Đi hiking Milford track về xong thấy thích núi rừng New Zealand quá! Thiên nhiên xứ sở Chúa tể những chiếc nhẫn thật tuyệt đẹp, và nếu ngắm bằng mắt thật, bạn sẽ thấy đẹp hơn phim rất nhiều. Phát hiện ra sở thích đi bộ dài ngày mới thật là hay ho, nên mình càng muốn đi nhiều nơi hơn nữa. Vừa đi Milford về xong mình tìm hiểu thêm về hiking ở New Zealand và book luôn Routeburn.
Thông tin sơ về hiking Routeburn trail
Routeburn là 1 trong 3 track nổi tiếng nhất ở Fiordland National Park (Milford đã kể trong bài trước, Kepler sẽ kể sau), lúc nào cũng fully booked từ khi DOC mở bán vé. Link chi tiết của trail này tại link
Bắt đầu ở Routeburn Shelter và kết thúc ở Divide, có thể đi hướng ngược lại, dài 32km, có 4 hut để nghỉ đêm. Bình thường người ta đi 2-4 ngày tuỳ tốc độ, bạn có thể tự tính toán khả năng của mình để ngủ chỉ 2 hay 3, 4 đêm. Thằng Đức roomate mình đi trong 10 tiếng, thấy kinh rồi, gặp chị Nhật kia chạy từ đầu này sang đầu kia trong 4 tiếng để làm car relocation service cho hikers! Khiếp luôn.
Routeburn track Shelter ở Glenorchy, cách Queenstown 1h20p lái xe. Nếu không đi multiday hike được thì vẫn có thể hike một đoạn rồi về trong ngày.
Nên book 1 hoặc 2 tuần trước hoặc sau great walk season để tiết kiệm tiền (vé bunk bed ở hut thay vì 68 đô thì chỉ còn 15 đô khi out of season) mà thời tiết thì vẫn còn đẹp, chưa quá lạnh.
Vì trong greatwalk season vé mắc quá, nên mình book ngay vừa sau great walk season để tiết kiệm. Cuối tháng 4 vẫn là mùa cao điểm mà mưa và tuyết đột ngột, thấy hơi lo, may sao tuần đầu tháng 5 thời tiết ấm lại, nắng suốt mấy ngày mình đi, ấm hơn tháng 4, thật là may mắn. Fiordland National Park nổi tiếng là mưa và tuyết rơi thất thường, nên ngay cả trong mùa cao điểm, đôi khi vẫn bị mưa, mây mù. Tuy nhiên hiking trong mưa vẫn có cái thú vị của nó, cũng vui lắm ạ.
Ngoài mùa hiking thì trong hut sẽ không còn ga và bếp cho khách dùng nữa, nhưng bạn có thể mua 1 cái hiking stove nhỏ (chỉ khoảng 20~30$), 1 bình ga. Còn trong kho vẫn có củi nếu bạn đi gần great walk season nên vẫn có thể dùng củi đốt fireplace trong lán để sưởi ấm.
Các anh chị nào chưa có kinh nghiệm multiday hike mà dự định leo vào mùa đông để thấy tuyết thì HOÀN TOÀN KHÔNG NÊN. Các track ở đảo Nam NZ trong mùa hè vẫn có tuyết do độ cao trên 1200~1600m. Hiking mùa đông chỉ dành cho những người đã có kinh nghiệm, vì tuyết rơi dày, dễ bị mất phương hướng, nhiều người đã leo rồi bị isolated, may mắn thì được cứu, còn không đã có trường hợp mất mạng.
Routeburn track có camping site (thay vì chỉ có hut như Milford) nên ai muốn tiết kiệm thì nên mua lều 3 season rồi cắm trại
Hướng dẫn packing list cho người mới đi hiking ở NZ https://thenomadqueen.com/hiking-new-zealand-mua-dong/
Hướng dẫn cách relocation xe hoặc rideshare
Vì track có điểm khởi hành và kết thúc ở hai nơi khác nhau, không phải là loop (đường vòng cung) nên 1 là bạn thuê xe buýt drop off/ pickup (liên hệ DOC hướng dẫn). 2 là tự lái xe.
Bạn có thể tự lái xe tới đây rồi thuê dịch vụ car relocation dời xe của bạn tới điểm kết thúc để vừa kết thúc thì bạn có xe để chạy về luôn. giá tùy thời điểm, tầm 150~200$. Muốn tiết kiệm, thì có thể lên các group hiking ở NZ, thỏa thuận với những nhóm cũng cùng hiking track này cùng ngày, để sắp xếp rideshare cho nhau. Nói cho dễ hiểu là vd bạn có xe A , nhóm/người kia có xe B, thì cả 2 xe A&B cùng tới một điểm, packing xe A, rồi xe B chở mọi người về điểm khởi hành, đậu xe B ở bãi, cùng hiking track tới điểm kết thúc, bạn lấy xe A của bạn chở nhóm kia về điểm khởi hành để họ lấy xe B. Hai nhóm chia tay nhau, giúp nhau tiết kiệm tiền car location và biết đâu tìm được hiking buddy.
