Một trong những trải nghiệm Seoul tuyệt vời nhất nếu bạn có học tiếng Hàn là đi xem kịch. Còn nếu bạn không hiểu tiếng Hàn thì cứ vào coi cho vui cũng được nè. Trong quá trình search thông tin để viết về Daehak-ro (đọc là Daehangno) thì tìm được một bài nghiên cứu rất hay, thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác, được cô Oanh dịch (nhìn tên là biết sồi ahihi) nên mình copy paste cho mọi người cùng đọc luôn.

Dưới bài viết có trải nghiệm riêng của mình khi xem vở kịch The Guys ở Daehangno. Nếu đã học tiếng Hàn thì đến xứ kimchi xem kịch nói là một trải nghiệm không thể bỏ qua. Thưởng thức nghệ thuật để hiểu và thêm yêu thích ngôn ngữ mình đã học.

—————-

DAEHANGNO, PHỐ KỊCH NÓI CỦA SEOUL (link bài viết gốc tại đây)

Choi Yoon-woo, Nhà phê bình kịch, Tổng biên tập Tạp chí Theater –In
Ảnh. Ahn Hong-beom
dịch. Nguyễn Ngọc Trâm Oanh

Trong bán kính 2,5 km từ con đường văn hoá nghệ thuật danh tiếng của Seoul, được biết đến với tên gọi Daehangno, có hơn 160 nhà hát nhỏ, nơi gần 2.000 vở kịch nói, nhạc kịch và múa được trình diễn hằng năm. Bất cứ ngày nào trong năm, nơi này đều có khoảng hơn 150 tác phẩm công diễn chào đón khán giả đến trải nghiệm Seoul. Khoảng 80% doanh thu thị trường kịch Hàn Quốc được tạo ra từ nơi này và 70% diễn viên kịch của Hàn Quốc đang hoạt động sáng tác chủ yếu tại đây.

20160624193138909_c3u7bmqh

Nhiều lễ hội nghệ thuật biểu diễn đã đưa các nhà nghệ thuật biểu diễn nước ngoài về tụ họp tại con phố này, cùng giao lưu tác phẩm và trao đổi quan điểm nghệ thuật và trải nghiệm Seoul với nhau. Từ Lễ hội kịch trẻ em và thanh thiếu niên, Lễ hội Assitej (Assitej Festival) đến Lễ hội nghệ thuật công diễn quốc tế Seoul (Seoul Performing Art Festival) và Lễ hội nhà hát nhỏ Daehangno (Daehangno Small Theater Festival), các lễ hội với đặc trưng khác nhau được tổ chức gần như quanh năm, biến Daehangno thành một không gian vô cùng năng động.
Được biết đến như là “Thánh địa kịch nói” của Hàn Quốc, Daehangno luôn nhộn nhịp với dòng người tìm đến con đường không xe cộ này để thưởng thức kịch hay nhạc kịch, hoặc đơn giản chỉ vì không khí đặc biệt của nó. Ban đầu, Daehangno vốn dĩ không được quy hoạch để phục vụ cho kịch nói. Năm 1975, khi Trường Khoa học Nhân văn và Trường Luật thuộc Đại học Quốc gia Seoul, tiền thân là Đại học Đế quốc Gyeongseongng (Keijo Imperial University) trong thời kì Hàn Quốc bị Nhật chiếm đóng, được di dời từ nơi này về khu Gwanak hiện nay, các toà nhà của trường bị phá hủy. Tuy nhiên, tòa nhà gạch đỏ kiểu cận đại của trường Khoa học Nhân văn lâu đời, cùng với ba cây dẻ ngựa được lưu giữ lại như một biểu tượng lịch sử và một công viên đã mọc lên tại đây, được người dân gọi là Công viên cây dẻ ngựa.

20160624193143995_VMSU3EYU.jpg

Quá trình hình thành Daehangno

  Các tòa nhà gạch đỏ bắt đầu được xây dựng lên xung quanh công viên. Tại một trong những toà nhà đó, Hội quán văn nghệ (Nhà hát Nghệ thuật Arko hiện nay) đã ra đời năm 1981 và đóng vai trò then chốt trong việc phát triển con đường này thành trung tâm kịch nghệ của Hàn Quốc. Sau đó, trong thập niên 80, Nhà hát Samtoh Blue Bird, Nhà hát Marronnier lần lượt ra đời và hơn 10 nhà hát nhỏ nằm ở khu đại học Sinchon như Nhà hát nhỏ Batangol, Trung tâm Nghệ thuật Dongsoong, Nhà hát nhỏ Yeonwoo và Nhà hát nhỏ Daehangno cũng được chuyển về đây để có được giá thuê thấp hơn.

