Chào các bạn, trước mắt xin chúc mừng các bạn đã tới bước nộp visa định cư tay nghề 189/190 ở Úc. Chắc hẳn các bạn đã có một quá trình du học, làm việc không hề đơn giản. Bản thân Quyên đã trải qua đúng 5 năm làm việc chăm chỉ, tự túc du học Úc, trước khi tới bước nộp visa định cư tay nghề 189 như sau:

Mình độc thân và hồ sơ đơn giản nên mình tự nộp visa thay vì thuê agent. Nhiều bạn nếu không có thời gian tìm hiểu, hoặc có người phụ thuộc, partner, con cái… thì nộp qua agent để đỡ nhức đầu. Phí thường là 1000~2000AUD bao gồm cả 485 và 189 (chưa bao gồm phí visa 189/190 và các phí liên quan khác).

Bước 1: Làm Đánh giá kỹ năng (Skill Assessment)

Đánh giá kỹ năng được ban hành bởi các cơ quan đánh giá kỹ năng có liên quan tới ngành nghề của bạn. Cơ quan đánh giá kỹ năng là một tổ chức kiểm tra xem các kỹ năng của bạn có đáp ứng các tiêu chuẩn mà họ đặt ra để làm việc trong nghề nghiệp mà bạn muốn dùng để định cư Úc hay không.

Mỗi cơ quan thẩm định có quy trình, khung thời gian và phí thẩm định riêng. Với khối ngành sức khỏe nói chung và điều dưỡng nói riêng thì Skill Assessment được đánh giá bởi ANMAC.

Bước 2: Nộp Express of Interest (EOI)

Vào SkillSelect, tạm dịch ​​​​​​​​​​​”SkillSelect là hệ thống ứng dụng trực tuyến của Chính phủ Úc dành cho professionals (chuyên gia) muốn bày tỏ sự quan tâm đến việc xin thị thực di cư có tay nghề, để sinh sống và làm việc tại Úc. Thông qua SkillSelect, Chính phủ Úc và chính quyền các bang và lãnh thổ mời một số lao động có tay nghề làm hồ sơ xin thị thực.

Úc là nơi hoàn hảo cho những người lao động có tay nghề cao. Chính phủ Úc đang tập trung vào việc lấp đầy tình trạng thiếu hụt kỹ năng quan trọng trên khắp nước Úc, vì vậy chưa bao giờ có thời điểm tốt hơn để gửi EOI”.

Đây là hệ thống dành cho các dòng visa:

Sau khi chọn Start an EOI, qua trang sau ấn chọn Submit an EOI, điền thông tin cá nhân vào và tạo tài khoản EOI liên kết với email của bạn. Tạo EOI hoàn toàn miễn phí. Bạn có thể log in vào SkillSelect với EOI và password.

Sau đó bạn có thể vào và chọn nộp EOI cho những visa như hình.

  • Visa định cư tay nghề độc lập 189 cho phép bạn làm việc ở bất kì đâu trên nước Úc, vì vậy đây là dòng visa lý tưởng nhất với những người muốn định cư tay nghề. Vì thế nên độ cạnh tranh của visa này thường cao hơn. Khả năng được mời visa 189 tính theo điểm định cư và theo ngành nghề. Bạn có thể vào trang web visa 189 invitation round để tham khảo những kì mời trước và xem xem với ngành của bạn và điểm bạn hiện có thì bạn có khả năng được mời không. Bạn cũng có thể thấy ngành nghề và điểm của hồ sơ được mời mỗi đợt hoàn toàn khác nhau tùy theo nhu cầu nhân lực của nước Úc trong mỗi thời điểm. Chẳng hạn vòng tháng 5/2023 thì rất nhiều người được mời với chỉ 65 điểm nhưng chỉ mời khối ngành sức khỏe và giáo viên. Trang này đưa cho bạn rất nhiều thông tin cần thiết. Thú thật là 3 năm học ở Úc mình chưa bao giờ vào xem vì luật thay đổi thường xuyên và mình không muốn tự áp lực bản thân khi nhìn những thống kê này.
  • Visa định cư tay nghề 190 yêu cầu bạn phải được bảo lãnh (nomination) từ bang. Để được bang bảo lãnh thì bạn phải vào web thông tin về di trú để xem điều kiện của từng bang. Thường là cam kết ở bang ít nhất 3 năm sau khi được cấp visa 190.

Bạn có thể nộp EOI cho cả hai loại trên và chờ thư mời.

Trong những trang tiếp theo bạn sẽ chọn bang bảo lãnh, lưu ý là click vào mục này xong, nhưng bạn vẫn phải tự liên hệ với bang để xin bảo lãnh. Click vào SkillSelect không có nghĩa là bạn đã được bang bảo lãnh.

Những trang sau đó bạn điền thông tin liên quan đến thông tin cá nhân, bằng cấp-học vấn, skill assessment, điểm bài thi tiếng Anh được công nhận, học ở vùng sâu vùng xa, yếu tố người phụ thuộc…. tóm lại là những mục tính điểm định cư tay nghề bạn có thể dễ dàng google đọc. EOI có thời hạn 2 năm, nếu hết hạn mà chưa được mời thì bạn có thể tạo EOI mới và chờ tiếp. Bạn có thể cập nhật EOI bất kì lúc nào nếu có thay đổi trong thời gian chờ được mời.

