Sau bài viết Tự do tài chính để tự chủ cuộc sống thì mình nhận được nhiều câu hỏi về việc quản lý và đầu tư tài chính tuổi U25 từ các bạn sinh viên. Vừa ra trường, chưa có kinh nghiệm làm việc, chưa có mức lương khá ổn thì làm sao để có thể vừa du lịch khám phá, vừa có thể đầu tư tài chính? Một câu hỏi không hề đơn giản và hơi tham vọng, nhưng chắc chắn nếu có công thức thì bạn sẽ làm được.

Disclaimer: xin nói thêm mình làm blog du lịch, không làm blog chuyên về đầu tư tài chính cá nhân và bản thân mình cũng quản lý/ đầu tư tài chính theo kiểu gà mờ, nên những thông tin mình cung cấp dựa trên kinh nghiệm cá nhân, dành cho người không giỏi về tài chính cũng có thể thành công, không dành cho các bạn chuyên môn tài chính ngân hàng, có kinh nghiệm đầu tư lâu năm ha. Tuy vậy, mặc định các bạn đã hiểu những cụm từ “tự do tài chính”, “đầu tư tài chính”… Nếu chưa thì bạn tự tìm hiểu các khái niệm cơ bản thêm.

Vì sao bạn phải đầu tư? Mục tiêu của bạn là gì?

Làm việc gì cũng phải có mục tiêu. Giàu là một khái niệm rất chung chung, mà mình tin chắc không bao giờ là đủ. Khi có 1 đồng bạn sẽ muốn có 10 đồng. Và khi bạn có nhiều tiền trong tay, bạn có làm chủ được nó và có thể hưởng thụ cuộc sống không, hay cứ ngày ngày mong muốn con số phình to ra và mải mê kiếm tiền mà không tận hưởng thành quả. Mục tiêu của bạn có thể là có được tài sản trị giá 100tr trước năm 25 tuổi, mua nhà trước năm 35 tuổi, đi du học tự túc… Suy cho cùng, ai cũng muốn bỏ ít công sức, hưởng nhiều thành quả.

Mục tiêu phải là những gì bạn ấp ủ, khó đạt được và cần nhiều niềm tin vào bản thân. Vì trong quá trình đạt được mục tiêu, bạn phải vượt qua bản thân, không ngừng học hỏi, và khi gặt hái thành quả thì con người bạn cũng đã phát triển một bậc. Nếu mục tiêu không làm bạn thay đổi nhận thức và hành động thì mình nghĩ mục tiêu đó chưa đủ lớn. Mình rất thích câu nói của shark Dũng “nên có tham vọng lớn nhưng phải thực tế và bắt đầu từ những việc nhỏ”.

Với mình, mong muốn lớn nhất là được đi du lịch vòng quanh thế giới. Hồi nhỏ, nhà mình nghèo, không có tài chính dư dả nên điều này có thể gọi là viển vông. Thế nhưng may mắn tiếp xúc với báo chí và internet, ngày ngày mình lưu giữ những bài viết về du lịch lại và đó là động lực để mình tiết kiệm 200k đầu tiên làm hộ chiếu, 300$ đầu tiên đi du lịch bụi ở Singapore, và nhờ đam mê du lịch, mình phải lao động chăm chỉ, cố gắng tìm cách để kiếm tiền nhiều hơn, có được nhiều thời gian rảnh hơn, giành được học bổng giao lưu quốc tế đi nhiều nơi… và vượt qua rào cản về tài chính/ hộ chiếu để được đi du lịch nhiều. Hãy có mục tiêu lớn và mỗi ngày nghĩ đến nó, bạn sẽ có động lực để đi làm.

Ghi nhớ công thức phân bổ thu nhập vào 6 chiếc lọ tài chính

Công thức chuẩn là 45% nhu cầu thiết yếu, 10% giáo dục, 10% hưởng thụ, 10% tự do tài chính (đầu tư), 10% tiết kiệm dài hạn, 5% xã giao, 5% giúp đỡ người khác/ làm từ thiện. Bạn có thể tìm hiểu thêm về mô hình này hoặc các mô hình tài chính cá nhân khác thêm. Có thu nhập và chi tiêu dưới mức thu nhập là bước đầu tiên trong thế giới đầu tư tài chính.

Mỗi người có thể tự gia giảm tỉ lệ tùy theo cá nhân. Ví dụ như bạn nào ở nhà với bố mẹ thì không phải trả tiền thuê nhà (nhưng vẫn nên gửi tiền chi phí điện – cơm – nước cho bố mẹ nha) thì có thể bỏ thêm tiền vào các mục khác. Hoặc khi còn chưa có công việc ổn định (ở tuổi 25 thu nhập nên đạt được tầm 7-10tr 1 tháng trở lên) thì nên bỏ thêm tiền vào quỹ giáo dục để trau dồi kĩ năng, và giảm mục hưởng thụ lại. Hai mục tự do tài chính và tiết kiệm dài hạn khác nhau ở chỗ: một khoản là để đầu tư, có thể mất, có thể lời, mục tiết kiệm dài hạn là cho các khoản chi lớn như mua xe, mua laptop, chi phí ngoài dự kiến (thuốc thang, nhà cửa hư hỏng phải sửa chữa…).

