Một thiên đường cho những người thích hiking ở alpines (núi tuyết) là ở đảo Tasmania. Đảo Tasmania nằm cách Úc đại lục 240km, cũng là cực nam của nước Úc. Nhiều người so sánh và nói Tasmania rất giống với New Zealand. Vì yêu thích hiking ở New Zealand nên đảo Tasmania luôn nằm trong tầm ngắm từ khi mới đến Úc. Nhắc tới Tassie thì chắc chắn không thể không nói tới dãy núi Cradle Mountain và Overland track dài 65km trải dài từ Cradle Mountain tới hồ St.Clair, là một trong những cung đường multiday hike nổi tiếng nhất của nước Úc. Từ khi đọc cuốn sách 100 Best Walks of Australia thì trong đầu mình chỉ còn kế hoạch làm sao để có thể đi hết nước Úc và 100 cung đường này trước khi tốt nghiệp, để có thể đi châu khác du lịch tiếp sau khi học xong.

Đăng kí permit Overland Track ở đảo Tasmania

Cũng như rất nhiều cung đường đi bộ dài ngày nổi tiếng, Overland Track luôn là nơi được săn đón. Walk season bắt đầu từ tháng 10 tới hết tháng 5 hằng năm, mỗi năm cung đường mở đăng kí từ ngày 1/7 và ai muốn leo thì phải nhanh tay book trước. Phí năm 2021 mình đi là 200$AUD, cộng với 40$AUD phí national park pass. Nếu muốn đi mùa đông, từ tháng 6 tới tháng 9 thì không cần đóng phí mà chỉ cần gửi email xin permit.

Lên kế hoạch và chuẩn bị hành trang đi Overland Track ở đảo Tasmania

Khi đăng kí permit thì mình cũng mua luôn bản đồ và booklet để có thể lên kế hoạch cho hành trình. Ngoài những vật dụng thường dùng khi đi hiking mùa đông thì mình cũng mua thêm một bộ thermal, vớ merino (một loại vật liệu nhẹ, thoáng mát, khô nhanh và giữ ấm rất tốt) và gear gủng các thứ. Hồi ở New Zealand mình chỉ biết tới Kathmandu và Macpac, sau này tới Úc mới biết tới Seatosummit, một brand rất phổ biến của Úc và Icebreaker chuyên quần áo với chất liệu merino giữ ấm. Mấy hiệu này thì đắt hơn các hiệu của New Zealand. Nghĩ hồi trước không biết, Kathmandu với Macpac với mình đã là mắc rồi (bọn Úc chảnh hay chê là đồ rẻ tiền), mình không có merino, mặc áo mưa dỏm, giày thấm nước… rồi cũng đi được bao nhiêu track nổi tiếng có sao đâu. Sang Úc rồi, thu nhập khá hơn, dư dả hơn chút, cũng được biết tới nhiều hiệu, nhiều đồ dùng tiện dụng khi hiking mà trước đó mình không biết, nhưng thật sự cũng không quá cần thiết đâu ạ. Mình nghĩ muốn đi bộ đường dài ở Úc thì nên đầu tư một đôi boots không thấm nước, như của hiệu Keen tốt hơn hẳn, giá tầm 200$ Úc, hoặc Ozboots từ 400~600$ Úc thì mình cũng tự tin sải bước vào những đoạn sình lầy hoặc các vách đá dễ trơn trượt. Ngoài ra cần phải có một chiếc lều 3 season là ổn. Mấy thứ gear gủng sang chảnh khác có cũng được, không cũng chả sao.

Thời tiết của Overland track thay đổi như tâm lý của các chị em. Đảo Tasmania có lượng mưa lớn nhất trong tất cả các khu vực địa lý của nước Úc. Thời tiết ở Overland thay đổi mỗi ngày, dự báo thời tiết không bao giờ chính xác. Mình đi vào tháng 11, cứ ngỡ sẽ là mùa hè mát mẻ, nhưng vừa hôm trước trên núi tuyết rơi dày, hôm sau đã nắng chang chang, hôm sau nữa thì mưa. Vì vậy mình phải pack đồ cho 4 mùa xuân hạ thu đông.

Số giờ nắng trong ngày: Ở đảo Tasmania tháng 11, trời sáng từ 5h30 sáng, và mặt trời lặn lúc 8h30 tối, hoàn hảo để vừa đi vừa thưởng lãm cảnh đẹp trên đường. Với những cung đường như Overland track thì dành thời gian trên đường, ngồi nghỉ 1h tiếng ngắm cảnh vẫn vui hơn là về hut sớm. Vì về sớm thì cũng chỉ đi loanh quanh trong lán, chả có việc gì để làm.