Sau khi đã điền tất cả thông tin trên thì bạn sẽ ra được tổng điểm cho mỗi dòng visa như hình. Với dòng 190 thì mình có thêm 5 điểm do bang bảo lãnh.

Sau bước này thì mình submit và chỉ chờ thư mời nộp visa gửi qua email thôi.

Bước 3: Nhận thư mời và lodge visa

Một ngày đẹp trời nọ hy vọng bạn sẽ nhận được thư mời vào nộp visa định cư Úc. Thư mời sẽ có link đưa bạn vào SkillSelect và bạn sẽ thấy chữ lodge application bên cạnh dòng visa mà bạn đã gửi EOI như hình trên. Thư mời có thời hạn 60 ngày và nếu quá hạn mà bạn không nộp visa thì thư mời sẽ hết giá trị và bạn phải bắt đầu mọi thứ lại từ đầu.

Vì visa 189 tốt hơn visa 190 nhưng không thể biết thư mời nào đến trước. Theo lời khuyên từ giang hồ thì nếu bạn được bang bảo lãnh và nhận thư mời nộp visa định cư tay nghề 190 trước, thì thử chờ tới phút 89, biết đâu được thư mời nộp visa 189. Vài người sắp hết hạn thư mời 190, vừa nộp hồ sơ visa xong thì nhận được thư mời 189, tiếc hùi hụi. Mình thì trộm vía chưa đủ điều kiện bang bảo lãnh nhưng được thư mờ 189 chỉ sau 2,5 tháng hoàn thành khóa học.

Điền hồ sơ visa định cư tay nghề 189/190 thì cũng tương tự như visa sau tốt nghiệp 485 và chèn những hồ sơ liên quan (lưu ý là phải khớp với thông tin bạn khai trong EOI):

  • Hộ chiếu còn hạn 6 tháng
  • Bằng tiếng Anh: IELTS 6.0 và không kĩ năng nào dưới 5.0 hoặc các bài thi tương tự không quá 3 năm
  • Academic transcript (Bảng điểm): Phải là bảng điểm cuối cùng và chính thức do trường cấp. Lưu ý là khóa học của bạn phải được đăng kí trên CRICOS có tổng thời gian đăng kí cho khóa học đó tối thiểu là 92 tuần.
  • Completion Letter do trường cấp, trong đó ghi rõ ngày bắt đầu và kết thúc khóa học. Ngày nộp hồ sơ phải nằm trong 6 tháng kể từ ngày kết thúc khóa học. Ngày này không phải là ngày làm lễ tốt nghiệp (ghi trên bằng cấp) nên đừng hiểu lầm phải làm lễ tốt nghiệp mới có thể nộp được nha.
  • Australia Federal Police check: Mình dùng police check của bang dùng khi đi thực tập trong bệnh viện cho visa 485 thì được chấp nhận, nhưng vì police check của bang sắp hết hạn, mà nghe dân tình đồn là nhiều case officer liên hệ bắt buộc phải nộp AFP check. Bạn có thể click vào link để xin, chỉ tốt 42$ và gửi kết quả về email chỉ trong 3~4 ngày, khá nhanh.
  • Lý lịch tư pháp số 2 từ Việt Nam: mình làm qua dịch vụ cho nhanh, chỉ tốn khoảng 10 ngày, bạn có thể inbox để mình hỗ trợ.

Bên cạnh đó cũng có những thông tin như tình trạng hôn nhân, có người phụ thuộc không, những địa chỉ đã sống kể từ năm 16 tuổi, lịch sử du lịch (mình đi nhiều nên điền mệt mỏi), chụp hình các trang hộ chiếu có mộc du lịch…

Nếu đã khám sức khỏe trong vòng 12 tháng thì bạn ghi mã HAPID và ngày khám vào.

Bước 4: Đóng tiền và khám sức khỏe

Phí visa 189 lúc mình nộp t6/2023 là 4240 AUD. Kể từ 1/7/2023 tất cả các loại visa sẽ tăng phí. Nên sử dụng BPay thanh toán qua chuyển khoản ngân hàng ở Úc để đỡ tốn phí credit card transaction.

Sau khi nộp visa, có thể bạn sẽ nhận được email đề nghị khám sức khỏe với HAP ID, bạn có thể book lịch phòng khám visa gần bạn nhất. Bạn cũng sẽ nhận được bridging visa A, chỉ có hiệu lực khi visa hiện tại.

Và chờ đợi tới ngày có tin vui thôi, processing time của loại visa này nằm trong web của Bộ Di trú. Thường thì đã được thư mời thì 99% là bạn sẽ được cấp visa, trừ khi có trục trặc trong lý lịch tư pháp hay sức khỏe.

Chúc mừng bạn đã tới bước này và chúc bạn có một cuộc sống thuận lợi trên nước Úc.

Với mình thì tốn bao nhiêu tiền ăn học chỉ để khi đi du lịch các nước phát triển không phải xin visa một cách khó khăn nữa thì mình đủ toại nguyện rồi. Cám ơn các bạn đã theo dõi hành trình của Quyên tới ngày hôm nay.

(Visited 964 times, 1 visits today)

Leave A Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.