Sau một ngày dài lọ mọ dọn đồ đi tìm việc ở Motueka rồi lại dọn về, sáng thức dậy ở the Custom House, vẫn mơ màng về ước mơ mổ sò ở Talley’s thì chỗ Waimea Nurseries gọi điện báo đậu. Họ muốn mình và chị Virginie có mặt lúc 2h chiều để làm introduction (giải thích sơ về công việc) và hôm sau bắt đầu làm luôn.
Mình và chị Virginie đều không thích mấy vì nghe hôm qua hù là rất khó, rất cực. Nhưng với suy nghĩ cứ làm thử, biết đâu lại hợp, không thích thì nghỉ, hai đứa vẫn hẹn nhau 1h30 có mặt ở trước sảnh chuẩn bị đi. Đột nhiên chị Virginie hỏi mình sẽ về đây bằng cách nào, vì chị sẽ không quay lại đây tối nay mà sẽ đóng đô ở Ruby Bay. Hôm qua vì cần mượn dụng cụ để làm xe van nên chị ấy mới quay lại Custom House. Nghe thế mình trả lời ngay vậy chị cứ chở em đến vườn ươm, introduction xong chị đi về, em hitch hike tới nhà bác B cũng được. Vì ở Custom House hay nhà bác B thì mình cũng chả có xe mà đi làm, thế thì có gì khác nhau. Vậy mà chị ấy thấy mình mang nhiều đồ đạc quá, nên cũng chở mình về tận nhà luôn. Thật là ái ngại và cảm động quá.
Chị Elle nhân sự tiến hành buổi Introduction cho hai chị em rất chuyên nghiệp. Công ty Waimea nổi tiếng trong lĩnh vực trồng cây, ghép giống. Họ trồng cây con và bán cho các orchard (vườn trồng cây), chủ yếu là táo, kiwi, dâu tây… Lĩnh vực trồng cây ăn quả là ngành mang lại rất nhiều lợi nhuận cho ngành nông nghiệp nói riêng và kinh tế New Zealand nói chung. Chị gửi tất cả thông tin, hợp đồng, giấy khai mã số thuế, chú ý khi làm việc, những sơ xuất có thể xảy ra, cần ăn uống như thế nào, khởi động cơ thể trước khi làm việc tại Waimea Nurseries… dặn về nhà đọc kĩ, điền thông tin, kí tên, hôm sau mang lại. Đặc biệt chị bảo ở công ty có cả kem chống nắng cho nhân viên, nằm ở quầy tiếp tân, ai cần thì đến đó xức rồi ra đi làm. Thông tin được cung cấp rõ ràng và chi tiết, hơn nông trại rau ở Richmond rất nhiều. Bọn mình thì chỉ muốn làm introduction trước giờ làm việc luôn, gộp vào một ngày cho đỡ mất thời gian. Nhưng theo luật của New Zealand, trước ngày bắt đầu công việc, công ty phải làm giới thiệu, hướng dẫn nội quy công việc; trong hợp đồng, ngày kí của người lao động và chủ sử dụng lao động phải trước ngày chính thức làm việc. Nhiều chỗ có thể lách bằng cách ghi ngày trước vào hợp đồng cho đỡ mất thời gian đôi bên.
Buổi giới thiệu diễn ra trong vòng 30 phút, chị Virginie chở mình về nhà bác B. Mình phân vân không biết có nên nhận lời làm ở Waimea Nurseries không vì đằng nào cũng không có xe đi làm. Thế là chị Virginie gợi ý để hôm sau chị chở mình đi làm luôn, chị chắc chắn rằng sẽ có người từ Motueka đến chỗ này làm việc, mai mình có thể hỏi rồi xin đi nhờ xe mỗi ngày (bên này hay rủ nhau đi làm, ở cùng hostel, hay chạy qua đón đi làm để share chi phí xăng xe). Chị bảo nếu vậy tối đó chị không về Ruby Bay nữa mà ngủ lại nhà bác B luôn, sáng hôm sau từ đó chở mình đi làm luôn, không cần phải chạy tới chạy lui. Ôi mình cảm ơn chị không hết lời!
