Cung đường Hà Giang vốn là một trong những điểm đến mình mong ước từ lâu nhưng toàn lỡ hẹn. Tháng 11/2019 mình đi xuyên Việt từ Nam ra Bắc bằng xe buýt kết hợp xe máy, ban đầu định không lên Hà Giang, nhưng lúc đến Hà Nội thì đổi ý định và đi Hà Giang một chuyến, mình chưa tìm hiểu gì về Hà Giang và thật tình là mình rất may mắn khi gặp nhóm bạn trên xe buýt đêm từ Hà Nội đi Hà Giang. Các bạn rủ mình tham gia nhóm và mình đã có một chuyến đi hết sức tuyệt vời. Hà Giang mùa tháng 11 quả thật là đẹp với hoa tam giác mạch. Cung đường thì hiểm trở và mình may mắn vì tham gia nhóm vì các bạn gái lái xe cứng ghê luôn, chứ gặp mình tay lái yếu thôi.
Các bạn nào muốn đi tour nhóm nhỏ với tour guide thân thiện dễ thương thì tham khảo lịch trình tour Hà Giang từ TP.HCM của Lê Đình Sỹ, giá cả cũng hợp lý. Bạn này cũng tổ chức nhiều nhóm đi các tỉnh cao nguyên miền Bắc, Lào, Thái, Bali nữa.
Lịch trình chi tiết từ TP.HCM đi Hà Giang
Ngày 1: Từ TPHCM – Hà Nội – Hà Giang
Từ TPHCM bạn có thể đặt máy bay tới Hà Nội rồi đi Hà Giang trong ngày hoặc ở Hà Nội một hai đêm trước khi đi, tùy nhé. Hiện có xe buýt 109 đưa khách từ sân bay Nội Bài tới bến xe Mỹ Đình và ngược lại, giá vé tầm dưới 10k thôi.
Như cư dân mạng đồn đại, nhà xe buýt uy tín nhất từ Hà Nội đi TP. Hà Giang là Hải Vân. Nhà xe có hai chuyến buổi tối lúc 8h và 8h30 xuất phát từ bến xe Mỹ Đình, chuyến buổi sáng thì mình không đi nên không rõ, trước khi đi bạn nên gọi số điện thoại của hãng xe Hải Vân 19006776 đặt vé. Giá thời điểm mình đi T11/2019 là 200k.
Xe tới Hà Giang tầm 3h30~4h sáng, điện thoại hết pin nên mình hỏi một bạn giọng miền Tây dễ thương đi cùng xe để tra google maps tới nhà xe đã tìm hiểu trước trên mạng, thì bạn rủ tham gia nhóm luôn, như mình kể ở trên. Mình phải cám ơn Sỹ rất nhiều vì tổ chức tour rất tận tâm, chọn lọc khách, không mở nhạc ồn ào ầm ĩ, ăn nhậu lớn tiếng như các nhóm mình thấy ở Hà Giang. Mình xin lỗi nếu có đụng chạm ai nhưng có lẽ những khách du lịch gây ô nhiễm tiếng ồn là điều mình thấy rất không thích khi đi du lịch Hà Giang.
Ngày 2: Hà Giang – Đồng Văn
Sáng dậy sớm gói ghém đồ đạc rồi ra chọn xe. Bạn nên lấy những đồ thật cần thiết, còn valy túi to thì gửi ở TP. Hà Giang để khi đi đèo dốc đỡ cồng kềnh. Xe ở Giang Sơn rất mới và dịch vụ cực kì tốt, giá thuê bao gồm mũ bảo hiểm, tặng nước, áo mưa, miễn phí tắm rửa nghỉ ngơi. Mình đo đường nên làm rớt kính chiếu hậu và hộp đèn xe phía trước bị lệch hẳn nhưng chị chủ nhất định không lấy tiền sửa.
Điểm đến đầu tiên là tiệm phở chua trên đường với giá chỉ 30-35k. Phở chua rất tươi và lạ miệng, recommend cả nhà thử món này trước khi lên đường. Đường QL4C đi tới Đồng Giang qua dốc Bắc Sum, cổng trời Quản Bạ, nhớ dừng lại chụp hình núi đôi Quản Bạ nổi tiếng ở Tam Sơn.
Trên đường đi nhóm mình có ghé vào làng dệt vải lanh Lùng Tám, là nơi du khách có cơ hội tận mắt nhìn thấy các công đoạn dệt vải lanh, từ tước vỏ cây, cuốn nối lại thành sợi, se chỉ, dệt, nhuộm vải rồi vẽ hoa văn lên thành phẩm. Nhiều chị em trong làng cũng tranh thủ làm hàng để kiếm thêm thu nhập. Ai có thời gian ghé sang thì mua vài sản phẩm trong shop lưu niệm để ủng hộ người miền cao và duy trì văn hóa truyền thống.