Không những nhà hát, các cơ quan hay tổ chức văn hóa và nghệ thuật lớn như Uỷ ban Văn hoá Nghệ thuật Hàn Quốc và Hiệp hội Kịch nghệ Hàn Quốc cũng có mặt tại nơi này và nhanh chóng trở thành địa điểm văn hoá mới. Đúng lúc đó, các quy định về việc thành lập và tổ chức cơ sở biểu diễn quy mô nhỏ ở trung tâm Seoul cũng được hoàn thiện, dẫn đến sự ra đời hàng loạt của các nhà hát nhỏ, văn phòng kịch đoàn và các cơ sở văn hóa khác nhau. Hình tượng “Phố kịch nói”, cũng chính là bản sắc quan trọng nhất của Daehangno, đã ra đời trong bối cảnh đó.

   Khi chính quyền thành phố Seoul chính thức thông qua tên gọi Daehangno vào năm 1985, họ hy vọng sẽ xây dựng nơi đây thành một điểm đến văn hóa toàn cầu như Montmartre của Paris – thánh địa của mĩ thuật cận đại, Harajuku của Tokyo – khu thời trang văn hoá số một của Nhật Bản, và Piccadilly Circus của Luân Đôn. Kết quả là Daehangno ngày nay đã trở thành khu phố kịch nghệ danh tiếng trong giới nghệ sĩ biểu diễn trên toàn thế giới và kế hoạch đầy tham vọng của chính quyền thành phố xem như đạt được thành quả lớn theo một chiều hướng khác.

  Từ sau đó, Daehangno trở thành con đường cấm xe hơi hoàn toàn vào ngày cuối tuần. Nhờ vào quyết định này của thành phố Seoul, các lễ hội văn hoá trên con đường này hoạt động sôi nổi hơn, nhiều triển lãm, trò chơi dân gian, thi ngâm thơ và các buổi biểu diễn được tổ chức tại quảng trường trước tòa nhà Uỷ ban Văn hoá Nghệ thuật Hàn Quốc. Hình ảnh mới của phố kịch nói Daehangno là “Đường phố của lễ hội, đường phố của tuổi trẻ”. Tiếp theo đó, một loạt các công trình văn hóa và tiện nghi như tác phẩm điêu khắc mang tính biểu tượng, bản tin poster công diễn, quầy vé (ticket box), đèn đường, ghế dài… được lắp đặt trên đường phố. Với màn trình diễn ngoài trời tại Công viên Marronnier thu hút đám đông trong suốt tuần, Daehangno luôn giữ vững vị thế của một trung tâm nghệ thuật biểu diễn với các chương trình biểu diễn liên tục quanh năm.

20160624193151391_a8yvnghk

Tầng lớp khán giả ngày càng đa dạng

Nếu trong quá khứ, Daehangno là đường phố của tuổi trẻ nơi tập trung lứa tuổi 20-30 thì giờ đây, nó thu hút các nhóm tuổi đa dạng khác nhau. Mặc dù tầng lớp khán giả trẻ tuổi vẫn thống lĩnh nhưng lượng khán giả gia đình có trẻ em cũng như các cặp vợ chồng trung niên đang gia tăng đáng kể. Điều này cũng cho thấy sự phong phú và đa dạng của các điểm tham quan ở nơi đây. Sau khi đến thăm công viên Naksan hoặc làng tranh tường Ihwa, du khách thường đến khu vực này khám phá các con ngõ nhỏ hoặc xem biểu diễn. Chợ phiên Philippines được tổ chức vào mỗi Chủ Nhật trước nhà thờ gần vòng xoay Hyehwa–dong là một điểm thu hút vô cùng độc đáo. Lao động nhập cư từ Philippines tụ tập tại đây để giao lưu và bán nhiều hàng hoá đa dạng như nguyên liệu thực phẩm của nước mình, tạp hoá, đồ điện gia dụng… Được mệnh danh là “Little Manila”, chợ phiên này đã hoạt động hơn 20 năm và đây là sự kiện độc đáo thu hút nhiều người đến xem.