Sức khỏe là điều quan trọng nhất. Có sức khỏe thì mới có sức kiếm tiền và xài tiền được. Mình chân thành khuyên mỗi người trẻ nên có một khoản bảo hiểm nhân thọ, bên cạnh khoản bảo hiểm y tế của nhà nước. Bảo hiểm nhân thọ là cách quản lý rủi ro (risk management) trong trường hợp bạn bị tai nạn, không thể tạo ra thu nhập… Nên mua bảo hiểm của người quen/ uy tín vì cũng như bất kì sản phẩm tài chính khác, người có reference từ network của bạn sẽ bảo đảm quyền lợi của bạn hơn và tư vấn gói có lợi nhất cho bạn. Mình học được về bảo hiểm từ chị Tăng Thái Hòa thân từ thời làm thông dịch viên tiếng Hàn.

Khoản hưởng thụ rất quan trọng. Với mỗi người, nhu cầu hưởng thụ mỗi khác. Vd mình thấy vui khi được đi du lịch, leo núi, nhưng với nhiều người, đó có thể là mua một chiếc túi hiệu, đổi điện thoại… dù gì thì bạn cũng nên tự thưởng cho thành quả lao động của mình vì bạn đã chăm chỉ và xứng đáng có được nó. Tuy nhiên, nếu tiết kiệm tiền và không bỏ vào tiêu sản không cần thiết. Vd xe cũ, điện thoại cũ vẫn dùng được là được, không nhất thiết phải đổi mới. Những khoản chi lớn đó, nếu bạn biết đầu tư sinh ra lợi nhuận thì bạn sẽ được hưởng lợi hơn.

Quản lý tài chính ở mức độ đơn giản thu – chi thì bạn có thể dùng các app trên điện thoại, mình thường dùng Money Lover vì ấn tượng founder là người Việt Nam. App này có các tính tăng phân bổ ngân sách (budget planning), tạo biểu đồ báo cáo trực quan để bạn có thể theo sát thu chi một cách thú vị và hiệu quả.

Tối đa hóa thu nhập, không phụ thuộc vào một nguồn.

Hẳn không ai xa lạ với khái niệm thu nhập chủ động và thu nhập thụ động. Tự chủ tài chính là khi bạn có nguồn thu nhập thụ động đủ để không phụ thuộc vào thu nhập chủ động. Khi bắt đầu từ con số 0, chưa có thu nhập thụ động thì nên tập trung tối đa hóa thu nhập chủ động. Là sinh viên/ mới ra trường, bạn có thể tranh thủ làm thêm ở nhà hàng, cafe, dạy kèm, chạy grab/ goviet để giao hàng kiếm thu nhập… Thu nhập thụ động được tạo ra từ khoản đầu tư tài chính mà bạn đã tích cóp từ phần trên. Đó có thể là tạo một kênh youtube và nhận thu nhập từ quảng cáo, viết blog như mình và nhận tài trợ từ các nhãn hàng, công ty… hay mở kinh doanh, bán hàng online… Một người chị mà mình ngưỡng mộ bước vào Sài Gòn tay trắng, lương 1,5 triệu, chưa học Đại học mà chưa tới 35 tuổi đã mua được nhà, xe và có nguồn thu nhập nuôi 3 con ăn học từ những điều mình đang kể với bạn. Nhưng nếu còn trẻ, có khả năng học tập thì đừng tập trung vào những công việc thời vụ quá mà quên mục tiêu đầu tư vào học vấn nhé, với mình học là con đường duy nhất để tự do tài chính một cách bền vững.

Một cơ hội gia tăng thu nhập tuyệt vời là đi ra nước ngoài làm việc. Việt Nam là nước đang phát triển, thu nhập đầu người thấp, giá trị đồng tiền thấp, nên cơ hội du lịch cho người trẻ cũng hạn chế hơn rất nhiều so với bạn bè quốc tế. Nếu có cơ hội ra nước ngoài làm việc thì không nên bỏ qua. Một trong những thị thực nằm trong tầm tay là các chương trình giao lưu quốc tế, làm việc ngắn hạn ở Israel, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, đi Úc làm việc hoặc New Zealand với diện working holiday, du học sinh cũng đem lại thu nhập cao cho người trẻ. Với số vốn có được, bạn có thể gửi tiền về Việt Nam, đi du lịch thỏa thích.