Mọi người cũng phải mang lều theo nữa, vì hệ thống lán trại ở Overland track khá hạn chế, không đủ cho số lượng 40 người mỗi ngày. Năm 2020~21 chính phủ đã đầu tư xây nhiều lán mới, rộng rãi và đủ cho số lượng lớn. Nhưng vẫn còn nhiều điểm không có lán to, chỉ đủ cho 5~10 người thôi. Mình được khuyên là ngủ trong lều ngon hơn vì yên tĩnh hơn, không nghe tiếng người đi qua đi lại hay ngáy to như trong lán. Thật lòng là hồi ở NZ mình toàn ngủ trong lán và không mang theo lều bao giờ. Nhưng sau chuyến này thì mình thấy đúng là ngủ lều thích hơn thật.

Waterfall valley hut, một lán mới rộng rãi tươm tất ở Overland track

Nước uống: Với cung đường đầy những dòng suối chảy róc rách như này thì mình cũng không cần mang 3L nước trên vai mỗi ngày, mà chỉ cần mang 1L rồi cứ vừa đi đường vừa lấy nước thôi. Không như một track khác mình đi ở Bắc Úc là Jatbula trail, trời nắng nóng, cảnh đẹp nằm ở cuối đường đi, nên phải tranh thủ đi sớm về sớm mới có thể thưởng thức những dòng thác tự nhiên.

Đảo Tasmania và Overland track cũng là nơi mình được nhìn thấy nhiều hai sinh vật độc lạ của nước Úc. Black Currawong, một con chim đen với cái mỏ ác, chúng có thể dung mỏ kéo và mở túi đồ ăn. Possum (chồn) mới thật là khủng khiếp, vì chúng chạy quanh lều/ balo, đánh hơi được mùi đồ ăn rất tinh và có thể cào rách để tìm lấy đồ ăn. Mình đã bị hai loài này tất công và cướp đi một số đồ ăn đáng kể. Wombat, gấu túi mũi trần có bốn chân ngắn, mũm mĩm dễ thương, chỉ sống ở Úc. Pademelon là giống chuột túi mũm mĩm, chỉ ăn cỏ, rất thiện lành dễ thương, vừa ăn vừa ị ra những cục phân hình vuông, xếp chồng lên nhau dọc Overland track. Mỗi nơi ở nước Úc đều có một vài loại sinh vật độc lạ nên càng đi càng thấy thiên nhiên Úc vô cùng kì thú.

wombat tung tăng gặm cỏ trên Overland track

Nhật ký hành trình Overland track ở đảo Tasmania của Quyên

Ngày 1: từ Launceston tới Cradle Mountain, ngủ đêm ở Scott Kilvert hut.

Từ Darwin, Bắc Úc, sau khi vừa kết thúc học kì 2, làm việc cật lực và cũng vừa bond clean để trả nhà đang ở, mình bay tới Adelaide, rồi bay tới Launceston. Launceston đón mình bằng cái lạnh 15 độ, khác hẳn với 35 độ ở Darwin. Sau khi chill ở Launceston hai ba ngày, mỗi ngày đi tập yoga, đi dạo cho quen khí hậu lạnh, và cũng tranh thủ mua them đồ chuẩn bị cho hành trình. Ngày khởi hành, xe buýt đón mình từ 6:20 sáng, tới hơn 9h thì tới Cradle Mountain visitor center để lấy permit, nghe briefing về thời tiết các thứ. Lẽ ra mỗi 30 phút sẽ có xe buýt đến Ronny Creek là điểm khởi hành của Overland track. Nhưng vì Covid nên tất cả mọi nơi ở Úc đang tranh thủ nâng cấp cơ sở hạ tầng, từ sân bay, đường quốc lộ tới những nơi thu hút khách du lịch đều có nhiều công trình thi công đang được xây dựng. Ở đây cũng tranh thủ mở rộng đường, xây lại visitor center mới, nên mãi 1h tụi mình tới có xe buýt để lên đường.

Dove lake, bạn có thể đi vòng quanh hồ trong ngày

Vì khởi hành trễ nên thay vì đi dọc Dove Lake và ngủ đêm ở Waterfall Valley hut như lịch trình thông thường thì mình được khuyên là đi qua Scott Kilvert hut để chặng đường ngày 1 ngắn hơn, bù lại ngày 2 đi thêm một chút thì có thể tới Windermere hut và bắt kịp lịch trình ban đầu. Mình đi một mình và gặp hai bạn gái dễ thương, Carly người Canada và Kate người Úc, cả hai đều sống ở Adelaide tới du lịch đảo Tasmania. Bọn mình quyết định nghe theo lời khuyên và đi tới Scott Kilvert hut.

