Tuyết rơi suốt quãng đường xe taxi đưa mình từ làng hanok đến trạm xe lửa thành phố JeonJu. Từ đây mình sẽ tới Busan, thành phố biển miền Nam bán đảo Hàn, ngủ lại một đêm rồi hôm sau sẽ bay đi đảo Jeju. Đi Hàn mùa đông, ngày nào thời tiết cũng âm u ảm đạm, càng xuống phía Nam càng có nắng, càng ấm dần.
Tàu Mugunghwa từ JeonJu phải đi tới trạm Sintanjin ở Daejeon, rồi đổi tàu tới Busan. Mất tổng cộng 4 tiếng di chuyển trên tàu. Vé như hình là 26800won, tầm 500k thôi. Di chuyển ở Hàn không tốn kém lắm, thậm chí mình thấy ngang ngửa vé tàu xe ở VN.
Tàu xe ở Hàn thì rất đúng giờ, đúng tới từng phút một, lâu lắm lắm lắm mới thấy trễ 1 phút. Và chỉ trễ 1 phút thôi thì người dân cũng nháo nhào nhăn nhó rồi. Hầu hết các bến tàu xe đều mua vé ở quầy hoặc máy bán tự động, chẳng có ai kiểm soát vé, đôi khi phải trình vé qua cổng điện tử trước khi xuống tàu, nhưng nhiều trạm cũng không có máy soát vé gì hết. Mọi người đều phải tự giác trung thực. Với những người định đi vé chui ở Hàn: đừng tưởng ban quản lý không biết nhé. An ninh trật tự ở Hàn là số 1 thế giới. Tất cả mọi hang cùng ngõ hẻm, mọi nơi công cộng, tòa nhà đều có lắp CCTV. Và mỗi tòa nhà, khu vực đều có cảnh sát, bảo vệ ngồi canh CCTV 24/24. Khi có sự việc chỉ 5 phút là cảnh sát có mặt. Nhiều khi thấy lắt nhắt họ bỏ qua, không có nghĩa là mình qua mặt được.
Tàu lửa không có chỗ để valy lớn nên mình phải tranh thủ mấy hàng ghế trống để nhét hành lý vào. Tới trạm lại phải kéo hành lý ra để trả ghế cho khách khác, khi tàu chuyển bánh, lại ngó nghiêng xem có chỗ nào nhét hành lý không. Thật là vất vả. Hai ông bà già bên cạnh càm ràm đi đâu làm gì mà mang hành lý to thế (dạ, có 20kg) hết cả buổi trời dù mình chả làm gì phiền tới hai người đó. Mình giả bộ không hiểu cho xong.
Tới Busan lúc 8 9h tối, bắt taxi tới khách sạn tên May đã book trước trên mạng, nhìn hình ảnh sạch sẽ mà giá mềm mềm, tầm 40 ngàn won. Tới nơi mới thấy là motel. Motel trong định nghĩa của người Hàn là khách sạn tình yêu, kiểu ở 1 2 tiếng rồi đi ra thì 20 ngàn, ngủ qua đêm thì 40 ngàn. Giá này là mềm so với các thể loại khách sạn khác nên cả người Hàn nếu đi du lịch cặp đôi, vợ chồng thôi thì cũng ở đây cho rẻ.
Sau này mình cũng đôi ba lần ngủ lại ở motel nếu không có sự lựa chọn nào khá hơn. Các khách sạn tình yêu thường kín đáo, khi đi vào chỉ có chủ hoặc nhân viên ngồi trong phòng, tiếp khách qua một ô cửa sổ. Nhiều nơi ô cửa đó chỉ vừa đủ để khách thò tay vào trả tiền và nhận chìa khóa, để khách và chủ không nhìn thấy mặt nhau. Nhưng cũng chẳng có gì phải ngại ngùng đến thế. Khách sạn tình yêu có nơi tối tăm, nơi sáng sủa, có nơi thì đèn đóm dập dìu. Những nơi mình từng ở thì không hề phức tạp, không có những ông chú nhìn nhìn soi mói. Phòng ốc, giường chiếu không bẩn thỉu lộn xộn mà rất sạch sẽ, và sặc mùi cồn. Tất cả mọi chăn gối đều được giặt và khử trùng sạch sẽ. Nhiều motel mới có hệ thống TV tự động, khách mới vào là welcome và mở sẵn kênh 19+, đăng nhập để confirm tuổi rồi thì có thể xem phim đen.
