Roxburgh nhỏ xíu, thuộc vùng Central Otago. Nằm giữa hai thành phố lớn là Dunedin và Queenstown, Roxburgh luôn yên tĩnh, trầm lặng hơn. Roxburgh có nhiều orchard trồng cherry, táo, đào, mận, blueberry… và chỉ có vỏn vẹn tầm ngàn căn hộ. Thị trấn nhỏ xíu, chẳng có chỗ nào để đi lòng vòng. Nhưng đến mùa thu hoạch, dân tứ xứ đổ về làm việc thì luôn ồn ào và rộn ràng.

Sông Clutha chảy từ Queenstown, qua Roxburgh và đổ ra biển về phía Dunedin.
Mỗi ngày đi làm,mình đều băng qua cây cầu này, nhìn ngắm khung cảnh này.
Roxburgh nhà quê đẹp vậy đó.

Đầu tháng 12 là mùa thu hoạch cherry, blueberry. Orchard lớn thì cần cả trăm người hái, orchard nhỏ cũng cần vài ba chục. Rồi hai ba packhouse lớn ở vùng này luôn hoạt động hết công suất, là nguồn cung việc làm cho hàng trăm lao động. Hàng ngàn working holiday backpacker đổ về Roxburgh, khiến thị trấn nhỏ xíu này dường như quá tải và chỗ ở lúc nào cũng khan hiếm vào mùa cao điểm.

Dân working holiday bụi phủi thì ở trong xe, cắm trại ở free campsite. Họ là những người ôm mộng du lịch vòng quanh thế giới, vì vậy đi tới đâu họ cũng cố gắng tích cóp càng nhiều càng tốt, và giảm tối đa chi phí. Ở trong xe van thì dĩ nhiên không thể thoải mái như ở nhà, tắm nước lạnh vào những ngày gió mạnh, mưa bão, nhiệt độ giảm còn 6 7 độ cũng không dễ dàng.

Một số công ty có accommodation cho nhân viên, như Gourmet Summerfruit là công ty có orchard cherry và blueberry lớn ở khu này, họ có hẳn một khu nhà ở có sức chứa tầm hơn trăm người trong nhà, và thêm campsite cho những người muốn ngủ trong lều để tiết kiệm chi phí mà vẫn có thể dùng nhà bếp, tắm nước nóng… Họ mở chỗ ở từ đầu mùa đến gần cuối mùa. Chỗ này nằm trên đồi nên nắng thì cũng nóng hơn tí, gió bão thì lạnh hơn tí. Cách siêu thị suppervalue trong town khoảng 10p đi bộ.

Nằm ngay trung tâm thị trấn, đối diện quán café, siêu thị là Commercial Hotel. Đây là backpacker duy nhất ở Roxburgh nơi trú chân của phần lớn backpacker đến làm việc tại Roxburgh, cũng là ngôi nhà mình trú ngụ suốt 3 tháng. Tiền thuê ở Commercial cũng không rẻ, mỗi năm một tăng nhẹ, mùa vụ năm 2017-2018 là 126$/ tuần. Giá này là khá cao nếu so với chất lượng, cơ sở vật chất và địa điểm. Thế nhưng vì không còn sự lựa chọn nào khác.

Commercial Hotel vốn là khách sạn, được xây dựng từ 150 năm trước. Tòa nhà cổ màu đỏ sẫm này lúc cao điểm có đến tầm 90 người ở. Tòa nhà sơn tường vàng bên cạnh có sức chứa tầm 3 40 người nữa, cũng thuộc chủ Commercial. Vì vậy tầm cuối tháng 12 tới hết tháng 1 lúc nào cũng đông vui. Bác chủ nhà dồn dân châu Á vào nhà đỏ ở, vì nhiều bạn nữ từ Malay, Đài Loan, Hong Kong… nói tiếng Hoa, làm ở packhouse. Bên nhà vàng thì nhiều Tây hơn. Ở đông thì vui nhưng nhà bếp và phòng tắm thì lúc nào cũng trong tình trạng occupied. Mọi người đi làm về là nhào vào nhà bếp, các bạn Đài với Malay thì rất chịu khó nấu ăn cầu kì dù mệt. Ăn xong ra ai cũng ám mùi đồ ăn, mùi nhà bếp. Vì vậy mình rất ngại vào bếp lúc này. Mình thường dậy từ 4h, 5h sáng nấu ăn cho 2 ngày rồi để tủ lạnh. Đi làm về, lúc phòng vắng, nhà tắm không có ai thì mình tập yoga rồi tắm, rồi mới xuống ăn. Tầm 8 9h các bạn nấu và ăn xong thì nhà tắm lúc nào cũng kẹt cứng. Mình và hội lười bon chen ở bếp hay bảo nhau không hiểu sao mấy bạn kia có thể ở trong bếp suốt 2 3 tiếng để nấu và ăn. Bọn mình cũng thích nấu ăn, nhưng đi làm về chỉ muốn tiết kiệm thời gian, ăn nhanh gọn, để giờ đọc sách, xem phim, làm việc khác. Nấu ăn là niềm vui nên vui mới nấu 😀