ngày đầu leo núi đá lớm chởm với balo nặng chịch trên vai

Đi hết một vòng quanh hồ thì phải leo qua các vách đá lớn để đi qua hồ Dove Lake. Đi tầm 6km và 4 tiếng thì tới lán, vừa nhỏ vừa xinh và may mắn là không gặp ai cả, chỉ có 3 đứa ngủ trong hut thôi, tối vừa tám chuyện rất vui. Mấy con chuột túi nhỏ cứ chạy loanh quanh vừa ăn cỏ vừa ngắm người đi đường. Ít người ngủ lại đây nên toilet gần đó cũng vô cùng sạch sẽ, không có mùi hôi, lại có cửa sổ nhìn ra dãy núi tuyết cao, sương phủ trôi mờ cứ y như TV màn hình siêu nét vậy. Nếu ở khách sạn resort 5 sao thì phải trả rất đắt tiền để ngắm cảnh đẹp như vậy, vì vậy multiday hiking là một cách rẻ nhất để tận hưởng thiên nhiên hoang sơ.

Ngày 2: Từ Scott Kilvert hut tới Windermere hut

Scott Kilvert hut, nơi bọn mình chiếm dụng nguyên một đêm mà không tốn phí gì cả

Ngày thứ hai bọn mình đi tầm 9km thôi, nhưng vì leo dốc khá nhiều và đi 2 side trip, thêm 10km nữa, nên tổng cung đường cũng gần 20 km, thời gian đi trên đường là 9 tiếng đồng hồ. Ngày thứ hai có lẽ là ngày đuối sức và mệt mỏi nhất trên cả hành trình.

Mình đi chậm nên khởi hành trước, lúc 8h30 sáng, chỉ nửa tiếng sau là hai bạn còn lại đã đuổi kịp. Mỗi một tiếng đồng hồ, khung cảnh lại càng khác biệt rõ rệt. Leo hết một con dốc là tới ngã ba, có thể ngắm núi Cradle, đường tới Barn Bluff và con đường bọn mình sẽ đi trong ngày hôm nay. Thấy đường dài thì vừa choáng ngợp vì cảnh đẹp, cũng vừa chuẩn bị tinh thần cho một ngày dài đằng đẵng.

Lên Cradle Cirque ngắm Barn Bluff từ xa

Sidetrack đầu tiên là Barn Bluff, đỉnh núi cao 1559m, cao thứ 4 ở đảo Tasmania. Vì dốc đá cao khá đặc biệt nên Barn Bluff nằm trong rất nhiều hình ảnh về đảo Tasmania cũng như về cung Overland track. Đi tới sát đỉnh núi thì mình thấy đỉnh quá cao, cần có dụng cụ rock climbing mới leo tiếp được, nên mình về lại ngã ba, nấu mì gói shin ăn. Sau 1h đồng hồ, mình vừa ăn mì gói vừa ngắm cảnh tuyệt đẹp, thì Carly và Kate cũng vừa quay về tới, và bảo với mình họ cũng ráng leo nhưng không tới đỉnh vì cùng lý do như mình.

Tạm chia tay nhau, mình lên đường đi tiếp tới Lake Will, là sidetrack thứ hai của ngày. Đoạn đường khá dễ dàng, chỉ 3km và 1h cả đi lẫn về. Nếu leo lên Barn Bluff thì có lẽ mình sẽ thấy được hồ nước này từ đỉnh cao. Nước khá lạnh nên cũng không tắm được, chỉ ngồi nghỉ ngơi, ngắm Barn Bluff mà mình chưa leo được…

Emergency hut với Barn Bluff phía sau, chỉ dành cho trường hợp khẩn cấp

Từ đó về hut đường không dài, nhưng vì đã đi bộ 8h với hơn 6h vác một cái balo 20kg sau lưng nên mình đã đuối và mệt rồi. Nắng vẫn chiếu chang chang, quãng thời gian từ lúc nhìn thấy hut và đặt chân tới hut có lẽ là quãng thời gian dài nhất, mệt mỏi nhất. Đó cũng là lúc bao nhiêu suy nghĩ mệt mỏi, nản chí, đau vai, đau chân… ập lấy, và cũng là lúc phải gạt đi mọi suy nghĩ tiêu cực, chỉ nhìn 2m trước mắt mình, và cứ tiếp tục bước từng bước một thôi. Mới ngày thứ hai mà đã mệt như thế thì còn làm được gì. Mình kế hoạch đi Overland track và đi hết những side trip, tổng cộng 8 ngày (với 1 ngày nghỉ) cơ mà!

