KE-777-300ER

Vụ lùm xùm của công chúa nhà Korean Air gần đây làm mình nhớ 1 case study về Thuyết chủng tộc của các vụ rơi máy bay, phản ánh sự hà khắc của tính tôn ti trật tự trong xã hội Hàn Quốc có liên quan đến hãng hàng không này. Vụ này từng nghe thầy dạy Nho giáo kể lại trong một bài giảng từ năm 2, mãi tới năm ngoái khi đọc cuốn Outliers – Những người xuất chúng của Malcolm Gladwell mới được đọc cụ thể.

Thập niên 80 – 90, hãng hàng không quốc gia Đại Hàn Dân Quốc Korean Air liên tục gặp tai nạn. Tỷ lệ tổn thất của Korean Air trong 1988-1998 là 4,79/ 1 triệu lần cất cánh. Quân đội Hoa Kì đồng minh với HQ cấm không cho nhân viên bay KE, Canada ra thông báo cân nhắc việc thu hồi các đặc quyền bay vào và hạ cánh trong không phận Canada.

Bản đánh giá từ bên ngoài về hoạt động của KE miêu tả các ví dụ về việc phi hành đoàn hút thuốc trên mặt đường băng trong quá trình tiếp nhiên liệu vào khoang hàng hóa (rất nguy hiểm!), phi công vi phạm quy trình, tinh thần bệ rạc v.v như đổ dầu vào lửa. Tổng thống đương nhiệm lúc bấy giờ là Kim Dae Jung đã đổi chuyên cơ tổng thống từ máy bay KE – hãng hàng không quốc gia, sang Asiana Airlines, đối thủ mới của hãng.

Nguyên nhân chính của những tai nạn này không nằm ở thời tiết, địa hình (vì tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát) hay kiến thức, kinh nghiệm của phi hành đoàn (vì các cơ trưởng/ cơ phó đều có kinh nghiệm nhiều giờ bay và được huấn luyện đầy đủ).

Vậy đâu là nguyên do xảy ra những tình trạng trên? Và KE đã cải cách hệ thống của mình như thế nào để trở thành thành viên của SkyTeam danh giá?

Năm 2003, KE mời Greenberg, một chuyên gia của nước ngoài sang phụ trách điều hành bay. Điều đầu tiên ông làm là… đánh giá trình độ tiếng Anh của các thành viên trong phi hành đoàn, tổ chức các khóa học nâng cao tiếng Anh. Ông mời Alteon, một công ty của phương Tây về huấn luyện cho phi hành đoàn bằng tiếng Anh. Mục đích của ông là muốn tiếng Anh trở thành ngôn ngữ giao tiếp chính của KE.

Tại sao ông làm như vậy? Những người từng học văn hóa, học tiếng Hàn/Nhật hoặc các ngôn ngữ có phân rõ thứ bậc, tôn ti trật tự trong giao tiếp có lẽ sẽ thấy dễ hiểu hơn.

Hàn Quốc là một đất nước có văn hóa coi trọng tính tôn ti trật tự, thứ bậc, giai cấp. Nói đơn giản, ở Hàn Quốc, người ta được mặc định phải tôn trọng, vâng lời những người có vai vế cao hơn (bố mẹ, ông bà, tiền bối – người đi trước, người gia nhập trước trong một tổ chức nào đó, sếp, tổ trưởng, anh chị…), tuyệt đối không cãi, không phản đối, nâu còm men, chỉ được vâng lời răm rắp thực hiện. Tất cả những hình thức phản kháng sẽ quy bạn vào tội: vô phép tắc, hỗn láo, không nghe lời, không biết điều. Dù những cái “không biết điều” đó chỉ đơn giản là: sếp kêu đi nhậu không đi, về nhà trước khi sếp vẫn còn ngồi làm việc trong công ty, chống cằm nhìn bố trong bữa cơm, dám đi tạt qua mặt một chị khóa trên, ví dụ thế.

Tiếng Hàn thể hiện rõ tính tôn ti trật tự này: có 5 – 6 đuôi ngữ pháp và nhiều danh từ, động từ cũng có cấp kính ngữ cao hơn (giống tiếng Việt: ăn cơm – dùng bữa) biểu thị độ tôn trọng, ý thức thứ bậc của người nói với người nghe. Bạn phải dùng đuôi kính ngữ với người trên, dùng sai cấp kính ngữ, lỡ thiếu chữ “yo” thôi đủ khiến người trên cảm thấy bị xúc phạm. Người học giỏi tiếng Hàn là những người phải khéo léo vận dụng đúng kính ngữ trong từng trường hợp. Cái này nhiều khi không quen cũng bị sai, là người nước ngoài thì người Hàn sẽ không chấp, chứ nếu là người HQ với nhau thì… thôi luôn, bị chửi té tát còn nhẹ 😉

