Vì sao mình thích leo núi? Vì sao cần phải luyện tập? Vì sao có những người luôn đi đến cùng mọi việc dù nhàm chán đến mấy?
Hôm qua mình tám với hai chị bạn Đài Loan về chuyện leo núi.
Bọn mình từng ở chung nhà hồi hái blueberries ở Roxburgh, một trong các roomate của mình tạm gọi là Sasa (vì bạn ấy cũng trong friend list nên mình dùng tên khác). Sasa và hai ba bạn cũng cùng nhà, đi leo Roys Peak ở Wanaka (cách Queenstown 2 tiếng lái xe). Roys Peak là một cung trek không khó nhưng hơi nhọc vì suốt 4 tiếng phải leo dốc và hoàn toàn không có đoạn nào phẳng. Khi mọi người bắt đầu leo được 15 phút thì Sasa bảo mệt và không đi nữa, về xe nghỉ và chờ những người còn lại 7 tiếng (4 tiếng lên 3 tiếng xuống) rồi về.
Câu chuyện làm mình nhớ lần đầu tiên treking của mình, là băng rừng nguyên sinh trên núi ở Cameron Highland. Giờ thì thấy dễ ợt (vì cung đó dễ thật), nhưng lần đầu làm việc gì cũng gian nan. Mình leo rất chậm và đuối sức, lại chả biết mà mang theo nước, snack bar… Mấy bạn đi cùng cứ dừng lại chờ, nên bảo họ cứ đi trước, mình tự đi được, vì không muốn phiền người khác. Mình đi theo tốc độ của mình, rất chậm, mệt thì nghỉ khi nào hết mệt thì đi tiếp. Nhiều lúc cũng nản, nghĩ bụng hay quay lại, nhưng đã đến rồi thì mình muốn leo đến đỉnh, muốn đi đến tận cùng và trở về. Mình biết cơ thể chưa đuối đến mức không lết nổi nên không từ bỏ một cách dễ dàng. Lần đó mình đi có một mình, vẫn lội lên đỉnh rồi về được tới hostel, dù hơi lạc đường tí. Cảnh không đẹp mấy, nhưng mình vẫn thấy rất sảng khoái vì mình đã vượt qua giới hạn và không bỏ cuộc. Và từ đó mình có một sở thích mới là leo núi. Mình thích cảm giác đi trên đường, hơn là lúc leo đến đỉnh.
Chị bạn mình cũng kể chuyện, nhóm mười mấy người cùng đi trekking, trèo qua 2 3 ngọn núi. Nhiều người quen leo núi thì đi khoẻ, còn chị và hai người nữa thì khốn đốn lên bờ xuống ruộng. Anh trưởng đoàn thấy vậy bảo mày có muốn quay lại không? Nếu đi tiếp thì mất 4 tiếng, còn quay lại thì mất 1 tiếng rưỡi thôi, nhắm thấy mệt quá thì quay về.
Chị nói “Không! Đã tới đây rồi thì tôi phải đi đến tận cùng.” Phải dùng đầu óc, tinh thần để control cơ thể, phải nghĩ là mình đi tiếp được. Chị bảo rằng một khi đã có thói quen bỏ cuộc thì làm gì cũng dễ bỏ cuộc. Trong mọi việc chứ không phải chỉ việc leo núi.
Chị nói câu này quá hay và rất đúng những gì mình nghĩ. Vạn sự bắt đầu nan, nếu cứ mỗi lần gian nan lại bắt đầu nản thì bạn sẽ có thói quen thất bại. Thất bại là bỏ cuộc khi còn có thể cố gắng. Làm việc gì cũng cần cố 120% sức lực và đi đến tận cùng. Con người ta thành công hơn hay hạnh phúc hơn cũng là ở khả năng đi đến tận cùng của mọi suy nghĩ, hành động thôi. Đừng tự đặt ra một giới hạn rồi giam mình ở đó, rồi từ bỏ mọi nỗ lực.
Mình rất xúc động khi đọc một đoạn cuốn “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” của Murakami, ông viết rằng mỗi lúc chạy marathon, ông chỉ nghĩ làm sao để đưa chân này bước tiếp sau chân kia, cứ như thế thôi, dù mệt mỏi và đuối sức cỡ nào, ông luôn tập trung tâm trí để đưa chân này bước tiếp theo chân kia, rồi cũng về đích. Đại ý vậy. Đó là thiền, đó là ý chí sắt đá.
Ban đầu khi nghe câu chuyện của Sasa, mình nghĩ thật tiếc vì cô bạn từ bỏ một cảnh đẹp. Nhưng nghĩ lại, nếu cô bạn không tiếc, hoặc do sức khoẻ thật sự không cho phép, và nếu bạn vẫn happy với việc không leo núi, thì đó cũng là một thái độ mà bạn lựa chọn, mắc gì mình phải tiếc dùm. Mình không nhận xét và cũng không tiếc mướn làm gì nữa.
Có lẽ với mình, với chị bạn kia, với những người thích leo núi, chạy, kiên nhẫn học một thứ gì đó cho tới cùng, lập đi lập lại một việc nhàm chán, dù mệt mỏi, dù thất bại. Đam mê không quá quan trọng và cần thiết, quan trọng là sự rắn rỏi và kiên nhẫn. Niềm hạnh phúc ngọt ngào đến từ những nỗ lực nhỏ bé để nới rộng giới hạn của bản thân.
P/s: mình đi Roys Peak 2 lần, một lần để ngắm mặt trời lặn, một lần để ngắm mặt trời mọc. Roys Peak rất đẹp và đáng đi dù là ở bất kì thời điểm nào. Dân du lịch bụi New Zealand đến đây rần rần để leo và ngắm cảnh. Nếu có dịp đi đảo Nam New Zealand thì rất nên leo núi vì chỉ có ở trên núi mới thấy được những cảnh đẹp nhất của xứ sở thần tiên này.