20160624193158768_MDOS24H6.jpg

Đặc biệt gần đây, các lễ hội nghệ thuật biểu diễn quốc tế diễn ra quanh năm ở Daehangno, quy tụ nghệ sĩ đến từ khắp nơi trên thế giới. Hàng năm vào tháng Giêng, Daehangno được đánh thức với lễ hội ASSITEJ dành cho trẻ em và thanh thiếu niên. Tháng 3 được bắt đầu với sân khấu mới của các nhà nghệ thuật mới nổi như New Stage, ARKO Young Art Frontier. Tiếp theo là Hội thảo đạo diễn sân khấu Châu Á (Asia Theater Director’s Workshop) với sự góp mặt của ba quốc gia Hàn-Trung-Nhật, và các tác phẩm đoạt giải trong cuộc thi Văn nghệ Tân Xuân do các tờ báo lớn của Hàn Quốc tài trợ được đưa lên sân khấu. Liên hoan kịch Seoul (Seoul Theater Festival) được tổ chức trong tháng 4 đến tháng 5, sau đó là Liên hoan kịch bên lề Seoul (Seoul Marginal Theatre Festival) trong tháng 7 đến tháng 8, Lễ hội biểu diễn đường phố Daehangno (Daehangno Street Performance Festival) trong tháng 9, Lễ hội nghệ thuật biểu diễn Seoul (Seoul Performing Arts Festiva) và Liên hoan Nhà hát nhỏ Daehangno (Daehangno Small Theater Festival) trong tháng 10 và tháng 11. Các lễ hội với đặc trưng và quy mô đa dạng được tổ chức liên tục, biến Daehangno thành một khu vực đầy sáng tạo và năng động.
Thật vậy, Daehangno là hiện thân của niềm đam mê và tầm nhìn của giới văn hóa nghệ thuật Hàn Quốc. Thông qua khu phố này, chúng ta có thể dự đoán xu hướng thị trường biểu diễn trong nước và nơi này đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành nền tảng cho chính sách văn hóa nghệ thuật của chính phủ. Nhưng trên tất cả, Daehangno ngày nay là nơi các diễn viên trẻ và bạn trẻ muốn trở thành diễn viên bay bổng ước mơ, đau khổ, thất bại và trau dồi kỹ năng của mình.

—————–

Ngoài kịch Dracula có Junsu nhóm JYJ đóng mà mình từng chia sẻ trong link thì The Guys là vở kịch nói thứ hai mình được xem ở Hàn Quốc. The Guys là vở kịch hài, giải trí nhẹ nhàng, không nặng óc, không triết lý sâu xa gì cả.

13267518_1792535267648299_230166448_n

Được người quen tặng vé và kêu là cứ đến quầy vé nói tên Quyên là nhân viên đưa vé cho 😉  Ollehall là một tòa nhà 5 tầng, mỗi tầng là một sân khấu mini, khán phòng có sức chứa hơn 100 người, backstage có phòng hóa trang và phòng chứa đạo cụ cho một vở kịch quy mô nhỏ. Mỗi ngày đều có các hoạt động kịch nghệ trên mỗi tầng của tòa nhà. Nhân lên cho hàng trăm building ở Daehangno, có thể thấy hoạt động nghệ thuật ở đây tấp nập, náo nhiệt như thế nào. Vì hiểu tiếng Hàn nên mình cũng thấy hơi bị kiêu kiêu khi được trải nghiệm Seoul theo cách người bản địa.

The Guys là vở kịch về 4 male dancer, vật lộn với cơm áo gạo tiền và rồi quyết định nhảy thoát y trong các hộp đêm để duy trì team. Sân khấu được bài trí như sàn nhảy, mới vào chị VJ đã hỏi Quyên phải hông? bạn của JH phải hông? đi club ở Hàn Quốc bao giờ chưa? hôm nay chị cho “biết mùi” 
img_2565

Xem kịch xong ra chụp hình với diễn viên chính rồi đi ăn uống nhẹ nhàng. Bước ra khỏi sân khấu là những con đường tấp nập khán giả vừa xem kịch ra và tốp khách mới xếp hàng chờ mua vé trước các sân khấu. Các bạn trẻ tụ lại thành tốp tập hát, tập kịch, ăn vặt chờ xem kịch… trên đường.

Cuối góc đường có tiệm phở Việt Nam khá đông khách. Dĩ nhiên mình không ăn phở mà ăn món Hàn vì tới trải nghiệm Seoul mà ăn đồ Việt thì kì kì, vừa ăn vừa bàn tán về vở kịch. Không học tiếng Hàn thì làm sao có những trải nghiệm thú vị như hôm nay!

Chúc các bạn học tiếng Hàn và sinh viên ngành Hàn Quốc học có dịp đến trải nghiệm Seoul và xem kịch ở Daehangno!

(Visited 993 times, 1 visits today)

Leave A Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.