Đường từ Quản Bạ tới Yên Minh ghé qua đồi thông rất đẹp. Bọn mình dừng ở đây ăn trưa và ngả lưng nghỉ trước khi đi tiếp dốc Thấm Mã – con dốc đẹp nhất và hiểm trở nhất mình từng biết. Đường quanh co khúc khuỷu mà rất hẹp nên ai cứng tay lái chút hẵng đi nhé. Mình bị yếu bóng vía nên ở yên sau thôi mà cũng rớt mồ hôi hột đọc kinh cầu nguyện suốt chuyến đi. Tháng 11 trời nhiều mây và sương nên không thấy được những đồng lúa chín dưới nắng vàng nhưng bù lại có hoa tam giác mạch xinh xinh.
Đêm này tụi mìn nghỉ tại thị trấn Đồng Văn. Nhà nghỉ ở Đồng Văn đa dạng, rẻ nhất là ở homestay (dạo này ở Việt Nam dùng khái niệm homestay cho nhiều nơi mà mình nghĩ là hostel hay hotel thì đúng hơn), một đêm tầm 70 -80k. Đồng Văn rất nhỏ, đi bộ 10 20p loanh quanh phố cổ là hết. Mình thấy người ở thị trấn có thu nhập ổn vì khách du lịch khá đông, siêu thị mini có hàng ngoại nhập đầy đủ, nhiều bạn ở xã chạy ra đi xe máy xịn. Dĩ nhiên không phải ai cũng thế, người nghèo thì rất rất nghèo…
Đặc sản ở miền cao là lẩu ngựa, thắng cố, cháo ẩu tẩu, bánh cuốn trứng (ăn kiểu miền núi dùng nước xương chấm), xôi ngũ sắc, thắng dền. Khoai lang ở vùng cao ngọt như mật, hơi mắc một tí (5-7k/củ) nhưng đáng thử ha.
Ngày 3: Đồng Văn – đèo Mã Pì Lèng – đi thuyền trên sông Nho Quế – Lũng Cú
Sáng ngày 3 bọn mình bắt đầu đi từ 7h để kịp lên đèo Mã Pì Lèng. Chưa đi chưa biết thế nào, đi về mới biết rất là gian nan. Đường quá nhiều mây và sương nên bọn mình không thấy được cảnh đẹp nhất của Mã Pì Lèng, chắc là Hà Giang muốn bọn mình phải quay lại hai ba bận đây mà.
Nhiều chị em người dân tộc làm khuân vác, mang cả bao tải, vác những vận to nặng dọc đèo và đi xuống hướng Mèo Vạc. Gặp mình các chị em hỏi mình có chồng chưa/ em có chồng rồi giọng lơ lớ nghe rất là dễ thương. Vùng cao nguyên đồng đá sát biên giới không trồng ra gì ngoài ngô khoai sắn, tới mùa đông thì rét buốt, trâu bò gà nhiều khi chết hết, nên nếu du lịch phát triển thì sẽ rất hữu ích cho người dân tộc ở đây. Mình cũng thích ở homestay sâu trong bản của người dân hơn là ở trong thị trấn vì ngoài thị trấn giàu có, sung túc hơn.
Vách đá thần nhìn cheo leo vắt vẻo nhưng thật ra khá dễ leo vì các mỏm đá cứng, chắc chân. Có điều ở đây các bạn “phượt thủ” chạy nhanh vượt người đi bộ (đa phần mọi người gửi xe ở ngoài rồi đi bộ vào cho đỡ kẹt xe) bấm còi ing cỏi, mở nhạc bằng loa chói tai RẤT phiền lòng người xung quanh. Nếu các bạn có đọc thấy bài viết này thì mong hạn chế ô nhiễm tiếng ồn để thiên nhiên và con người được thanh bình ạ.
Trưa tụi mình chạy tiếp tới Đồng Văn bar, nơi ăn trưa đẹp nhất Hà Giang! Từ đây các bạn có thể ngắm sông Nho Quế rất rất đẹp. Ăn trưa ở đây hơi đắt hơn chỗ khác (cộng ăn và cafe tầm 100k/người) nhưng cảnh quan rất đáng tiền!
Ăn xong tụi mình không đi tiếp về hướng Mèo Vạc để kết thúc một vòng cung, mà quành về đi đường xuống sông Nho Quế, đi thuyền qua hẻm Tu Sản. Hẻm rẽ xuống sông dễ vuột qua khi lái xe nên các bạn chú ý ha. Con đường đi xuống đèo cực kì cực kì khó đi, là con đường dốc và khúc khuỷu nhất nhất nhất của chuyến đi luôn. Có nhiều xe ôm trên đường QL trước khi vào hẻm nên bạn có thể thuê xe đi nếu cần.