Bác chủ nhà tên John rất hiền và nhiệt tình hỗ trợ khách, tụi mình hay gọi là papa John. Mỗi lần có người chơi piano, bác sẽ cho 1, 2 đô. Nếu rảnh, bác sẽ mở hình cũ, bản thiết kế nhà, báo chí đăng về nhà bác cho bọn mình xem. Trong nhà còn có cuốn sổ có chữ kí của khách từng lưu trú từ những năm đầu thế kỉ 20. Bác hiền và dễ chịu bao nhiêu vì vợ bác khó chịu bấy nhiêu. Và chẳng có ai gọi bà ấy là mama như cách gọi papa thân mật, vì ai cũng thấy không có thiện cảm với bà. Nói một cách công bằng thì bà không phải là người xấu, bà chỉ quá khó khăn và xét nét, khiến mọi người thấy mệt mỏi, như ở với một bà mẹ chồng khó tính. Cũng thông cảm được, một người phụ nữ U60, vốn làm nghề giáo, mãn kinh, ở cùng nhà với hơn trăm người, khó trách cho tính nóng nảy của bà.

Hồi còn đông đúc, có một chú người Ấn tên Dan, vốn làm ở siêu thị trên Wanaka, tới mùa cherry xuống ở. Mỗi ngày chú là người cuối cùng ở trong bếp, dọn dẹp bàn ghế, lau bếp, đóng cửa tắt đèn. Qua mùa cherry thì chú đi, không có ai lo dọn nhà dọn cửa, dù backpacker mỗi người tự làm tự dọn nhưng dĩ nhiên bếp không sạch bằng hồi có chú. Vì vậy vợ bác chủ nhà lúc nào cũng than vãn và nhăn nhó nhiều hơn. Mỗi ngày bà dọn tủ lạnh, thùng rác tái chế, bà luôn tìm thấy một điều gì đó để bắt bẻ, và bà sẽ kéo bất kì ai ở quanh ra nghe bà càm ràm dù không phải lỗi của họ. Không ai là hoàn hảo, dĩ nhiên người ở trong nhà có lúc cũng quên rửa chén (vì nhiều người mà có 2 bồn rửa nên mọi người để tạm rồi quay lại sau, sau lại quên), quên dọn đồ trong tủ lạnh (vì tủ lạnh nhỏ, để đồ vào bị người này người kia lấy đồ ra vào xếp lại, rồi bị ép vào góc nào chẳng nhớ, rồi quên luôn, phần vì siêu thị gần nhà mắc nên mọi người phải đi siêu thị trên Alexandra mua đồ về trữ ăn dần) nhưng nhiều lúc bà hành xử như khách trong nhà là con cái bà chứ không phải người trả tiền ở. Bà đi đâu mọi người né tới đó. Bà nổi nóng với những lý do vớ vẩn: tự giặt chăn màn, bà cũng la “this is not your work, this is my work, your work is keep the room clean”. Càng ngày không khí trong nhà càng căng và không vui, phần vì cuối mùa mọi người dọn ra, phần vì bà. Bọn mình bực nhiều việc nhưng không nói với papa John vì dĩ nhiên papa không lạ gì nữa, papa sống với bà mấy chục năm nay.

Ngoài việc nhà cửa cũ, bà chủ nhà khó khăn ra thì niềm vui của bọn mình là những người bạn ở chung nhà. Ai cũng vui vẻ, thân thiện. Lâu lâu cũng có người bảo mất máy hình, mất điện thoại, gây gổ… làm cho không khí trong nhà mất vui. Nhưng nhìn chung thì vui nhiều hơn buồn, người tốt nhiều hơn người xấu. Người châu Á nhiều nên đến Giáng Sinh, Tết tây, Tết ta lúc nào cũng rộn ràng tiệc tùng với những món Hoa, món Việt. Bạn châu Á thì hiền, kiểu con ngoan trò giỏi.

Bạn Tây thì vui kiểu ngồi ăn, tám nhảm, uống bia, nhậu nhẹt mỗi ngày. Hôm nào trờ nóng thì rủ nhau ra hồ, ra sông tắm, cùng đi xem mặt trời mọc, mặt trời lặn… Có hôm nóng tới 38, 40 độ, ai cũng than. Chỉ sau 1 tuần, mình nhớ là đầu tháng 2, phía Bắc đảo Nam có bão lớn, mưa suốt cả tuần, thời tiết trở lạnh còn 6 7 độ. Cũng lúc đó chẳng ai có thể đi làm, đi chơi được, ru rú trong nhà, muốn bệnh tâm thần.

Qua tháng 2 thì nhà vắng vì chỉ còn những người ở lại làm blueberry, rồi nghỉ đi du lịch. Đầu tháng 3 vào mùa táo, chỉ có hai packhouse ở Roxburgh là cần người. Thủ phủ của táo không phải là ở Roxburgh mà ở đảo Bắc, vì vậy người làm việc cũng đổ về Hasting. Nhà thưa dần, người dọn ra dần. Nghe bảo tới mùa đông nhà vắng chẳng còn ai. Mình dọn ra cùng với một chị bạn, sau khi tất cả những roommate, bạn thân với mình đã dọn đi. Người thì lên Motueka, người thì lên đảo Bắc. Thế là cuộc sống 3 tháng của mình ở Roxburgh đã khép lại như thế.

 

(Visited 506 times, 1 visits today)

Leave A Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.