, kì thị chủng tộc là bất hợp pháp, nói về màu da, kích cỡ là một sự phân biệt bị cấm trong quy định của nhiều công ty. Trong khi đó, tiêu chuẩn vẻ đẹp Hàn đã quá nổi tiếng và vượt ra khỏi biên giới Hàn, trở thành chuẩn mực của phần đông người Việt. Trong xã hội mà vẻ đẹp được quy chuẩn như Hàn Quốc, những người khác với chuẩn chung đều bị xem là xấu. Việc thưởng cho con đi sửa mắt sửa mũi nếu thi đậu Đại học, hay phân biệt về ngoại hình trong tuyển dụng cũng không còn mới lạ để phải kể nữa. Con gái phải da trắng, mũi cao, mắt hai mí mới là đẹp chuẩn, còn lại thì đều là xấu. Người da trắng thì được trọng thị, người da đen, da nâu, vàng sẽ bị kì thị, mà họ hay chê là… đen như người Đông Nam Á (như người Việt hay chê đen như Campuchia). Điều này cũng thể hiện sự khinh thường ngầm khi nói tới người Đông Nam Á.

Với người Hàn (và Việt) thì chê bai thẳng thừng về vẻ bề ngoài (bodyshame) người khác khá là bình thường, được chấp nhận dù không ai vui vẻ khi nghe, nhiều khi tới mức mất lịch sự. Nhiều người Mĩ/ Úc gốc Á, gốc Hàn khi tới Hàn Quốc cũng bị chê là da ngăm đen, xấu quá. Có lần đi Seoul, một ông bảo vệ chặn chị lại hỏi sao chị không đi sửa răng cho đều, cho đẹp…! Cũng như mỗi lần ở VN ăn mặc xinh đẹp và được nghe đẹp như Hàn, mình thấy không vui.

Việc trọng vẻ bề ngoài của người Hàn không dừng lại ở nhan sắc mà còn ở quần áo, phục sức, giày túi. Người Hàn đánh giá người đối diện qua đồ hiệu và nếu thành công ở một mức nhất định thì bạn phải đeo túi hiệu này, hiệu kia. Về điểm này, người châu Á nói chung khá tương đồng. Nhưng theo cảm nhận của mình, từng làm việc với nhiều người Á khác nhau thì thấy người Hàn Quốc thể hiện sự phân biệt với người xách đồ hiệu, người không một cách rất thẳng thừng (như cái cách mà họ “lật bánh tráng”) kể trên.

Mình đã trải qua 8~ 9 năm kinh nghiệm để có thể viết được chuỗi bài chia sẻ về chuyên ngành Hàn Quốc học, cũng như kinh nghiệm sống, làm việc với người Hàn. Kinh nghiệm và kiến thức của mình, dù hạn hẹp, nhưng là những điều mình muốn chia sẻ cho những người đã, đang và sẽ làm việc với người Hàn.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, xã hội Việt Nam sẽ ngày càng phân hóa và văn hóa Hàn Quốc sẽ có sự ảnh hưởng cũng như chỗ đứng nhất định. Hàn Quốc là đất nước có nền kinh tế phát triển và đầu tư mạnh vào Việt Nam. Trong tương lai, chúng ta sẽ bắt gặp làn sóng đầu tư, sống và làm việc ngày một nhiều hơn nữa. Hiểu người Hàn để làm việc với họ là điều hết sức quan trọng. Mong mọi người chia sẻ quan điểm để chúng ta cùng nhau phát triển, chung sống trong sự thấu hiểu và tôn trọng.

(Visited 10,851 times, 1 visits today)

1 Comment

  1. Pingback: Vì sao mình KHÔNG đi du học Hàn Quốc? - THE NOMAD QUEEN

Leave A Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.