từ Lake Will ngắm Barn Bluff

Trên đường về, mình gặp hai cô Úc trắng lớn tuổi, với hai cái balo vừa to, vừa nặng hơn cả balo của mình, tới từ Perth. Họ lên đường ngày hôm qua nhưng vì đi hướng khác nên không gặp nhau. Nhìn thấy hai cô thì bao mệt mỏi của mình cũng được san sẻ phần nào. Mình thầm nể họ vì không biết nếu sau này ở tuổi trung niên, nếu có khả năng tài chính, thì mình có tiếp tục đi bộ đường dài, tự mang vác đồ như thế này không, hay mình sẽ đăng kí tham gia những tour đi bộ đắt tiền để có thể đi một cách nhàn nhã nhẹ nhàng, về tới lán có chỗ ngủ êm ấm, có người nấu cho ăn… Một chuyến như vậy thường tốn ít nhất là 2000$ tới 4000$ tùy địa điểm và hành trình. Nhưng dù sao đeo ba lô nặng leo núi đường dài cũng là một cách để rèn luyện sức bền và sức mạnh ý chí, nản cỡ nào thì lỡ lên đường rồi cũng phải đi được tới cùng, vì không còn đường quay lại nữa.

Nhiều suy nghĩ vẩn vơ như vậy theo đuổi cho tới khi mình về tới Windermere hut. Có một công trình xây dựng ngay cạnh hut, có thể là xây hut mới vì hut này khá nhỏ, công nhân mặc đồ xây dựng, trực thăng chở đồ tới liên tục cả ngày, máy chạy phát điện cũng cứ âm ỉ kêu cả đêm. Chưa bao giờ leo núi mà nghĩ sẽ gặp một công trình xây dựng cạnh lán, ủa, mình rời đô thị để né cái này mà nhỉ. Vì Covid nên hut giới hạn, chỉ 10 người được ở trong hut. Mình mở cửa ra, đếm người thì thấy mình là người thứ 11. Một cặp đôi ngồi cần cửa bảo là mày ra ngoài cắm trại đi, chút nữa bọn tao cũng ra ngoài, đừng lo. Mình dựng lều xong thì Kate và Carly cũng về tới, vì bồn nước ở hut nên mình ra hut lấy nước rồi ngồi ở hành lang nấu ăn, lạnh co ro. Nhiều người trong lán ra bảo mình vô ngồi bên trong cho ấm vì lán có sưởi. Ăn uống ấm áp xong nhìn cặp đôi hồi nãy bảo mình ra ngoài ngồi, cũng thấy sao sao nhưng nghĩ theo cách tích cực thì có lẽ họ cũng chỉ muốn làm đúng quy định thôi.

cắm trại ở ngoài trời 0 độ, tuy lạnh nhưng rất vui

Ngày 3: Từ Windermere Hut tới Pelion Hut

Hôm nay mình sẽ đi qua 16.8km và dự kiến là hết 5-7 tiếng. Khi thấy thời gian dự tính, thường thì mình nghĩ có thể kết thúc trong 5.5 tiếng, nhưng sau 2 ngày thì mình (và cả hai bạn gái) đều nhận ra nên tính 7 tiếng và cộng thêm 1 tiếng dừng nghỉ, ăn uống, ngắm cảnh giữa đường.

dãy núi chập chùng hiện ra trước mắt, mỗi bước đi như ở trên thiên đường

Điều mình thích nhất ở Overland track là không ngày nào cảnh vật giống ngày nào, mỗi ngày là một khung cảnh hoàn toàn khác nhau. Sau khi đi vào một khu đồng hoang, trời xanh ngắt, cánh đồng hoang sơ, nhìn ra đồng bằng rộng khắp. Su đó khi vào một cánh rừng ôn đới với cây sồi đặc trưng của nước Úc. Ngày hôm nay không quá mệt mỏi vì không leo dốc, đá nhiều, mới 3h chiều đã về tới hut. Pelion hut khá mới và rộng rãi, đủ chỗ cho tất cả mọi người, còn có ban công để vừa tập yoga, vừa nhìn ra Mt. Oakleigh hùng vĩ, vừa có wallabi (một loại chuột túi nhỏ), wombat chạy nhảy quanh lán. Gần đó có một dòng suối nhỏ nhưng nước lạnh quá nên mình không xuống tắm nổi.

vẻ đẹp hoang sơ mộc mạc của đảo Tasmania

Đang ngồi đọc sách ngắm cảnh thì ranger (kiểm lâm) tới thăm hỏi, chủ yếu là để theo dõi danh sách hikers để đảm bảo không ai bị lạc. Cô nói đợt này may mắn vì thời tiết những ngày tiếp theo khá đẹp, trời nắng, 5% mưa. Hôm mình đi có kiểm tra thời tiết thì thấy tới 70~90% mưa và trời âm u. Không thể biết trước được thời tiết ở Overland track thay đổi lúc nào!