Tối hôm đó ở nhà bác B, mình với chị đọc, kí, điền vài chục tờ giấy mệt mỏi. Mình lại suy nghĩ tiêu cực (chả hiểu sao tuần này bị gì mà cứ nghĩ tiêu cực), sợ không tìm được xe để chở về nhà. Mình thỏ thẻ với bác B “Lỡ mai thật sự không có xe nào đi về Motueka thì bác có thể chở con về nhà được không, please!”, bác gật đầu bảo ừ, đừng lo, mà đi làm thấy chỗ hostel nào tiện hơn thì cứ dọn đi, không sao cả.
Ngày đầu tiên làm việc ở Waimea Nurseries
Sáng một ngày thứ 6 mây mù giăng kín, âm u, gió thổi phần phật, mưa rơi lất phất, trời lạnh tầm 12 độ, hai chị em tới văn phòng công ty, nhận áo mưa, ủng, dụng cụ rồi được chở ra đồng làm việc. Mùa này (tháng 11) họ đang trồng cây táo. Hạt cây táo đã được trồng bằng cách giâm ghép vào cành gốc. Cành gốc được buộc vào cây cọc gỗ (cane), khi cành ghép càng lớn thì phải dùng băng keo chuyên dụng bấm cành vào cây cọc để cành lớn thẳng thớm, không bị cong vẹo. Mình không học chuyên về nông nghiệp nên không rành kiến thức chuyên môn nên có thể giải thích không chuẩn xác. Bạn nào biết giải thích hay hơn thì comment giúp mình nhé.
Công việc chính của tụi mình là tước hết cành phụ mọc trên cành gốc, để mọi dưỡng chất tập trung vào nuôi cành ghép. Việc này chỉ làm được hôm trời nắng, khô ráo. Hôm ấy trời lạnh và khả năng có mưa cao, nên tụi mình được làm một công việc nhẹ nhàng hơn, là cầm đồ bấm đi bấm cành gốc và cành táo vào thân cọc.
Tới đồng táo, nhóm mình làm việc có hai supervisor người Kiwi trẻ và rất thân thiện, ngoài hai ba nông dân kiwi thì còn lại 10 người đều là sinh viên tranh thủ holiday vài tuần đi làm thêm và dân working holiday. Mỗi người được phát một cái bấm và băng keo, ghi tên vào đầu hàng cây, làm hết 1 hàng rồi qua hàng khác làm. Công việc đòi hỏi phải cúi người khá nhiều vì gốc cây còn thấp, với mình thì không quá khó khăn vì mình từng phải bò ra trồng cây bằng tay (bỏ từng cây vào lỗ rồi lấp lại) cả ngày hồi làm ở nông trại rau. Chỉ có một nỗi khổ là gió mạnh quá, nếu không có bộ đồ mưa dày thì chắc mình đã bị đông cứng mất. Thứ hai là người châu Á nói chung và VN nói riêng ăn cơm nóng quen, nên khi làm việc ngoài đồng phải ăn nguội nên cũng mất ngon. Ở chỗ farm rau thì chỉ phải ăn nguội và ở ngoài đồng 1 2 ngày trong tuần, những ngày còn lại thì làm trong hoặc ở đồng gần trong nhà, vẫn có không gian bàn ghế nghỉ ngơi, trà sữa, microwave hâm đồ ăn, ở đây thì giờ nghỉ chỉ có ngồi trong xe hoặc ngồi ở đồng nghỉ với nhau. Đúng thật là nông dân chân chất luôn.
Mình chạy lòng vòng hỏi từng người có ai đi về Motueka không cho mình quá giang, thì ai cũng bảo không. Người thì ở Nelson, Richmond, người thì cắm trại ở Ruby Bay. Lại thêm các bạn Đức kể việc hôm nay dễ chứ bình thường tước cành cực lắm. Ai cũng làm được vài ba ngày 1 tuần là nghỉ. Ai làm được qua 1 tuần thì sup sẽ nhắc các bạn ấy làm nhanh hơn để đạt minimum target (bao nhiêu hàng/ ngày thì mình không rõ) và nếu không được thì cũng bị cho nghỉ luôn. Như nhóm bạn Đức vào 5 người thì sau một tuần rụng 3 người, tới tuần thứ 3 thì họ báo hai bạn còn lại làm hết tuần rồi nghỉ vì không đạt tiến độ.