Nhật kí hành trình hiking Routeburn trail ở New Zealand của Quyên
Routeburn Shelter ở Glenorchy, cách Queenstown nhà mình một tiếng 20 phút lái xe. Mình đến văn phòng DOC ở Queenstown thì được giới thiệu vài hãng xe, gọi hỏi và được báo giá 45 đô, thấy cũng ổn, book, nhưng rồi nghĩ lại thấy mình đang vừa có (ít) tiền vừa có (nhiều) thời gian thì tốt nhất là xài thời gian cho nó đỡ tốn kém. Vả lại vừa hết mùa cao điểm, lại nắng đẹp, nên dân tình hẳn là sẽ đi rần rần. Thế là huỷ bus để hitchhike (xin quá giang).
Từ Queenstown lên Glenorchy mình được một xe du lịch của các cụ Thượng Hải cho quá giang. Các cụ già đi ngắm cảnh, lái xe 20 phút dừng lại 10 phút xuống xe chụp hình, rồi lại đi. Hỏi thăm anh tài xế đẹp trai cool ngầu như Tae Yang, anh có hay pickup hitchhiker không?, ảnh bảo ảnh lái xe tour thấy hitchhiker sẽ hỏi ý khách, nếu khách ok thì anh hốt. Cool ngầu, tốt bụng, lại đi guide khách TQ như anh thì chắc giàu () thế mà mình quên xin contact!
Xe dừng ở Glenorchy town, cách shelter 25km, lúc 11h30 trưa. Mình cứ đi bộ về phía shelter, vừa đi vừa giơ tay hitchhike, mà chả xe nào dừng lại. Lo lo là ít xe đi giờ này, gọi cho thằng em bảo có gì chị đi bộ tới nơi, ngủ ở shelter rồi mai chị đi Routeburn track sớm. Thằng em bảo thôi mẹ về Queenstown book xe bus mai đi chứ thấy phiêu quá. Mà mình nghĩ còn sớm, cứ đi xem như nào. Đi mãi 1 tiếng thì có một bác lái xe tải chở vật tư xây dựng cho lên, bác bảo thấy tụi backpacker như bây nhiều lắm, rảnh là tao hốt hết, cũng đi đường đó tốn nhiêu đó xăng, tội gì không pick. Yêu bác quá, nhờ có bác mà NZ là thiên đường của backpacker. Bác cho đi tầm mười mấy cây đến ngã ba Kinloch-Routeburn Shelter thì cho xuống, bác đi về phía kia, mình đi về phía track, còn tầm 6-7km thôi.
Lại đi tiếp tầm 1 2 cây, nắng chang chang, vừa đi vừa kiên nhẫn, vừa nghi ngờ bản thân, vừa nghĩ có mấy chục đô, đáng bao nhiêu mà mình phải tự hành như này, rồi lại nghĩ khi cancel bus mình đã lường trước việc này và đã chấp nhận. Chính mình muốn chuyến đi thử thách và không thể lường trước, hơn là có xe đón đưa tiện nghi cơ mà… Nhiều suy nghĩ mông lung xẹt qua xẹt lại, may sao có một cặp Úc đi ngắm thác nước gì gần đó, cho lên xe, và chở mình tới nơi luôn. Đường vào shelter quanh co khúc khuỷu, họ luôn miệng bảo ôi Chúa ơi sao mà mày đi đường này được… kiểu gì cũng ôi Jesus ơi… Mình bảo đi hiking đường còn khó hơn ý chứ. Thế là 2h tới được Routeburn Shelter và vào track.
Tới Routeburn Falls Hut lúc 5h rưỡi chiều, chủ yếu là băng rừng và trèo lên đồi cao. Mèn ơi, chưa thấy cái hut nào có view ngắm núi tuyết đẹp, phòng đẹp, nhà bếp đẹp, nhà vệ sinh cũng đẹp như thế. Nhiều người bảo thích NZ vì đây là thiên đường hiking, ở nước khác phải tự mang lều cắm trại, còn cơ sở vật chất ở hut bên này thì miễn chê. Nơi cơ bản nhất (basic hut) cũng là nhà gỗ chắc chắn, giường tầng vững chãi. Còn service hut thì tiện nghi vô cùng. Mùa cao điểm còn có gas và điện nên giá mắc, mùa thấp điểm thì phải tự mang gas và stove. Nhưng hut này đặc biệt, hết mùa cao điểm vẫn có điện nước. Mà chỉ có 15$! Bảo sao thích ở trong rừng hơn!!
Sáng hôm sau đi từ Falls Hut về phía Lake McKenzie Hut, cảnh đẹp nhất trong chuyến đi. Đi qua hồ nước trên núi, rồi lên Harris Saddle là điểm cao nhất (chỉ tầm 1200m), hơi có đá tuyết đến cổ chân nhưng đi khá dễ không cần gear mùa đông.
