30/9 là Ngày Thông dịch Quốc tế (lnternational Translation Day), được Liên đoàn Phiên dịch Quốc tế (FIT) đặt ra năm 1991. Đây là ngày giỗ Thánh Jerome (342-420), người đã chuyển ngữ Kinh Thánh sang tiếng La-tinh, được xem là vị thánh bảo trợ của giới dịch giả, hay tiếng Việt mình gọi là Tổ Nghề đó. Ngày này được FIT tổ chức kỉ niệm, họp hành hàng năm, mỗi năm có 1 chủ đề. Chủ đề của năm nay là The Changing Face of Translation and Interpreting.
Tự nhiên biết có ngày này, cũng thấy trong lòng lao xao, thấy yêu nghề hơn 1 tí.
Dịch cabin là một trong những trải nghiệm khó nhằn nhất trong đời đi dịch
Ra trường đi làm được vài năm, mới hiểu ra được một chân lý: trên đời này mình không thể sắp đặt được việc gì, tất cả mọi việc xảy ra với mình đều là ý trời, ý Chúa, là duyên số, định mệnh. Đôi khi bạn cứ nghĩ bạn lên kế hoạch để làm việc này việc kia, trở thành cái này cái kia… nhưng thật ra đã có bàn tay huyền diệu sắp đặt cho bạn rồi, bạn chỉ việc bước theo mà thôi.
Câu “nghề chọn người” cũng mang hàm ý như thế.
Chưa bao giờ mình nghĩ sẽ trở thành thông dịch. Nhưng đời đưa đẩy cho mình đến với nghề dịch đó!
Đi dịch, đi dạy tiếng Việt/ Hàn lần đầu là vào học kì 1 năm 3, chủ yếu nhờ các anh chị năm trên bận, nhường việc cho mình, lọt sàng xuống nia.
Thời điểm mình ra trường thì giới thông dịch tiếng Hàn cũng bão hòa, nhưng may mắn được vin vào cái tên trường (vì người HQ trọng danh tiếng, hay ưu tiên trường chuyên lớp chọn), rồi thầy cô anh chị đi trước nên cũng có mối đi dịch, đi dạy lai rai.
Vì tính chất nghề nghiệp của nghề dịch nên mình cũng gặp đủ loại người, thượng vàng hạ cám, học được nhiều điều về “đời”, về các ngành nghề, đủ loại sản phẩm mua vào bán ra. Cũng nhờ đi dịch mà mình được đi nhiều nơi, nay tỉnh này mai tỉnh kia, ra vào quan trường cũng có, có lần vào cả… nhà tù ;).
Làm với các ông lớn, các nhà đầu tư thì học được cách họ đánh giá và nhìn nhận về kinh tế xã hội VN, cách làm ăn thương thảo, quản lý nhân viên; làm với con buôn thì học nghề buôn, cũng nghe bao nhiêu câu chuyện của cô dâu VN, chú rể HQ, dân xuất khẩu lao động,…
Vui nhất là dịch cho đoàn từ thiện, đi giao lưu sinh viên, nhưng chả giữ liên lạc với ai tới giờ :))), nhiều mối tình giữa các anh sinh viên Hàn và các chị em ngành Hàn ra đời từ đây, có cặp chia tay, có cặp yêu tới giờ, có cặp đã cưới :))
Thích nhất là các lần đi dịch hậu trường concert, quay phim ảnh các kiểu (coordi), ì ven nghệ sĩ ỳ xèo, việc cực nhưng vui, tiền thì cũng vậy. Sô bít HQ phát triển là thế nhưng cũng chỉ có 1 vài agency tiêu biểu, bấy nhiêu chuyên gia, bấy nhiêu gương mặt uy tín, có anh T thông dịch được nhiều đạo diễn thích, có ô dù, đi làm sô toàn được đặc cách ngồi sau sân khấu quá oách xà lách. Thông dịch cũng được đặc cách hưởng tiêu chuẩn của staff, bánh kẹo, đồ ăn fan gửi tặng cho nghệ sĩ, dĩ nhiên nghệ sĩ không ăn (vì còn hát hò, sợ độc, vv) nên staff chia nhau hết.
Nhàn nhất là dịch hội chợ, gặp hội chợ mĩ phẩm, thời trang, ẩm thực thì nói khản cổ cả ngày. “May mắn” đi hội chợ cơ khí, máy móc chuyên dụng thì đỡ hơn, khách đa phần là người có chuyên môn sâu, ít hỏi nhiều, chỉ quan tâm giá cả. Nhiều khi gặp hội chợ ế khách, cả ngày chả có ai cũng chán, nhận tiền dịch nhưng lại thấy mình chẳng làm được gì có ích.