Nghe xong mình hoang mang nhẹ, phần cũng hơi nản vì chẳng hỏi được ai quá giang. Xong việc, cả nhóm về lại văn phòng. Mình vào gặp chị Elle xin nghỉ. Chị Elle thở dài (có lẽ quá quen với những công nhân ra vào chớp nhoáng) và bảo nếu vậy thì lấy form xin nghỉ việc điền vào. Chị cũng báo cho mình biết theo luật của New Zealand thì phải xin nghỉ trước một ngày, nên ngày cuối cùng đi làm của mình phải là thứ hai tuần sau, nếu nghỉ ngang thì hôm nay sẽ không được trả lương. Chị Virgine nghe vậy mới bảo mình thử nhờ bác Bruce chở mình tới Ruby Bay, nếu được, rồi chị sẽ chở đi làm.
30p sau bác Bruce có mặt, tươi cười hỏi mình đi làm có vui không. Mình tỉ tê kể chuyện, một hồi sau bẽn lẽn hỏi bác có thể giúp chở mình đi về Ruby Bay một ngày nữa không, vì mình thật sự không còn cách nào để đi làm nữa, mà nếu không đi thì hôm nay mất cả một ngày lương quá khổ tâm. Bác vui vẻ đồng ý. Đường về trời nắng chiếu lên những cánh đồng cừu, cánh đồng hop, cỏ xanh mơn mởn dưới nắng vàng ươm rất đẹp, đúng như những gì mình từng mường tượng khi đến NZ. Cảnh đẹp là thế nhưng đóng vai người nông dân làm việc trong đó thì không dễ chút nào. Mình nghĩ bụng thứ hai đi làm xong sẽ ghé Talley’s trên đường về hỏi việc một lần nữa. Nếu không được thì mình sẽ đi tìm việc trong vinyard ở Blenheim hay Christchurch vậy. Vụ làm việc vinyard được nhiều người can, không nên làm, hôm nào mình kể sau.
Ngày thứ hai, và cũng là ngày cuối cùng làm việc ở Waimea Nurseries
Sau hai ngày cuối tuần khá là dễ chịu. Cả thứ bảy ngồi nhắn tin, hỏi việc khắp các nơi ở Blenheim, Motueka và phân vân chả biết đi đâu làm gì. Chủ nhật gặp hội chị em Malay, Hàn Quốc, VN đang làm việc ở Talley’s ăn trưa và kể chuyện làm việc tại New Zealand, chả màu hồng như mọi người tô vẽ, nhưng đứa nào cũng cười vào những khó khăn, tiếp tục hành trình trải nghiệm, làm việc và du lịch của riêng mình. Bọn mình hẹn gặp lại sau. Hy vọng mình sẽ có việc ở Talley’s để gặp lại các bạn.
Sáng thứ hai trời trong xanh, báo hiệu một ngày nắng. Đồng hồ chỉ 6h15, trời vừa rạng, chuẩn bị cơm nước để đi làm xong, bác B già chở mình tới Ruby Bay. Bình minh là thời gian đẹp nhất trong ngày, gió lạnh thổi nhẹ, mặt trời mới mọc ngang tầm vai, chiếu nắng xen qua những hàng cây thông. Cuối tuần vừa rồi khá lạnh, rặng núi trước mặt trắng xóa tuyết. Khi đến đồng làm việc thì mặt trời đã lên khá cao. Không thấy bạn gái Ăng lê lạnh lùng và bạn xinh xinh nói tiếng Anh giọng Mỹ đâu, tụi mình đoán là nghỉ việc rồi.
Hôm nay bọn mình bắt đầu làm tỉa cành. Anh sup hướng dẫn cách nhận biết cành nào là cành ghép, cành nào là cành thừa cần phải tước đi. Không quen mắt nên phải cả tiếng sau mình mới không tước nhầm. Cành ghép chỉ tầm 30cm tính từ mặt đất, mỗi cây cách nhau khoảng 30cm, nên phải ngồi xổm suốt cả buổi. Đất ở đồng này khô và cứng, nhiều sỏi đá, không mềm như đất trồng cây nên lúc mỏi chân tụi mình không thể chống đầu gối xuống đất vì rất đau, mà phải đứng lên. Mà đứng lên cúi xuống thì không nhìn thấy cành ghép để tránh tước nhầm. Làm từ sáng tới tầm 9h mấy thấy mỏi, chờ mãi tới 10h mới smoko (nghỉ giữa giờ). Sau giờ trưa thì hai bắp đùi nhức mỏi, squat cả nghìn lần thì đùi với mông chắc hẳn rất là săn chắc luôn. Mình mỏi quá mà chống gối thì đất cứng đau chân nên mình lết mông ngồi xuống đất làm luôn, xong cây này chống tay lết tới cây khác làm tiếp. Đỡ mỏi lại ngồi lên làm tiếp. Cứ thể mà lết tới 3h15.