Kế hoạch ban đầu của mình là nghỉ ở đây một đêm, hôm sau đi Mt.Oakleigh, rồi quay về nghỉ đêm ở đây. Nếu vậy thì mình sẽ có một rest day. Tuy vậy nhưng khi tới nơi thì mình vẫn chưa thấy mệt, lại có cảm giác không muốn ở một mình một hut cả ngày, tuy thích đi một mình nhưng mình vẫn thấy sờ sợ khi ở một mình trong cả một khu rừng rộng lớn. Vậy nên mình tiếp tục tới Kia Ora ngày hôm sau.

Ngày 4: Từ Pelion Hut tới Kia Ora Hut

Sáng dậy trời vừa mát vừa nắng ấm áp, đường đi hôm nay cũng không có gì khó khăn, chỉ leo lên một con dốc nhỏ, tới Pelion Gap, là thấy hai side trip đi qua hai đỉnh núi. Bên trái là Pelion East (1433m), bên phải là Mt Ossa (1617m), đỉnh núi cao nhất đảo Tasmania. Đường đi Mt Ossa chỉ 5.2km hai chiều nhưng cần 4~5 tiếng. Từ Pelion Gap đi vào tầm 3km đầu thấy đường đẹp như một bức tranh trong viện bảo tàng, một bên là núi, một bên là thung lũng và những dải núi dài phía xa. Nhiều đoạn đường làm mình cảm giác như bước trong khu vườn thượng uyển trong cung điện hoặc các công viên vì có những bãi cỏ xanh mướt, tuy không có ai cắt tỉa nhưng vẫn mọc gọn gàng.

cảnh đẹp như một bức tranh phong thủy sống động
nhìn lên những đỉnh núi, mình phải leo lên mấy vách đá này

Vách đá hình chữ U hiện ra bắt đầu hành trình 2km cuối cùng thì toàn đá là đá tuy nhiên hoàn toàn có thể leo được, chứ không dốc thẳng đứng và cần dụng cụ hỗ trợ như Barn Bluff. Sau khi leo hết vách đá đầu tiên thì mình… hụt hẫng vì phải đi tiếp một đoạn và leo thêm vách đá nữa mới tới nơi. Carly và Kate đi trước mình bị lạc, may sau một nhóm từ đỉnh núi đi xuống giúp bọn mình định hướng. Mỗi khi leo dốc nhiều hay gặp đường khó, mình hay có suy nghĩ thụt lùi, nếu có thể quay lại thì mình luôn muốn quay lại. Nhưng rồi một tiếng nói khác lại vang lên, bảo là giờ đi về thì mình có thể cảm thấy khỏe hơn thật, nhưng còn sớm như này, về sớm thì làm gì, tới lúc thấy khỏe lại, lại tiếc vì mình không cố đi thêm. Chỉ cần dừng lại nghỉ một chút thì mình sẽ có sức đi tiếp. Cứ suy nghĩ như thế, đi qua từng mỏm đá, cuối cùng cũng lên tới đỉnh.

lên đỉnh Mt Ossa ngắm cảnh thật sung sướng

Từ đỉnh Ossa có thể phóng mắt tới các dãy núi dài và lớn ở đảo Tasmania, nhìn thấy hồ St.Clair, điểm kết thúc chuyến hành trình. Không gì mĩ mãn bằng cảm giác đến đích và được thưởng bằng một khung cảnh hùng vĩ sau một chặng đường khó khăn. Khung cảnh ở đây có gì đó giống với đỉnh Harris Sadle ở Routeburn track, New Zealand. Đường leo lên cũng khá giống, nhưng Routeburn dễ hơn nhiều so với Mt. Ossa.

leo lên rồi lại leo xuống, hai đầu gối nhức bưng bưng

Hôm đó về, Kia Ora hut nhỏ xíu, mọi người ra ngoài cắm trại, còn 3 đứa nhóm mình và hai cô lớn tuổi ở Perth ngủ trong lán. Nói gì thì nói, ngủ trong lán vẫn ấm hơn và đỡ mất thời gian hơn vào buổi sáng. Cạnh hut có con thác nhỏ, bọn mình tranh thủ xuống tắm dù lạnh. Cảm giác tắm nước lạnh dưới trời lạnh phê ngất, giống như ice bucket challenge vậy, càng ngâm người lâu càng cảm nhận từng tế bào da căng sít lại. Không biết tối hôm đó có ngáy không chứ mình rất mệt và ngủ một giấc không mộng mị.

Ngày 5: Từ Kia Ora hut tới Narcissus hut.