Dịch cho các “bác” là nhức đầu nhất. Vì diễn văn nào diễn văn nấy cũng dài dòng theo 1 kiểu: bên chúng tôi thành lập ntn, bao nhiêu nhân viên biên chế, bao nhiêu giải thưởng, xong tới lịch sử quan hệ ngoại giao Việt – Hàn vân vân xong cuối cùng chốt lại là welcome đoàn đến làm việc, ai dịch cho ngày chốt hạ, kí kết thì đỡ, vì xong xuôi hết rồi, dịch bàn thảo qua lại mới thấy bực, vì các bác cứ nói vòng vòng, hỏi A nói B, nhiều lúc nói tiếng Việt mà mình còn chả hiểu ế. Hiếm khi được dịch cho các anh, chú thế hệ sau này, ăn nói gãy gọn, đạo mạo, khôn ngoan (buồn quá, đeo nhẫn hết ròi, đâu ở không cho mình vớt haha)
Thông dịch cho sự kiện Lễ ra mắt Sản phẩm và Nhà phân phối chính thức của Tập đoàn Pantech tại Việt Nam
Làm thông dịch hay thì cũng hay nhưng cũng không phải không dở.
Dân HQ làm ăn ở VN lâu năm phức tạp. Người tốt kẻ xấu đủ cả. Loại tốt thì hơi hiếm, loại tào lao thì nhiều. Đầu năm ngoái làm concert kia, ban đạo diễn HQ và 2 thông dịch đang ăn cơm thì sếp HQ của công ty tổ chức sự kiện vào vỗ vai mình với anh T nói hai đứa mày từ mai ra ngoài ăn nha, chứ cơm ở đây tao đặt cho người Hàn ăn thôi à. ??? Tức muốn nghẹn nên mình cũng nước mắt cá sấu, anh T thì điềm đạm hơn, chuyện tới tai dàn staff và đạo diễn bên HQ, xin lỗi hai đứa rối rít, complain với bên kia. Công ty đó sau này cũng đủ chuyện nhập nhằng không tiện nói. Những việc như này, mình gặp nhiều, nhiều chuyện còn tệ hơn mà không tiện kể lên đây 😉 May mà mình mau quên, lạc quan, chứ không chắc không như này haha
Đi dịch gặp nhiều ông, nhiều bác, nhiều anh họ Hứa. Hứa mời sang HQ làm việc, hứa cho học bổng đi du học, hứa lần sau qua mua quà cho thế này thế nọ. Mình không ham của trời cho nên cũng chả mặn mà gì, ai nói gì cũng ừ ừ dạ dạ cho qua. Tui đẹp chứ đâu có ngu mấy pa nọi!
Nghe nhiều chuyện thông dịch bị sàm sỡ, bị dê, bị hỏi thăm “giá thông dịch bao 24/24 phải không?” há há, hay đi dịch ở tỉnh nửa đêm nghe tiếng gõ cửa =))) nhưng mình chưa bị lần nào =)), chỉ gặp 1 ông kia cà nhây cà nhây, thích nói chuyện bậy bạ, chứ chưa đụng tay đụng chân gì.
Nhiều ông keo kiệt, trả tiền thông dịch mà tính tỉ giá 19 20, ép giá… Dĩ nhiên mình không phá giá bao giờ, chỉ nâng giá thôi hê hê. Phá giá cũng là một chủ đề đang hot ?, vì người biết tiếng Hàn thì vô vàn, thợ dịch tay nghề vừa phải đủ xài (như mình) cũng nhiều, người giỏi in ít, người dịch cứng, kinh nghiệm lâu năm không bao nhiêu. Nhưng mình nghĩ never lower your price, they must reach your level, ai sao thì tự giữ giá đó thôi. Mình thì dốt mà chảnh dog. Phá giá không làm. Dịch tạp nham bậy bạ không làm. Khách ki bo kẻ cả không làm. Ế quanh năm ????
Cũng có thông dịch bị quỵt tiền dịch, nhưng số mình may hay sao mà chưa bị bao giờ, chỉ bị trả hơi chậm 😀 Đợt rồi ùm xèo chuyện vài thông dịch bị trả tiền chậm, gọi điện email không trả lời. Chả hiểu sao mình cũng dịch cùng đợt nhưng người ta lại trả đúng ngày (trả thiếu mấy trăm, gọi điện nhắc, hôm sau trả thêm ngay haha). Chắc tại mình đẹp chứ người ta mới gặp mình lần đầu đã biết mình là “ai”, hiền như nào đâu mà haha.
Nhiều người cũng rất hào sảng, đi dịch rồi mời về ăn tối, cho thêm tiền tips, tiền đi xe (phí giao thông), mua quà cho đủ thứ… không đòi hỏi bậy bạ gì.
