Public holiday pay là tiền nghỉ lễ mà người sử dụng lao động phải trả cho nhân viên đang làm việc vào những ngày lễ chính thức của New Zealand. Theo luật Lao động, miễn là đang làm việc cho công ty, dù là nhân viên parttime hay fulltime, nhân viên lâu năm hay thời vụ, bạn đều có quyền nhận public holiday pay, bất kể thời gian làm việc là bao lâu (https://www.employment.govt.nz/leave-and-holidays/public-holidays/).
Mình từng đọc nhiều trường hợp các bạn Tây Ta balo đi working holiday ở New Zealand, Úc đã gặp chủ không tốt, thiếu lương, không trả tiền… nhưng chả bao giờ mong mình sẽ là một trong những trường hợp đó. Một trong những kinh nghiệm không vui của mình khi đi working holiday là suýt bị quỵt tiền public holiday pay khi làm việc ở Gourmet Summerfruit. Suýt là vì cuối cùng mình cũng đã nhận lại đầy đủ những gì mình xứng đáng được nhận. Đã đi tới tận New Zealand làm việc thì chẳng ai mong gặp chủ không tốt, nhưng đời không như là mơ, vì đã là chủ doanh nghiệp thì ai cũng mong tối thiểu hóa chi phí để tối đa hóa lợi nhuận. Kể lại hai kinh nghiệm của mình cho mọi người tham khảo và lưu ý khi đến working holiday ở New Zealand.
Mình và rất nhiều người khác bắt đầu việc hái blueberry ở Gourmet Summerfruit từ ngày 11/12/2017. Hôm induction, phía HR có mở hợp đồng giải thích các điều khoản, trong đó phần 8% holiday pay bọn mình sẽ được nhận mỗi tuần hay khi kết thúc là tùy mỗi người, còn public holiday pay thì chỉ được trả nếu làm việc trước ngày holiday đó 3 tuần, còn dưới 3 tuần thì sẽ không được thanh toán. Vì vậy bọn mình không được nhận tiền Giáng Sinh và Boxing Day nhưng sẽ được nhận tiền của ngày New Year. Nghĩ hợp đồng lao động luôn hợp pháp nên bọn mình nghĩ chủ đúng luật, vẫn ok, kí.
Ngày Giáng Sinh và Boxing Day (25 và 26/12) là hai ngày holiday chính thức của New Zealand. Chẳng ai nghĩ sẽ được nhận tiền, vì đã được thông báo hôm induction. Thế mà tiệc Giáng Sinh, tình cờ người phụ trách tài chính – kế toán của công ty cũng ở cùng hostel với tụi mình, tham gia tiệc, và thông báo rằng mọi người sẽ được nhận public holiday cho hai ngày này. Đứa nào cũng oh yeah phấn khích và nghĩ công ty thật là hào sảng.
Đến payslip (bảng tính công) tiếp theo thì bọn mình đúng là đã nhận được tiền Christmas và Boxing Day thật. Vài hôm sau, đúng ngay ngày trả lương, tầm 2 ~ 3h chiều anh nhân viên kế toán kia đến orchard với vẻ mặt rất là không vui, cầm cầm xấp giấy và đến gặp từng người nói chuyện. Đến lượt mình, anh bảo mình rằng theo hợp đồng thì làm việc trước 3 tuần cách ngày lễ mới được trả tiền public holiday pay, mà anh ấy không biết nên lỡ thanh toán cho bọn mình, giờ nhờ mình kí giấy đồng ý trả lại cho công ty. Khoản tiền này sẽ được cấn trừ vào hai payslip của tuần này và tuần sau. Nghĩ công ty đúng luật, và hợp đồng lao động có ghi rõ như vậy, nên mình vẫn ok, kí.
Tối đi làm về, nói chuyện với các bạn ở hostel, thì mới biết được điều kiện về public holiday pay trong hợp đồng là sai luật. Hôm nay có người kí, người không, người không kí không bị trừ tiền trong payslip, còn người kí thì bị trừ tiền. Bình thường mình rất sáng suốt và không bao giờ vội vàng đặt bút, luôn double check thông tin, thế nhưng hôm đó chẳng hiểu sao ai bảo gì cũng kí, mọi người bàn với nhau thì rút ra là:
– Công ty cử người đến nói chuyện lúc sau giờ ăn trưa, lựa ngay thời gian tụi mình đang hái mệt và đầu óc không suy nghĩ sáng suốt.