Hai anh chị sup đi một lượt kiểm tra những hàng cây, kiểm số lượng. Ai vượt min target rồi thì sẽ làm contract, tính tiền công trên mỗi cây. Có anh Pháp tên Thomas làm rất nhanh. Một ngày mình với chị Virginie làm được hai ngày rưỡi là hết, mà Thomas làm tới gần 5 hàng. Anh bảo từng làm nhanh nhất được 6000 cây/ngày. Với tốc độ trung bình anh có thể kiếm được 23 NZD một tiếng. Ngồi làm mệt mỏi mà thấy ảnh cứ lướt qua nhanh như sóng, trong lúc mình mò coi cành ghép (bud) ở đâu thì anh ta cứ nắm một lượt từ trên xuống là tước xong, sạch sẽ. Mọi người đùa ảnh cứ ngồi xổm bò khắp farm cả ngày như vậy không biết tối về còn sức mà ấy ấy không há há
Ai cũng bảo là việc này chán, mình thì lo mò tìm lá mà tước chẳng biết chán là gì. Dù là ngày cuối cùng nhưng vẫn ráng làm hết sức có thể vì mình vẫn đang trong thời gian làm việc. Đây là công việc thật sự rất khó, cực nhất trong những việc từng làm ở New Zealand. Và cũng có thể là công việc chân tay khó nhất mình từng trải qua. Dù có xe cho quá giang đi làm đi nữa mình cũng không muốn tiếp tục. Chẳng phải mình yếu ớt gì mà các bạn Tây cũng ra vô liên tục. Chị Virginie cũng không biết chắc có đi làm nổi ngày tiếp theo hay không, mệt quá chỉ muốn bỏ ngang, dù bị mất ngày công hôm nay đi nữa. Mình động viên rằng bây giờ đang mỏi chân, cực nên muốn bỏ thế thôi, nhưng tối nay về nghỉ ngơi rồi suy nghĩ lại, có thể chị sẽ muốn đi làm thêm một ngày nữa để không bị mất tiền. Buồn cười là chiều hôm đó về văn phòng, cũng gặp một anh xin nghỉ việc trong ngày đầu tiên đi làm. Chị Elle lặp lại điệp khúc “nếu nghỉ ngang thì…”, ảnh bảo tay tao đau lắm, chắc tao bỏ luôn. Mình thì tiếc công lắm, chả bỏ được.
Chia tay chị Virginie ở Ruby Bay, mình tặng lại đôi gumboot mới mua ở Warehouse 2 tuần trước vì nghĩ từ giờ không cần nữa, mà không muốn mang nhiều đồ theo. Chị sẽ làm việc nhiều, lại có xe nên chắc sẽ cần gumboot hơn mình. Chụp tấm hình, gửi nhau link blog du lịch và chúc may mắn này nọ lọ chai xong, tự nhiên mình buột miệng bảo mình có cảm giác sẽ gặp lại chị sớm. Mà không ngờ là thế thật! Hehe
Tối đó về chân mình rất nhức, cứ tưởng sáng hôm sau đi không nổi, mà dậy rồi mới thấy cũng không đến nỗi, không mỏi nữa, thử ngồi xuống thì hơi nhức một chút. Có lẽ cơ thể mình đã quen với tần suất “tập luyện” cật lực rồi. Chị Virginie kể lại, hôm sau đó ráng đi làm một buổi nữa rồi nghỉ cho đúng quy định, được trả lương đủ. Dù được thuyết phục cỡ nào chị Virginie vẫn không muốn làm tiếp. Thế là công việc thứ hai của mình ở New Zealand đã kết thúc trong hai ngày, ngắn ngủi nhất trong quãng thời gian working holiday. Lúc làm cực thấy thời gian cứ hoài không trôi. Nhưng rồi thời gian vẫn trôi nhanh thôi, trải qua rồi nhìn lại thấy mình rắn rỏi và biết thêm một chút.
Và may sao vừa khép lại cánh cửa này thì nhiều cánh cửa khác lại mở ra.