Gặp host couchsurfing người Maori ở bán đảo Coromandel

Lâu rồi không hoạt động couchsurfing, mà từ lúc nghỉ làm ở backpacker tới giờ lại không làm ra tiền, đi nhiều, hơi tốn kém. Ở New Zealand kiếm tiền ít mà chi phí rất đắt đỏ. Thế là từ khi rời khỏi Rotorua, mình toàn tìm host couchsufing xin ở nhờ cho đỡ tốn kém.

Mấy ngày ở Rotorua gặp hostel giá rẻ, thời tiết lại ẩm ương nên mình ở tới vài ngày rồi mới đi tiếp. Nằm vắt tay lên trán nghĩ mãi cũng chưa biết đi đâu, Auckland hay Coromandel, hay New Plymouth xem núi Tanaraki. Thời tiết những ngày đầu đông tháng 6 ở đâu cũng ẩm ướt, mây và mưa, nên chẳng còn hứng thú đi du lịch nữa. Các danh lam thằng cảnh ở đảo bắc nổi tiếng với các bãi biển, phải đi mùa hè mới thấy cảnh đẹp. Mùa đông ở đảo Bắc New Zealand thường nhiều mưa và âm u, nên đi du lịch sẽ không thấy đẹp mấy, nhưng bù lại là chi phí ăn ở, xe cộ cũng rẻ hơn mùa cao điểm rất nhiều. Ngẫm nghĩ một hồi thì quyết định đi bán đảo Coromandel, nằm ở bờ Đông đảo Bắc New Zealand. Khu này nổi tiếng với Catheral Cove, bối cảnh phim Narnia, và Hot water beach, một bãi biển có dòng nước ấm mỗi khi thủy triều xuống. Quyết định sẽ đi bán đảo Coromandel xong mới dò bản đồ và xem các group backpacker coi họ khuyên nên ở town nào (Coromandel, Whitianga…) cho tiện tham quan nếu không có xe, thì thấy Whitianga là thị trấn gần Catheral Cove và Hot water beach nhất.

Flexipass của Intercity mình vẫn còn số giờ đủ để đi tới Whitianga, nhưng từ Rotorua không có xe buýt du lịch đi thẳng tới đây mà phải nghỉ ở Auckland một đêm. Không muốn mất thời gian và công sức, nên mình mua luôn 3 trip của Mana bus (trước đây là Naked bus).

Từ Rotorua tới Whitianga mất 6 tiếng, chú lái xe người Kiwi kể chuyện rôm rả. Đến gần cuối đường, vắng người, chú mới kể chuyện nhiều. Và mình rất bất ngờ khi biết chú là một trong những doanh nhân rất thành đạt ở New Zealand, từng làm đại lý phân phối độc quyền cho một thương hiệu rất nổi tiếng thời trước khi smartphone thịnh hành. Chú kể là nghỉ hưu được 5 năm rồi, mỗi tuần chú chỉ làm việc cho hãng xe buýt này 2 ngày, mỗi ngày 12 tiếng. Thời gian còn lại chú và vợ đi du lịch, leo núi, trồng cây, đọc sách… Mỗi năm chú đi du lịch nước ngoài 2 3 lần, mỗi lần 1 2 tháng. Chú bảo làm việc và kiếm tiền không phải là đam mê trong đời, nên kiếm đủ tiền là chú nghỉ hưu sớm, để dành thời gian tận hưởng cuộc sống. “Thế giới thật rộng lớn và biết bao chỗ để khám phá, sao mình cứ phải làm nô lệ cho công việc?” Nghe chú nói chuyện mình nhớ tới câu: “Hành tinh này không cần thêm những người thành công. Nó vật vã mong cần thêm những người kiến tạo bình an, những người chữa lành, những người kể chuyện, và những người biết yêu thương. Nó cần những người vui sống ở nơi họ sống.” – David Orr