Carly và Kate rủ mình ngày mai đi từ Kia Ora tới thẳng Narcissus Hut luôn, bỏ qua Windy Hut. Tới Narcissus hut rồi, sáng hôm sau bọn mình có thể bắt phà về Lake St.Clair và có một ngày nghỉ ngơi trọn vẹn ở Lake St.Clair, rồi từ đó 2h30 về Launceston, thuê xe đi một vòng đảo Tasmania. Nếu không đi cùng hai bạn, thì dự định ban đầu của mình là đi thêm 2 3 ngày nữa, rồi về Hobart. Nếu thay đổi lịch trình thì sẽ đi du lịch thêm tầm 1 tuần, phải đổi vé máy bay và tốn thêm chi phí nhưng cũng không đáng kể. Vì ham vui, và cũng vì không có việc gì đặc biệt ở Darwin (Bắc Úc) để quay trở về, và cũng vì nếu kì này đi hết cảnh đẹp ở đảo Tasmania thì… đỡ tiếc và đỡ phải quay lại Tasmania, lần sau nếu có thời gian mình có thể khám phá những vùng đất khác ở Úc, mình đồng ý luôn không suy nghĩ nhiều.  Ai nghe kế hoạch của ba đứa cũng há hốc bảo tụi mày không mệt à.

Tổng quãng đường hôm nay đi là 18.6km, cộng với 2 sidetrack xuống ngắm thác nước. Tổng thời gian dự kiến là 9,5 ~ 10 tiếng. Cung đường từ Kia Ora tới Narcissus tuy dài gần 20km nhưng cảnh vật không thay đổi nhiều, đều là rừng ôn đới, vốn đã khá quen thuộc, cả cung đường không có gì khác biệt nên bọn mình cũng không bị bỏ lỡ cảnh đẹp đặc sắc gì.

từ Kia Ora tới Narcissus độ cao bằng mực nước biển, khung cảnh như thế này hết 20km

Mình đã chuẩn bị tinh thần cho một ngày dài từ sáng sớm, cộng với balo đã nhẹ bớt vì đồ ăn đã vơi dần, cung đường có lúc gập ghềnh nhưng không quá cheo leo, thế nhưng vì thể lực đã mệt mỏi do 5 ngày liền không ngày nào vừa đi bộ vừa leo núi dưới 15km, nên quãng đường hôm nay thật sự là rất dài, rất dài, rất mệt mỏi. Sau 2 tiếng đầu thì vai mình bắt đầu đau nhức, bắp chân căng cứng, hai ngón chân cái đau nhức, cả bàn chân cũng nhức mỏi. Những lúc đi xuống dốc mình cảm nhận hai đầu gối mỏi mệt. Mình cố gắng không dùng gậy (trekking pole) vì không muốn phụ thuộc vào chúng, chỉ khi hai đầu gối thật sự mỏi thì mới lấy ra dùng. Tới Windy Range hut lúc 2h chiều, một hut mới được xây, vô cùng to và rộng rãi, bọn mình dừng lại nghỉ ngơi và ăn trưa. Từ hai hôm trước, mình còn không thể quỳ gối hay ngồi gập hai gối vì cơ đùi đang rất căng, cơ thể như quen với việc đi nhiều nên sau khi nằm thư giãn, người cứ căng cứng và mãi một lúc sau mới có thể gập hai đầu gối, xoay mình. Mỗi ngày trước khi lên đường, bọn mình đều tập yoga, thư giãn và khởi động kĩ. Tối trước khi ngủ cũng phải tập giãn cơ.

Lúc này mình thật sự mệt mỏi và kiệt sức, năng lượng chỉ còn 2/10 Carly vẫn còn phơi phới, có lẽ 7/10, còn Kate thì 5/10. Nếu không nằm chợp mắt thì chắc mình không thể đi tiếp nổi. Nằm được 20p, vì mệt nên giấc ngủ cũng chập chờn, chân thì tê cứng. Mới 2h30 thôi, nếu đi tiếp thì mình vẫn có thể tới Narcissus trước khi trời tối. Mình thu hết mọi sức lực để tiếp tục lên đường. Kate vốn đi nhanh hơn mình, nhưng hôm nay hai đứa mình uể oải đi chậm đều bằng nhau. Chỉ biết bước chân này lên chân kia, nhớ nhà văn người Nhật Haruki Murakami từng viết “Cơ bắp, cũng như lũ gia súc, vốn rất sáng dạ. Nếu ta thận trọng tăng công việc, từng bước một, chúng sẽ học được cách chịu đựng nó. Miễn là ta giải thích cho chúng biết những mong đợi của ta bằng cách thực sự cho chúng thấy các ví dụ về khối lượng công việc chúng ta phải chịu đựng thì các cơ của ta sẽ tuân phục và dần dà trở nên mạnh hơn”, “Bằng cách lặp đi lặp lại, ta đưa vào các cơn bắp của mình cái thông điệp cho biết đây là khối lượng công việc chúng phải hoàn thành. Các cơ của ta rất tận tụy. Chỉ cần ta tuân thủ một quy trình chính xác thì chúng sẽ không phàn nàn.” Cơ thể của mình cũng đang dần dần mạnh hơn như thế. Dù mệt mỏi tụi mình hoàn thành cả cung đường, cộng với 1 sidetrack đi qua thác nước lớn và đẹp nhất, nghỉ ngơi 30 phút ở Windy Range hut ăn trưa, chỉ trong 9 tiếng!