– Họ nói chuyện với từng cá nhân, mất thời gian đi tìm từng người (mỗi người mỗi hàng, mỗi block khác nhau), nhưng lại không vào nói chuyện lúc giờ ăn trưa hay smoko, khi mọi người tập hợp một lúc. Vì họ biết khi thuyết phục 1:1 thì bọn mình dễ kí hơn. Nếu nói chuyện với tập thể thì 1 người không kí, những người còn lại cũng sẽ không kí.
Công ty bảo là tụi mình sẽ được trả tiền ngày New Year 1/1, nhưng tụi mình không nhận được. Ngày 2/1 cũng là ngày public holiday, theo luật, bọn mình sẽ được trả tiền 1 ngày công nếu không đi làm, nếu đi làm thì được trả 1.5 (gấp rưỡi) và được nghỉ một ngày tiếp theo có lương. Ngày 2/1 bọn mình đi làm, nhưng chỉ được trả công 1.
Đến lúc này thì mình và một số bạn bè mới thực hiện các giải pháp sau:
1. Gửi mail cho công ty, ghi rõ nội dung luật và nguồn tham khảo (trang web chính thức của Ministry of Business, Innovation and Employment), thông báo nếu không trả lời thì sẽ liên hệ cơ quan chức năng.
2. Gọi điện đến bộ và thực hiện khiếu nại.
Số điện thoại 0800209020, khi gặp điện thoại viên, bạn có thể trình bày câu chuyện của bạn bằng tiếng Anh, nếu không tự tin thì đề nghị sử dụng thông dịch. Úc và New Zealand có language line, là dịch vụ thông ngôn qua điện thoại, dành cho người nước ngoài đang sống tại hai quốc gia này.
Theo ý kiến cá nhân mình (đã làm thông dịch Hàn-Việt 4 năm), nếu không nghe nói tiếng Anh tốt như người bản xứ, bạn nên dùng thông dịch vì những lý do sau:
– Thông dịch sống tại hai quốc gia này không những hiểu cách dùng tiếng Anh, ngữ điệu của Úc và New Zealand, mà còn ít nhiều biết về luật và kiến thức, thông tin liên quan để giúp bạn truyền tải thông điệp một cách chính xác nhất đến người nghe
– Bạn sẽ trình bày một cách cụ thể hơn, chính xác hơn, suy nghĩ trôi chảy hơn khi suy nghĩ và nói bằng tiếng mẹ đẻ.
– Sau khi nghe thông dịch dịch, nếu có thông tin gì cần nhớ ra, hoặc cần bổ sung, hoặc nói sai, bạn có thể bổ sung nhanh chóng, cũng như double check thông tin để đảm bảo những gì bạn nói được truyền đạt chính xác.
Điện thoại viên của bộ làm việc rất chuyên nghiệp và tận tình, khi đường dây bị ngắt, họ chủ động gọi lại và link với thông dịch, và họ sẽ hỏi nếu mình muốn gửi đơn khiếu nại tới bộ phận điều tra. Sau vài ngày, những người đã khiếu nại nhận được email phản hồi từ phía điều tra một cách rất tích cực.
Sau những động thái trên thì công ty chủ động thông báo sẽ thanh toán tiền public holiday pay cho mọi người theo đúng luật. Tuần tiếp theo bọn mình nhận được tiền Christmas và Boxing day đã bị trừ, tiền New Year và tiền làm ngày 2/1, một ngày công (do đi làm ngày public holiday) sẽ được thanh toán vào cuối hạn hợp đồng. Và thế là mọi người đã được thanh toán đầy đủ. Dù cách tính tiền của công ty như thế nào tụi mình cũng không rõ lắm (người làm ít thì được nhiều hơn người làm nhiều, có người nhận được ít hơn số tiền công tối thiểu trong một ngày…).