Trước khi lên đường mình có liên hệ được một host người Maori, nhưng vì hơi gấp nên đêm đầu tiên mình ở hostel, ngày hôm sau mới dọn qua nhà host. Hostel giá chỉ 19nzd 1 đêm, khá rẻ vì không phải là mùa cao điểm. Mình hơi thất vọng với chỗ này, vì bà chủ khó chịu, nhăn nhó cả ngày. Hôm sau để đồ ở hostel rồi đi leo núi với mấy bạn cùng phòng, tới 3h chiều mình về và lấy đồ đi thì bà cực kì khó chịu và bảo chẳng có chỗ nào cho mày để đồ qua 12h, hay checkout rồi còn vào nhà bếp, toilet sử dụng dịch vụ… Bà nói đáng lẽ phải tính thêm tiền vì mình để đồ quá lâu. Mình cũng nói chẳng có hostel nào charge tiền khách vì để đồ quá 12h cả, sau khi khách checkout có thể để đồ lại để đi ra ngoài, hay sử dụng bếp, common area, toilet… Đây là hostel cho backpacker chứ không phải resort 5 3 sao, nếu bà muốn charge phí như bà nói thì ghi rõ trên website để mọi người biết trước khi đặt phòng.

Hôm sau dọn ra nhà anh host couchsurfing người Maori. Anh này tên là Tatami, mình tưởng người Maori sẽ cao to và da ngăm đen, nhưng anh này da trắng chứ không ngăm đen nên hơi thấy lạ. Đấy, suy ra da trắng vẫn có thể là người Maori 😉

Anh Tatami dạy môn Maori học ở trường cấp hai trong Whitianga, ở  là bố đơn thân, có con gái 2 tuổi. Nghe anh kể chuyện 2 năm trước anh có tình một đêm với một cô gái nọ gặp ở quán bar. Một năm sau anh nhận được cuộc gọi báo là có con. Thế là cuộc đời anh thay đổi từ lúc ấy. Anh cũng thử tìm hiểu người phụ nữ kia để xem hai người có thể cùng sống và nuôi con chung không, nhưng cô kia nằm trong băng nhóm mafia, lại khá ăn chơi nên cuối cùng anh quyết định độc thân nuôi con.

Mình ở nhà anh này 4 ngày. Tới tối thứ hai, đang ngồi đọc sách thì anh ra ngồi “hỏi thăm” sau khi đã ru con ngủ. Ảnh hỏi từ lúc rời VN tới giờ có hay đọc tin tức không, mình bảo ừ, có. Xong ảnh bảo mình rời VN lâu chưa, mình bảo được 9 tháng rồi. “Vậy mày có bạn trai chưa? Chắc lâu rồi chưa gặp bạn trai ha”, nghe tới câu này thì mình hiểu luôn ý đồ của ảnh là gì. Mình bịa luôn câu chuyện là mình có bạn trai rồi, bạn trai vừa qua thăm hồi tháng 2, đi du lịch cùng nhau cả 2 tuần rồi bạn trai về VN, mình ở lại working holiday tiếp. Bịa như vậy để ảnh hiểu ý là mình không có nhu cầu bàn sâu hơn 😉 Nghe tới đây xong ảnh bảo à, thế à, vậy thôi ngủ ngon nhé, rồi ảnh vào ngủ luôn :)) Thực tế là nhiều người host và cả dân du lịch bụi tham gia couchsurfing để tìm đối tượng quan hệ. Muốn bàn thì phải viết một post riêng, nên mình tạm dừng tại đây vậy 😉

Từ Whitianga ra các điểm du lịch như Catheral Cove, Shakespeare cliff rất gần, chỉ cần đi bộ ra Mercury bay, rồi đi phà (7$ hai chiều) qua bên kia vịnh. Đi bộ tới Shakespeare cliff rất gần. Bạn có thể thuê xe đạp trong town đi qua (tốn thêm 3$ tiền phà cho xe đạp) hoặc hitchhike từ đây tới Catheral Cove hoặc Hot Water Beach. Những người sống ở phía bên kia phà cũng thường đậu xe ở đó rồi đi phà vào town để mua sắm, ăn uống cafe… rồi qua lại, nên lượng xe tuy không quá đông đúc nhưng khá dễ xin đi nhờ. Đi cùng phà có một bạn gái nhìn có vẻ là dân backpacker, nên mình bắt chuyện và rủ hitchhike cùng cho vui. Vô tình nói chuyện mới biết bạn cũng từng làm wwoofing cho hostel như mình ở Fox Glacier  cách đây 1 tháng.