trước Narcissus hut khi chuẩn bị bắt phà về, cô ranger còn cặm cụi dọn phía sau

Narcissus hut hay bị bỏ qua vì có thể trú đêm ở Windy Range, rồi hôm sau đi tới đây để đón phà về Lake St.Clair, hoặc cứ tiếp tục đi dọc hồ và kéo dài hành trình thêm 1, 2 ngày nữa. Vậy nên 3 đứa con gái lại có dịp độc quyền cả cái lán to tướng. Tối hôm đó cô ranger ở ranger hut ngay bên cạnh tới ngồi nói chuyện với bọn mình. Chưa bao giờ mình có dịp nói chuyện với ranger ở Úc. Cô kể là ở những track nổi tiếng thì hầu như ngày nào cũng có người ở trong ranger hut, thường cách hut của hikers khoảng 5~10 mét thôi. Họ làm việc 8 ngày liền, nghỉ 6 ngày. Sau khi hikers khi khỏi thì họ vào hut dọn dẹp, dọn dẹp nhà vệ sinh, nghe radio theo dõi thời tiết, kiểm tra danh sách hikers ở trong hut. Khoảng 2 3 ngày họ sẽ đi tới các hut tiếp theo, vừa đi vừa kiểm tra biển báo, mũi tên hướng dẫn, hiện trạng đường đi và sửa chữa nếu có thể. Họ thường làm việc một mình và liên lạc với đồng nghiệp đang ở khu vực khác của track qua radio. Có lẽ người Việt mình quen với câu “rừng thiêng nước độc” nên khi nghĩ tới sống một mình trên rừng núi cũng có ít nhiều sởn da gà, nếu không phải là người tu hành. Đây là công việc hoàn hảo cho ai thích ở một mình và yêu thiên nhiên. Hẳn phải là một người có tính cách đặc biệt mới có thể làm công việc này.

Ngày về: Từ Narcissus đi phà về hồ St.Clair

Mỗi ngày có hai chuyến phà từ Narcissus về hồ St.Clair, 9h30 sáng và 2h chiều. Hầu hết các dịch vụ xe shuttle bus đưa khách đi Overland track ở đảo Tasmania đều có chuyến về Launceston hoặc Hobart lúc 2h30. Nếu hôm trước mình không ráng đi hết 20km một ngày, thì mình vẫn có thể dậy sớm, từ Windy Range hut đi bộ tàn tàn tới Narcissus rồi bắt phà lúc 2h chiều về Lake St.Clair và bắt xe buýt về đô thị.

Lúc phà tới, có nhóm 4 hikers toàn phụ nữ tuổi 60 70, đi từ Narcissus tới Pine Valley, là một side track của Overland và có thể leo hai đỉnh núi nhỏ. Ai đi đoạn này thì không cần phải mua pass của Overland track 200$, chỉ cần mua national park pass 40$ thôi. Vì Overland track chỉ cho phép đi từ Ronny Creek xuống phía Nam, ranger có mặt mỗi ngày nên nếu muốn ăn gian đi từ đây ngược lên tới Ronny Creek thì cũng rất khó. Ban đầu mình dự định mang theo nhiều đồ ăn để thích thì đi thêm những ngóc ngách này. Có lẽ cảnh không có gì quá đặc biệt nên nếu về sớm và cùng bạn thuê xe đi hiking tiếp những track nổi bật khác ở đảo Tasmania thì có lẽ sẽ thú vị hơn.