Gặp nhiều vi ai pi giản dị gấp chục lần… nhân viên của họ, có bạn kia con gái tỉ phú HQ mà đi giày New Balance, áo thun polo, quần jean (giống mình, chỉ khác là pa nó giàu hơn), chị P khóa 08 kể chuyện gặp con trai chủ tịch tập đoàn S (không phải Samsung) top 10 HQ sang VN du lịch mà vô cùng giản dị, mập mập, dễ thương vui vẻ… thất cả cmn vọng vì đời không như phim Người Thừa Kế haha
Thông dịch là đứng phía sau ánh hào quang sân khấu. Ai thích nổi lềnh bềnh thì nghề không chọn đâu hen.
Mỗi thông dịch có 1 ngàn 1 vạn câu chuyện. Ngồi với anh chị em thông dịch nghe chuyện hoài không chán.
Tuy dịch nhiều lĩnh vực, gặp toàn chuyên gia, cấp lớn nhưng thật chất mỗi nghề chỉ học được chút chút, biết những thứ chung chung, lõm bõm, không chuyên sâu, nên cũng không đi đường xa được, kiến thức chỉ đủ chém gió là chính =)) cho nên mới nói, mới ra trường như dân ngành mình thì thoải mái, nhưng về lâu dài chỉ người có nghề, có chuyên môn mới phát triển trong sự nghiệp.
Thật ra mình không phải là người yêu nghề, dù thấy nghề cũng không tệ với mình. Chỉ cố gắng làm việc có tâm, hết lòng, làm sao để cầm đồng tiền không thấy ngại. Chứ dịch dọt như nào mà công việc không xong xuôi, hai bên còn khúc mắc, hợp tác bất thành mà vẫn cầm đồng tiền đi về được thì có gì đó hơi vô tâm. Hihi
Nói vậy chứ vạn sự tùy duyên, số phận đã an bài, mình cũng biết ơn vì nghề này mang lại cho mình nhiều thứ, nhiều cơ hội, vd như hay được đi ăn mấy nhà hàng ngon nhứt ở SG, biết thông tin này nọ lọ kia, cơ hội buôn thúng bán mẹt chẳng hạn hí hí. Dĩ nhiên cũng lấy đi của mình không ít. Được 1 mất 1, được 10 mất 10. Người ngoài nhìn vào thì chỉ thấy mình nhàn, sướng, chỉ có hội thông dịch mới hiểu nhau. Vả lại mình cũng dạng ít than, càng ít kể chuyện bực dọc cho gia đình, hạn chế kể lên FB. Dám chơi dám chịu mà, với lại không nên tốn thời gian năng lượng vào những việc làm mình bực bội 😉 Cũng phải như nào mà thông dịch tiếng Hàn cứ làm vài năm là bỏ nghề chứ. Nhiều tiền bối động viên: em còn trẻ, nếu được thì thoát Hàn đi nhé. Haha
Thôi tâm sự nhân dịp ngày thông dịch quốc tế tí thôi. Đa phần các bạn tìm đọc blog mình vì search tìm hiểu về ngành Hàn Quốc học, nên mình viết những điều đã trải qua cho các bạn hiểu thêm về nghề dịch – mà đa số mọi người sẽ làm sau khi tốt nghiệp ngành này.
Chị ơi em đang bị phân vân giữa hai ngôn ngữ Hàn và Trung ạ.Em tham khảo trên google cái nào cũng có những ưu điểm và khuyết điểm,bản thân em thì thích tiếng Hàn lắm ạ và cảm thấy mình có hứng thú với tiếng Hàn.Nhưng gia đình thì lại muốn em học tiếng Trung vì thị trường TQ đang đầu tư vào VN khá nhiều cơ hội có việc làm lại rất cao,tiếng Trung thì em chỉ có một chút hứng thú thôi ạ.Em thì lại hay xem phim Hàn và Trung nên nếu có học thì vấn đề nghe em nghĩ cũng không là trở ngại. Chị có thể cho em lời khuyên được không ạ ? ❤️
Em thử học các khóa ngắn hạn của hai ngôn ngữ này xem mình hợp với cái nào hơn. Thích và tiềm năng của ngôn ngữ là một phần, phải thử học thì mới biết được.
Pingback: Vì sao nên học ngành Hàn Quốc học? - THE NOMAD QUEEN
Pingback: Hàn Quốc học là gì? - Giới thiệu sơ lược về ngành Hàn Quốc học - THE NOMAD QUEEN
Pingback: Người Hàn Quốc không cởi mở, thực dụng và đề cao hình thức
Pingback: Làm việc ở Úc với mức lương cao khi là du học sinh
Pingback: Quản lý và đầu tư tài chính cho U25 - THE NOMAD QUEEN