Mercury bay, điểm nối từ Whitianga tới vịnh Shakespears

Vịnh Shakespears nhìn từ trên cao

Catheral Cove và Shakespeare Cliff là bối cảnh trong phim Narnia. Để tới được nơi ngắm cảnh đẹp thì phải đi trekking một đoạn tầm 40 phút, không quá xa nhưng hơi dốc. Vì ở đảo Nam mình đi trekking quá nhiều nên chân cũng hơi mỏi mệt rồi. Tới đảo Bắc thời tiết không đẹp, cảnh cũng (vì thời tiết) mà không đẹp bằng, thế là bị tuột mood, đi đâu cũng thấy nặng chân, đi chậm, lười. Hị hị. Trekking ở đảo Bắc mới thấy hệ sinh thái rừng khác hẳn đảo Nam. Cá nhân mình thấy rừng đảo Nam đẹp hơn 😉 Cảnh rừng trong phim Chúa tể những chiếc nhẫn là ở đảo Nam. Mấy ngày ở Whitianga, ngày nào cũng mưa, gió ầm ầm, được hôm không mưa để đi chơi thì trời lại mây, nên chẳng thấy màu nước biển đẹp lung linh như trong hình trên mạng, như trong phim…

tập yoga ở nhà host Couchsurfing

Mỗi khi ở couch surfing mình thường nấu món Việt Nam mời các host, hoặc ít nhất cũng giúp họ dọn dẹp nhà cửa để thể hiện lòng biết ơn. Ở Whitianga, mình cũng ở lại nhà host couchsurfing một ngày để giúp anh dọn nhà. Anh này dậy từ 4h30 sáng tập thể dục, đọc sách, rồi đưa con đi học, đi làm, tới 3h chiều về, 4h30 con mới học về, ăn tối, ngủ lúc 8h30 ~ 9h. Vậy mà anh để nhà cửa rất bừa rộn, vỏ chai, vỏ lon bia ở ngoài sân nhiều vô kể. Ở nhà anh mấy ngày, anh cứ bảo muốn có thời gian riêng cho bản thân, giá mà có người giữ dùm con 2 ngày thôi, anh sẽ dọn dẹp sạch hết. Nhưng mình thấy thật ra chỉ cần 30p dọn dẹp mỗi ngày, hoặc sau khi uống bia, hút thuốc xong vứt ngay là nhà cửa đủ sạch bong kin kít rồi. Tối nào ăn cơm xong anh cũng ngồi coi TV cả tiếng. Rõ là anh có thời gian nhưng chỉ không có thói quen sạch sẽ, gọn gàng, mới lấy lí do là có con nhỏ để không dọn dẹp thôi.

Một hôm nọ có chị bạn của anh này qua chơi. Chị là người Maori, rất cao và đẹp, 4 đứa con chị đứa da trắng đứa da ngăm đen, chẳng đứa nào giống nhau nên đoán là khác cha. Ở đâu mình không biết, nhưng ở NZ và Úc, việc phụ nữ sinh con với nhiều partner khác nhau là rất bình thường. Người trẻ hiện nay ít kết hôn, dù ở chung và có con với nhau họ cũng chỉ làm partnership. Việc phụ nữ đơn thân hay cha đơn thân cũng rất phổ biến. Ở VN mình thì những người phụ nữ qua đò hoặc độc thân nuôi con, hoặc có con khác cha vẫn chưa thật sự thoải mái trong cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày. Mình note lại điểm này để mọi người có ra nước ngoài, thấy việc gì lạ, thì tôn trọng và đừng hỏi nhiều, không lịch sự 😉

Rời Whitianga, điểm đến tiếp theo của mình là Pahia ở Bay of Island, phía Bắc của đảo Bắc, và tới ngọn hải đăng ở cực Bắc của New Zealand. Đến những ngày này thì mình biết, mình sắp rời New Zealand rồi.

(Visited 743 times, 1 visits today)

1 Comment

  1. Pingback: Review những blog hay nên theo dõi nếu muốn tìm hiểu về GAP YEAR – Quyen Huynh

Leave A Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.