Ở hồ St.Clair có nhà hàng organic, khách sạn cho những người muốn nghỉ ngơi. Hầu hết hikers sau mấy ngày không có cơm ngon, cà phê thơm uống đều dừng ở đây ăn một bữa thật no nê thỏa thích. Nếu có ai hỏi mình thích điều gì nhất ở mỗi chuyến đi bộ đường dài, có lẽ mình sẽ trả lời là khi bỏ balo nặng chịch xuống và ăn một bữa thật no nê, thỏa thích sau mấy ngày hành xác. Ủa vậy thì sao phải vác balo nặng đi từ ban đầu? Mình nghĩ có nhiều lý do, một là vì cảnh thiên nhiên hoang sơ là phần thưởng lớn nhất cho những người chịu khó đi bộ đường dài, đi sâu vào trong ngóc ngách để nhìn ngắm những quang cảnh mà không phải ai cũng có thể nhìn thấy nếu chỉ đi tới những lookout, những đoạn hike trong ngày. Hai là vì những cảm xúc vừa mệt mỏi, hờn giận bản thân, vừa kiên nhẫn, vừa  tự hào trộn lẫn… chính là thức ăn tinh thần giúp cho mình càng ngày càng mạnh mẽ hơn, can đảm dấn thân nhiều hơn vào nhiều thử thách trong cuộc sống, ví dụ như việc một mình tới Úc, kiếm tiền quần quật hồi working holiday, học ngành Điều dưỡng ở Úc vô cùng đắt và khó vậy. Vì thông qua những chuyến đi dài ngày, mình biết là sức mạnh không bằng sức bền, chỉ cần bền bỉ thì có thể vượt qua những chặng đường dài khó nhằn. Ba là để rèn luyện cơ thể, mình vốn ngưỡng mộ những người có thể lực khỏe và dẻo dai, như những người trong quân đội với những buổi tập thể lực nặng nề, những người mình gặp trên đường, dù là phụ nữ, lớn tuổi, tóc bạc phơ nhưng họ vẫn có thể mang vác nặng và đi cùng con đường mình đang đi, thì mình có gì đâu mà không làm được. Mình còn nghĩ không biết trong đầu họ có những suy nghĩ mệt mỏi, nản lòng như mình không. Nhưng mình thấy càng đi nhiều mình thấy càng đỡ mệt và cũng ít suy nghĩ thụt lùi như trước. Dù có nhiều suy nghĩ tiêu cực là vậy, nhưng vì cảnh đẹp nên mình luôn luôn hào hứng khi chuẩn bị hành trang trước mỗi chuyến multiday hike.

Take away sau chuyến đi Overland track ở đảo Tasmania:

– Mình chuẩn bị đi 8 ngày 7 đêm nhưng cuối cùng chỉ đi 4.5 ngày nên còn dư khá nhiều đồ ăn và gas để nấu ăn. Mình thường mang đồ khô cho gọn, nhưng thấy nhiều bạn chịu vác nặng mang cà rốt, broccoli theo để có đồ ăn tươi mát ăn mỗi ngày. Đi hiking mệt nên mang đồ tươi theo ăn cảm giác ngon miệng hơn hẳn. Lần sau mình cũng phải thử mang rau củ tươi theo.

– Mình để balo ở Pelion Gap và leo lên Mt Ossa, lúc quay lại thì thấy nhiều thứ đồ ăn trong những ngăn túi đã không cánh mà bay. Lúc về hut thì một cặp đôi lớn tuổi nói họ thấy balo của mình bị mở ra bung bét và gói lại dùm mình. May là đồ ăn chính thì không mất, nhưng cũng phải rất cẩn thận. Ở Úc nhiều sinh vật mê ăn có thể tấn công balo quá ạ. Tối ngủ phải bỏ đồ ăn vào dry bag, bỏ vào pack liner, bỏ vào balo, đóng kín lại và chùm rain cover lên thì mới có thể an tâm đi ngủ.

– Nếu từ bang khác bay tới đảo Tasmania, không tự lái xe tới track thì tốt nhất là nên bay tới Launceston thay vì tới Hobart vì Launceston gần Cradle Mountain là điểm khởi hành của Overland track, nên chi phí thuê shuttle bus cũng rẻ hơn và khoảng cách cũng gần hơn. Từ Launceston tới CM tầm 80$ với 2h lái xe, còn Hobart thì tới 195$ vì cách 4h lái xe. Hai bạn gái mình đi cùng bay tới Hobart, rồi lại phải bắt xe buýt lên Launceston để đi Overland track vì cách này vẫn rẻ hơn là đi từ Hobart tới thẳng CM.

Vừa kết thúc chuyến Overland track thì Quyên cùng Kate và Carly thuê xe để tới hiking Wall of Jerusalem 3 ngày 2 đêm và Wineglass Bay circuit cũng 3 ngày 2 đêm, tổng cộng là đi 3 multiday hike trong 12 ngày, chân muốn rụng luôn nhưng vì thích hiking và camping nên không ngày nào muốn dừng nghỉ. Nếu bạn đang ở Úc thì chắc chắn phải đến đảo Tasmania một lần nhé. Còn nếu bạn muốn đi Overland track thì nhớ rủ Q với vì Q rất rất muốn quay lại để đi hết những ngóc ngách chưa đi. Hẹn gặp lại vào bài tiếp theo!

(Visited 713 times, 1 visits today)

Leave A Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.