Thế mình với mình thì dù có thu nhập thụ động cao đi nữa, mình vẫn sẽ đi làm, mình rất thích đi làm, không những vì có thu nhập, mà mình thích gặp gỡ mọi người, thích trải nghiệm nhiều công việc, nhiều vai trò mới. Nghỉ hưu là từ không có trong từ điển của mình, vì mình luôn muốn tạo ra giá trị của xã hội, dù mình làm công việc lương cao hay thấp, chức quan trọng hay một phần nhỏ bé của tổ chức.

U25 nên chú tâm vào những kênh đầu tư tài chính nào?

Vậy là bạn đã biết kiếm tiền, quản lý chi tiêu, tiết kiệm tiền để có số vốn đầu tư. Một số kênh đầu tư cơ bản dành mà bạn có thể bắt đầu với số vốn nhỏ là: trái phiếu, cổ phiếu, chứng khoán, forex và một kênh mới là tiền kỹ thuật số cryptocurrency… tùy khẩu vị đầu tư và tiềm lực cá nhân.

Danh mục đầu tư của U30 thì nên đa dạng hóa các mục trên, nhưng với U25, số vốn tầm 5~ 10 triệu thì mình nghĩ chỉ nên chú trọng 1-2 mục vì nhiều quá thì bạn không đủ thời gian để tìm hiểu thông tin cho tất cả. Trái phiếu là một kênh sinh lời thấp nhưng an toàn. Với thị trường cổ phiếu vốn nhiều cá mập thì bạn phải đọc và học rất nhiều trước khi đầu tư.

Một kênh mà mình muốn nhấn mạnh, mà mình thành công nhất (sau khi đã thất bại ở rất nhiều chiến trường tài chính) là tiền kỹ thuật số cryptocurrency. Mình biết đến thị trường ký thuật số từ năm 2017, khi mới qua New Zealand working holiday. Ở Auckland, mình gặp một người bạn Ấn Độ thông qua bạn mình quen từ hồi trẩu tre, nói cho mình biết về Bitcoin (đấy, đã bảo đi du lịch sẽ làm bạn giàu có, vì bạn sẽ gặp nhiều người, mở mang nhiều cơ hội). Nhưng thời điểm đó mình chưa đầu tư vì chưa hiểu rõ. Tuy lúc mình biết tới thị trường là lúc bắt đầu cơn sóng tăng đầu tiên, nếu vào thì mình đã lời gấp 7 lần sau 6 tháng, nhưng mình không tiếc vì nguyên tắc của mình là chỉ đầu tư vào những gì mình hiểu rõ. Sau này khi đủ duyên, vừa có nguồn tiền nhãn rỗi và được người bạn tốt từ thời đại học – lớp trưởng lớp mình ở trường XHNV Trịnh Thế Phong thì mình mới chính thức bỏ tiền vào thị trường. Và đây là quyết định đầu tư thành công nhất của mình cho tới thời điểm này. Cám ơn Phong cho phép mình tag tên vào bài blog này để các bạn gà mờ muốn tìm hiểu thì có thể inbox Phong.

Cá nhân mình không có lợi thế về trading (giao dịch mua bán ngắn hạn) mà mình mua lưu trữ lâu dài (holding, trong crypto gọi là HODL/ diamond hand). Mình sẽ chia sẻ thêm về kinh nghiệm đầu tư trong bài viết khác. Các sàn giao dịch crypto uy tín mình đã dùng trong nhiều năm qua:

Remitano. Sàn của founder Việt, mình dùng từ 2018-2019, mua bán đơn giản, nhanh. Điểm trừ là giá trên sàn này khá cao hơn so với giá các sàn quốc tế. Trước đây ở Úc mình có thể thực hiện giao dịch trên sàn thông qua ngân hàng ở VN. Nhưng từ 2020 thì không thể. Link giới thiệu: https://remitano.com/btc/au/join/1049962

Binance. Sàn giao dịch trên nhiều quốc gia, trong đó có VN và nơi mình đang sống hiện tại là Úc. Sàn có nhiều sản phẩm tài chinh đa dạng, các bạn có thể tìm hiểu thêm. Link giới thiệu: https://www.binance.com/vi/register?ref=35589815

Chúc các bạn thành công. Nếu bạn đọc bài viết này và nghĩ ồi, có thế mà cũng bảo là chia sẻ, thì mình chúc mừng bạn vì bạn đã tự chủ tài chính rồi. Mong ước lớn nhất của mình là ai đọc xong cũng chê vì có nghĩa là giới trẻ mình ai cũng biết tiết kiệm, làm giàu, chuẩn bị cho cuộc sống về hưu thanh thản, sung túc, không lo tiền bạc, trong tương lai khi ra đường, không còn phải thấy người già phải bưng gánh bán buôn nữa.

(Visited 939 times, 1 visits today)

2 Comments

  1. Pingback: Tự do tài chính để tự chủ cuộc sống - THE NOMAD QUEEN

  2. Pingback: Mã khuyến mãi và các link giới thiệu - THE NOMAD QUEEN

Leave A Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.