Thêm một vấn đề nữa mà không chỉ ở công ty này, mà ở farm rau từng làm mình cũng gặp, đó là bị ăn gian giờ làm việc. Vì vậy mình luôn chụp hình bảng chấm công, hoặc ghi rõ thời gian làm việc của mình vào phone để đối chiếu. Ở farm rau cũ, tuần nào cũng bị thiếu vài chục phút, mình gửi hình chụp bảo tính thiếu thì họ nói là do thời gian làm việc được tính từ 7h30, nên dù mình clock in sớm hơn vẫn không được tính. Mình chụp hình manual for worker, trong đó nội dung ghi rõ khi bấm thẻ phải vào làm việc ngay. Và mình bảo rằng ông manager nhấn mạnh nhiều người clock in sớm rồi ngồi uống café tới 7h30 mới vào làm việc, ông không thích như thế, có nghĩa bấm thẻ là phải vào làm. Vì vậy không có lý do gì mà không được tính công. Sau đó họ mới cộng thêm những giờ còn thiếu cho mình. Các bạn Hàn Quốc, HK làm cùng cũng gặp vấn đề và khiếu nại; Tây balo thì chả bao giờ chụp hình lại vì họ nghĩ chẳng đời nào bị ăn gian 😉 Ở Gourmet này, bạn mình người Bỉ bị tính thiếu suốt mấy tuần liền, lúc nào cũng phải khiếu nại.
Một trong những điều làm mình khá bất ngờ là dù biết công ty sai luật và tụi mình có quyền khiếu nại, rất rất nhiều người, cả tây lẫn ta, đều có thái độ bàng quan. Người thì bảo lỡ kí rồi, giờ cũng chả làm gì được; người thì bảo tiền kiếm được bên này cũng nhiều rồi, nên không cần khiếu nại làm gì, có cũng được, không có cũng không sao; người thì mặc kệ, không muốn lên tiếng vì sợ mất việc. Thậm chí có người quê mình, bảo mình đã dư dả rồi mà sao còn đòi mấy trăm đô này để làm gì. Hết sức ngạc nhiên khi nghe như thế (chắc bạn nói đùa :p)
Mình, vài người VN, vài người Tây và Á nữa… thì có suy nghĩ khác. Bọn mình không cần biết ở quê nhà làm tiền nhiều, tiền ít như thế nào, đã sang New Zealand, làm việc với đồng lương bên này, chi trả theo mức sống bên này, đóng thuế đầy đủ cho nhà nước, hoàn thành nghĩa vụ với công ty, thì bọn mình CÓ QUYỀN đòi hỏi những quyền lợi hợp pháp. Còn việc mình hay ai ở quê nhà giàu hay nghèo, thì đó là việc cá nhân. Mình có thể xài 10 đồng, chấp nhận bị gió thổi mất 10 đồng, nhưng nếu chỉ là 1 đồng không được chi trả đúng thì mình nhất định sẽ dùng hết khả năng có thể để đòi lại một cách hợp pháp, vì đó là tiền mình xứng đáng được nhận. Đây là thái độ sống của mình: tự trọng và quý trọng công sức lao động. Mọi người có thể sợ mất việc nhưng bọn mình (những người đã khiếu nại) thì không, vì phía công ty cần người hái nhanh, càng hái nhanh thì càng save labour cost; còn phía người lao động thì thiếu việc này thì làm việc khác, thiếu gì việc để làm ở xứ này.
Mình kể ra câu chuyện này để các bạn đang, hoặc sẽ đi working holiday ở New Zealand và Úc nói riêng, và những người đang lao động ở nước ngoài nói chung tham khảo. Không mong ai có những trải nghiệm không vui khi đi du lịch, làm việc tại nước ngoài, nhưng nhờ có những bài học này mà chúng ta có nhiều trải nghiệm hơn.
Đừng nhu nhược, đừng hèn, hãy suy nghĩ logic và hiểu rõ quyền lợi chính đáng của mình, đừng ngại nói lên tiếng. Đây là nước phát triển, bạn được luật pháp bảo vệ.
Nice day!
#workingholiday #newzealand #thenomadqueen
Pingback: Vì sao mình du học Úc ngành Điều dưỡng? - THE NOMAD QUEEN