Vì vậy thay đổi ngôn ngữ sử dụng cũng là một cách khiến khoảng cách vai vế này phai nhạt dần. Mình thấy ông chuyên gia này phải hiểu rất rõ văn hóa Hàn Quốc thì mới đưa ra phương án tối ưu như thế này. Khi phân tích các đoạn ghi âm từ hộp đen của những máy bay gặp nạn, người ta nhận ra nguyên nhân chính của các tai nạn không gì khác mà chính là tính phân bậc, coi trọng tôn ti trật tự trong văn hóa Hàn Quốc đã trở thành một rào cản trong giao tiếp giữa các thành viên trong phi hành đoàn, dẫn đến uy hiếp an toàn bay. Trong các tai nạn máy bay của KE, có những trường hợp cơ phó đã nhận ra tình hình và cảnh báo với cơ trưởng, nhưng với việc sử dụng kính ngữ và kiểu nói bóng gió, nói giảm nói tránh, nói phủ định (Vd thay vì nói “rất nguy hiểm!”, người Hàn sẽ nói “không phải là không an toàn sao?”) khiến người nghe mất thời gian bóc tách, suy nghĩ về ý người nói muốn truyền đạt, hoặc họ… bỏ qua luôn, trả lời qua loa, không nhận thức được tầm nghiêm trọng của vấn đề. Dữ liệu từ hộp đen của máy bay KE801 rơi ở Guam năm 1997 cho thấy phi hành đoàn hoàn toàn có đủ thời gian xử lý tình huống và máy bay có lẽ đã không đâm vào đồi núi nếu phi hành đoàn không quá khắt khe trong việc gìn giữ tôn ti trật tự, vai vế… Điều này cũng không thể trách người Hàn được, vì đó là phông nền văn hóa – một thứ chỉ có thể hiểu, chấp nhận và tìm cách đối thoại, cải thiện, không phải để chỉ trích và bài trừ.

Và thế là từ khi sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ chính, tai nạn hàng không của KE đã giảm hẳn.

Đó là key-point của Thuyết chủng tộc của các vụ rơi máy bay

2. Vụ công chúa Korean Air lùm xùm vừa qua cũng là một biểu hiện của tính tôn tư trật tự thái quá của một bộ phận… không nhỏ người Hàn.

Bàn về tính tôn ti trật tự này thì nói hoài không hết. Bản thân mình và đa số những người từng làm với HQ đều có nhận định là tính tôn trọng thứ bậc này làm các mối quan hệ căng thẳng hơn, công việc cũng nặng nề hơn, cuộc sống kém hạnh phúc hơn.

Có bộ phim sitcom “Gia đình là số 1” từng đề cập đến vấn đề này. Mình không xem nhưng được biết vậy. Đại khái là giễu cợt việc coi trọng tôn ti trật tự đến quá quắt, mâu thuẫn cấp bậc, vai vế ngay giữa những người trong gia đình với nhau, khi người làm anh rể vào công ty lại thành cấp dưới, người vai cháu làm thầy người vai chú dì (vd vậy, không xem nên không rành).

Nhiều người quen làm trong công ty HQ nói với mình muốn học tiếng Hàn để tiện giao tiếp với sếp hơn, xin lời khuyên… mình đều nói nếu giao tiếp tiếng Anh được thì nên nói tiếng Anh, vì khi nói tiếng Hàn nghĩa là mình phải tự hạ mình xuống 1-2 bậc khi đối thoại, sếp hầu như không bao giờ dùng kính ngữ với nhân viên cả. Vì vậy cách tốt nhất để giữ mối quan hệ với sếp Hàn Quốc bình đẳng hơn là dùng tiếng Anh 😀

3. Note thêm:

Nhà tâm lý học người Hà Lan Hofstede đã nghiên cứu “thước đo Hofstede” được dùng trong ngành tâm lý học so sánh văn hóa, trong đó có một chỉ số là chỉ số khoảng cách quyền lực (Power Distance Index – FDI), biểu thị mức độ tôn ti trật tự, thứ bậc của các nền văn hóa, mà mình nói vui là thước đo độ hách dịch và hèn mọn của mỗi người trong một nền văn hóa :))

Vd có những nước chỉ số FDI thấp, người vai trên, cấp cao thường không tỏ vẻ quyền lực trước người dưới và người dưới cũng không lúi cúi, giữ kẽ người trên, và ngược lại, kiểu vậy.

Theo thang đo này thì đất nước có nền văn hóa đặt nặng thứ bậc xã hội nhất là Malaysia (nhất bảng), các nước Nam Mĩ, châu Á, Trung Đông… Việt Nam thứ hạng khá cao (70), Hàn Quốc (60). Trong khi thực tế mình nhận thấy so với HQ thì Việt Nam dân chủ hơn, tính cá nhân vẫn cao hơn rất nhiều. Một số nước châu Âu (Bỉ, Pháp) cũng nằm trong nhóm này. Các nước có chỉ số thấp là Thụy Điển, Israel, Áo…

Cá nhân mình thấy chỉ số này cũng chỉ tương đối, khá định tính vì được đong đếm dựa trên database là nội dung các cuộc phỏng vấn. Mà chỉ phỏng vấn không phản ánh được thực tế suy nghĩ của đối tượng điều tra (điều này được đề cập trong cuốn Buyology :D).

(*) Thuyết chủng tộc của các vụ rơi máy bay – Tên một chương trong Outliers của MG

(Visited 3,136 times, 1 visits today)

4 Comments

  1. Pingback: Lý do không nên học ngành Hàn Quốc học | THE NOMAD QUEEN

  2. Pingback: Vì sao không nên học ngành Hàn Quốc học? | THE NOMAD QUEEN

  3. Pingback: Vì sao nên học ngành Hàn Quốc học? | THE NOMAD QUEEN

  4. Pingback: Người Hàn Quốc không cởi mở, thực dụng và đề cao hình thức

Leave A Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.