Một tiếng rưỡi đi thuyền trên sông Nho Quế, qua hẻm Tu Sản đẹp như tranh vẽ. Bên kia hẻm núi homestay và vài người đang chèo thuyền kayak. Lâu lâu thấy có bóng người dân tộc đang tìm củi/ đốt các ụ rơm hai bên sông, thật lãng mạn và yên bình.
Tối đó bọn mình ở tại hostel A Sùng ngay chân cột cờ Lũng Cú, ăn lẩu gà Tây Bắc cực kì ngon. Các bạn nhân viên rất dễ thương, khuyến mãi rượu ngô và khoai nướng cho khách say sương sương nữa. Chúc làm ăn phát đạt và tạo nhiều việc làm cho các bạn miền cao!
Ngày 4: cột cờ Lũng Cú – nhà vua Mèo – về Hà Giang – Hà Nội – trở về TPHCM
Sáng ngày cuối cùng bọn mình lên cột cờ Lũng Cú check in điểm cực Bắc của Việt Nam. Lên sớm nên không phải thay phiên nhau xếp hàng chụp hình và vẫn được ngắm cảnh đẹp của non nước dưới ánh sương mai.
Vòng về Hà Giang có ghé qua nhà vua Mèo, kì này bọn mình không ghé nhà của Pao (để dành lần sau sẽ ghé), mục đích là tới Hà Giang trước 5h chiều vì có hẹn ăn tối với tổ chức E4HG lúc 7h ở huyện Vị Xuyên. Tại đây mình có gặp vài bạn Tây Balo và các bạn Việt Nam đang sống và dạy học tiếng Anh, dạy du lịch có trách nhiệm cho bạn trẻ dân tộc Mông ở khu vực Hà Giang. Các bạn sau khi được tài trợ ăn học cấp 3, học tiếng có thể tìm được việc làm tốt hơn/ mở kinh doanh để phát triển bản làng.
9h xe đón nhóm bạn từ TPHCM về lại Hà Nội, và sẽ trả khách ở trước sân bay Nội Bài để đoàn đi máy bay chuyến đêm về Sài Gòn, kịp đi làm buổi sáng hôm sau. Mình rảnh nên đi tiếp tới Sapa, nhờ chị chỗ hostel Giang Sơn đặt cho xe Quang Tuyến, tới Sapa lúc 3h30 sáng. Kết thúc chuyến đi Hà Giang rất vui và nhiều kỉ niệm.
Lần sau mong có dịp đi qua những cung khác và ở lâu hơn để hiểu về cuộc sống người dân tộc vùng cao nguyên đá này. Chúc mọi người đi Hà Giang thật vui và lái xe an toàn!
Lưu ý gì cho chuyến đi Hà Giang?
– Áo khoác cản gió, mũ nón, kính râm, giày thể thao loại tốt. Đi mùa lạnh thì nên mang áo ấm, khăn quàng cổ. Nên mang khẩu trang vì đoạn đường bị đào xới rất bụi bặm.
– Làm ơn đừng mở nhạc ồn ào khi ở nơi công cộng, ở những điểm tham quan ngắm cảnh hay ở homestay buổi tối. Có nhiều nhóm mở loa rất ồn rất to và làm điếc tai những người xunh quanh, ai cũng phải ngoái nhìn ngao ngán, vô cùng mất lịch sự. Các bạn chỉ mở nhạc vừa đủ nghe và nếu có nhậu khuya thì lưu ý giờ giấc tiếng ồn ạ. Điều đáng buồn là ở Việt Nam mình chưa có văn hóa tôn trọng giới hạn chung/ riêng, giờ giấc. Bạn nào có đọc được dòng này thì xin hiểu là không phải ai cũng thích nghe nhạc loa to ồn ào của các bạn nhé ạ.
– Lịch trình tùy chỉnh, theo mình thì nếu đi ngắn ngày thì nên ở từ 2 -4 đêm trên cao nguyên thì thấy được nhiều cảnh đẹp hơn. Sinh viên mới ra trường, các bạn có thời gian thư thả thì tham khảo các tổ chức từ thiện ở Hà Giang để có thể trải nghiệm sâu sắc hơn về Hà Giang. Mình có một người bạn tên Dũng cũng từng đi working holiday Úc, vì quá thích Hà Giang nên ở tận 2 tuần, cùng cày đồng và ở lại nhà người dân tộc.
– Mang gì đi thì nhớ mang rác về để tránh làm ô nhiễm môi trường.
– Xin phép trước khi chụp hình người dân tộc.