Trả tiền xong chủ motel sẽ đưa cho mình một gói nhỏ, trong đó có bàn chải đánh răng, dao cạo, sữa rửa mặt, tăm bông v.v và dĩ nhiên không thể thiếu condom. Có nhiều chỗ cho thêm sữa yaua uống để tăng năng lượng. Trong phòng tắm ở motel đó giờ mình thấy đều có sữa tắm, dầu gội, lotion dưỡng da đầy đủ nhưng mình không dùng vì 1 là thích dùng loại mình đã quen mùi, 2 là ngại mùi của mấy loại này nồng nàn quá. Ở Đông Nam Á, khách sạn nhà nghỉ tầm 2 sao 3 sao trở xuống phải tự mang theo dầu gội, sữa tắm, lotion… nhưng ở Hàn hoặc Nhật thì dù bạn ở guesthouse, AirBnB, nhà hanok truyền thống hay motel đều có sẵn, nhiều khi có cả kem tay, kem chân. Chỉ có lần mình đi khách sạn gì ở Daegu và Hilton ở GyeongJu, là 5sao nhưng không có gì cả.
Tới lúc đặt lưng lên giường nệm mới nhớ ra là cả ngày hôm nay chưa ăn uống gì đàng hoàng cả. Nên phải nghĩ đến việc ăn.
Hàn Quốc là thiên đường của dịch vụ delivery. Các món được delivery nhiều nhất là gà bia (chimeak), dạo gần đây đang rất nổi tiếng ở Sài Gòn, và các món-Hoa-chỉ-có-thể-tìm-thấy-ở-Hàn như jajangmyeon (mì đen), ăn với jambong (mì hải sản), mandu (há cảo chiên), t’angsuyuk (thịt heo chiên với sốt chua ngọt)…
Chỉ cần mở apps lên, tìm khu vực Busan và chọn menu là thức ăn được giao đến trong vòng 30 phút. Ở Hàn khi đã giao hàng là giao tới tận phòng khách sạn luôn. Ở nhiều chỗ, nếu giao trễ hơn 30 phút thì khách hàng được giảm giá, hoặc thậm chí là free, nhân viên giao hàng sẽ bị phạt. Đời sống palli palli gấp gáp như thế thật là áp lực cho những người làm dịch vụ, nhưng với khách hàng thì dịch vụ của Hàn là thoải mái, tận tình và nhanh chóng nhất. Nếu không biết tiếng Hàn thì có lẽ hơi khó trải nghiệm dịch vụ này vì đa phần các apps không hỗ trợ tiếng Anh, nhân viên gọi confirm order cũng hiếm người nói tiếng Anh tốt.
Combo mình order là 2 phần mì jambong và set mandu-thịt heo chiên nhiều ứ ự. Vừa mệt vừa đói nên húp mì sì sụp, ngon ngất ngây.
Ăn no nê rồi thì đi ngủ. Ngày hôm sau bọn mình sẽ đi đảo Jeju (đọc thêm Kinh nghiệm xương máu khi du lịch tự túc đảo Jeju trên Blog du lịch The Nomad Queen). Vừa hồi hộp vừa háo hức không biết thiên đường Jeju có gì hay đang chờ mình. Và cũng bắt đầu thấy mệt mỏi trước mùa đông lạnh lẽo. Công việc thì liên tục réo gọi.
Pingback: Mình đã làm gì suốt một tháng mùa đông ở Hàn Quốc? (P2) – THE NOMAD QUEEN