Từ đây qua một quả núi là đường đi đẹp và lộng gió nhất. Cảnh khá giống Milford nhưng hôm nay trời quang nên thấy được núi và thung lũng Hollyford phía dưới. Qua quả núi thì thấy được thung lũng có hồ Mckenzie phía dưới, nước xanh như ngọc bích!
Lội được xuống hut rồi thì cũng tầm 5h chiều, gặp hai cặp đôi Pháp, một cặp vô cùng dễ thương vui vẻ, một cặp thì quái dị, vô bunkroom mà còn xxx ý, lúc 8h rưỡi tối, mọi người vẫn đi qua đi lại hoặc nằm trên giường đọc kindle, mình ngứa tai quá bảo bunkroom kia còn trống, tụi mày thích thì vào ý, mà nó chả quan tâm, chỉ giảm âm lượng lại ý. Sáng hôm sau cặp đó đi rồi, mọi người ngồi kể mãi, bảo thích thì vào mấy cái hut mà người ta không ở nhiều (như hut đầu và cuối track, vì gần quá ít ai ở lại)… èo! Gặp bạn Mĩ kia, thích leo núi, ngủ trong rừng, cứ bảo tao mà thấy là tao chiếu đèn vào rồi bảo chúng mày ngừng ngay! haha
Mình thì thích cái hồ quá nên mãi 1h chiều mới lượn đi, vì từ đó đến hut cuối (Howden hut) chỉ còn 4 tiếng, tới Divide (end point) thì 5 tiếng thôi. Đinh ninh là sẽ có người ở lại Howden Hut, ai dè tới nơi, lúc 5h chiều, trời chập choạng tối, mới thấy có mỗi mình ở lại đây. Cứ nghĩ cặp Pháp kia cũng sẽ ở lại để còn xx trong rừng chứ. Mà chả hiểu sao mình cũng không thấy sợ. Chỉ nghĩ từ đó về Divide thì trễ, tối, khó hitchhike về Te Anau (1 tiếng lái xe) và về Queenstown (cách Te Anau 2 tiếng) được. Nên ngủ lại là giải pháp an toàn, ấm áp, lại là trải nghiệm mới hơn. Với lại mấy guru Ấn Độ, Nhật, TQ… còn vào hang vào rừng tu thiền được, mình ngồi trong hut tiện nghi một mình thì khó gì! Nghĩ vậy nên ngủ lại.
Rừng ở Routeburn track nói riêng và NZ nói chung an toàn, chả có rắn rết, côn trùng gì, có mỗi chim, nên chả lo mấy. Thay vì ngủ trên bunkroom thì mình kéo nệm xuống trước lò sưởi ngủ. Nằm đọc Harry Potter như này mới thích chứ! Vì ngủ sớm nên nửa đêm dậy, nghe tiếng chim kêu ở ngoài cũng giật mình nhẹ, nhưng lại thôi chả sao. Túi ngủ ấm đến nỗi ở trong mình còn thấy nóng.
Sáng hôm nay, ngày về, trời mưa, âm u, lên key summit lẽ ra phải thấy cảnh núi và sông băng rất đẹp, nhưng mình chả thấy được gì cả, chỉ thấy một màu trắng xoá. Ba hôm trước thì nắng ấm và lúc leo còn thấy nóng, phải bỏ bớt các lớp ra. Rất may mắn vì tuần trước mưa và tuyết đến mức một số đoạn phải đóng, và từ hôm nay trở đi tới hết tuần thì mưa liên miên.
Từ bãi đậu xe ở Divide mình gặp cặp vợ chồng người Úc Joe – Jenny đi nature walk một ngày cho đi về tới Te Anau, từ Te Anau, mưa dầm, mình đứng hitchhike tầm 10p thì một cặp đôi người Mĩ đi qua mình rồi, còn vòng xe quay lại đón mình về Queenstown! Họ đi NZ chỉ 4 ngày thôi, mới lái xe từ khúc Queenstown xuống Milford Sound và đi ngược về, đã đi nhiều nước ở châu Âu rồi, mà bảo NZ là nước có thiên nhiên đẹp nhất họ từng đến. Lúc anh chồng xuống xe mua pizza và kem, chị vợ tên Andrea bảo kì nghỉ dài nhất của chị là 4 ngày, từ lúc cưới anh Sam chị mới đi du lịch 2 tuần, với chị đã là quá dài rồi, chị không biết đi vài tháng, cả năm như thế nào nhưng chị rất muốn có dịp đi như thế. Và chị bảo you are so cool to travel like this.
Mình nghĩ bụng cool gì chị ơi, em cũng bình thường hà ?
Xem thêm nhiều hình ảnh và clip về hut nghỉ đêm khi đi trekking tại link này nhé.
Pingback: Milford Track
Pingback: Những điều cần biết trước khi đi working holiday Úc và NZ -