Kể về những người bạn cùng hái blueberries và sống chung trong Commercial hostel ở thị trấn Roxburgh xa xôi hẻo lánh:
Cặp đôi Bỉ – Pháp
Hai chị người Bỉ và Pháp cực kì thân thiện và gần gũi. Chị Laurence là kiến trúc sư, chị Jessica là giáo viên dạy tiếng Pháp cho người nhập cư. Hai chị sống ở Bỉ trong căn hộ chung cư, có cuộc sống ổn định. Một ngày nọ, họ thấy sống ở Bỉ chi phí cao, đủ mọi loại thuế, thấy nhàm chán với cuộc sống hiện tại nên quyết định đi #workingholiday. Hai chị sống trong xe van, tắm nước lạnh, cắm trại ở free campsite – lối sống của nhiều dân du lịch bụi khi tới New Zealand vì chi phí du lịch, phòng nghỉ bên này đắt đỏ. Hai chị từng làm cỏ 2 tháng trước khi hái, và hái rất nhanh, là hai người Tây hiếm hoi trong top picker list toàn châu Á (nhiều nhất là VN).
Làm cả tháng với nhau mới biết hai chị cũng từng làm farm rau trên Richmond cùng. Hai chị nghỉ thứ 6 thì thứ 2 tuần sau đó mình vào làm. Thật ra nếu mình không bị lỡ chuyến bay thì mình đã đi làm từ thứ 4 và gặp các chị rồi. Đúng là duyên số! Trời đã định bọn mình phải gặp nhau, nên dù không gặp ở Richmond thì xuống tận Roxburgh vẫn phải gặp.
Người Pháp theo mình từng đọc về tính cách người châu Âu, là những người hay cằn nhằn và lười (chả nhớ đọc ở đâu), nhưng hai chị thì cực kì chăm chỉ, đầy tinh thần trách nhiệm và không hề câu giờ. Hai chị luôn bực mình khi thấy những người hái ẩu, bỏ nhiều trái không hái… Vì bọn mình đều là những người đi làm vài năm, làm quản lý nên lúc nào cũng có business-mindset, hiểu rằng nếu một người hái ẩu, bỏ trái, lầy lộ hái chậm thì công ty sẽ tổn thất như nào…
Chị bảo ở bên này thu nhập thấp hơn, công việc thì bình dị, nhưng chị thấy rất hạnh phúc. Hai chị đi du lịch và sống trong xe van, cắm trại ở free campsite, tắm nước lạnh, ngủ trong xe… Vì là top picker nên hai chị kiếm cũng khá và chi phí sống thấp nên tiết kiệm được nhiều hơn bọn mình rất nhiều. Bọn mình hay bị những người ở nhà bảo “you are so lucky because you travel alot”, “suốt ngày đi chơi, sướng ghê”,… nhưng mọi người không hiểu đi du lịch là sự lựa chọn và là lối sống, không phải là may mắn. Mọi người có thể chọn công việc ổn định, thu nhập tốt, nhà cửa, gia đình… Còn chúng mình chọn những công việc phổ thông bình thường, sống trong xe, trong hostel, miễn là có thể đi thật nhiều.
Mari và Pedro
Đây là hai người bạn đến từ Nam Mĩ. Mari người Brazil lai Ý, Pedro người Argentina. Cả hai cùng hái cherry ở Cromwell, hết mùa rồi rủ nhau xuống Roxburgh làm tiếp.
Chị Mari từng hái blueberry mùa trước ở Roxburgh, chị mến mình vì mình hay mát xa cho chị. Chuyện là ở Việt Nam cứ hai tuần một lần mình đi mát xa. Nếu làm việc căng thẳng và phải đi công tác liên tỉnh nhiều thì mỗi tuần mình đi một lần. Mình bị cuồng mát xa vì công việc khiến mình nhức mỏi về đầu óc lẫn thể chất. Sau này mình thấy lệ thuộc vào mát xa cũng không hay, vì mát xa xong thì một hai ngày sau mình vẫn thấy cơ thể căng thẳng và nhức mỏi. Sau đó mình tập yoga đều đặn hơn, tập thiền, thì thấy hữu hiệu hơn cả. Từ đó mình cũng ít đi mát xa và tập tự healing bản thân từ bên trong hơn. Thế nhưng lâu lâu đi mát xa, nằm thư giãn, nghe nhạc nhẹ, để bàn tay của các therapist chuyên nghiệp cũng hay. Thế nhưng sang NZ, một phần vì mắc nên mình ít đi mát xa, mà có đi thử vài nơi, thấy không hợp với các bài mát xa của bên này, nên mình ít đi hẳn.
Vì đi mát xa nhiều và thuộc các bài mát xa mà spa Việt Nam hay dùng nên khi bạn bè ai bị đau nhức gì mình cũng đè ra nắn bóp. Chị Mari thì cứ hay bị đau vai, đau lưng vì hái cherry nên mình thích mát xa cho chị. Chị cũng hay nấu đồ ăn Brazil cho bọn mình, chị nấu rất ngon, rất kĩ, tụi mình hay gọi chị là mama. Thời gian chị ở Commercial, lúc nào mình cũng trong tình trạng no ứ ự vì có chị nấu ăn cho (dĩ nhiên là share cost).
Mari và mình có cùng cách nhìn về cuộc sống, nhân quả, con người, chị cùng thấy những điều minh thấy, nên hai đứa chuyện trò rất hợp. Chị là một người chị lớn, hiểu biết và nhân ái. Chị muốn xây dựng cuộc sống mới ở châu Âu và mình tin với khả năng nói 2 3 ngoại ngữ, chăm chỉ, kiên nhẫn, chị sẽ hoàn thành ước nguyện.
Pedro cũng là người Brazil, nhỏ hơn mình một tuổi. Pedro sang NZ với working holiday visa từ năm trước, từng làm kitchenhand ở một công ty cung ứng suất ăn trên máy bay ở Queenstown và được chỗ này hẹn cho work visa sau khi bạn kết thúc working holiday. Pedro có bạn gái ở Brazil nhưng lại tên Ayumi vì sinh ra ở Nhật. Ayumi đang học massage therapist và sẽ sang sau với diện partnership sau khi Pedro đã có work visa. Hai người mong xây dựng cuộc sống ở New Zealand với nhau.
Cũng như Việt Nam, những người đến từ Nam Mĩ như Chile, Brazil, Argentina, Peru, Mexico, Columbia… có mức sống trung bình thấp so với New Zealand. Và working holiday là một cơ hội để đến chân trời mới, tìm công việc ổn định với mức lương khá hơn ở quê nhà. Người có nhiều tiền thì tìm cách nhập cư với diện du học, đầu tư; người có ít tiền thì đi với working holiday, lao động tay nghề… Các bạn Nam Mĩ cũng bị hạn chế số lượng đến New Zealand, mỗi nước chỉ tầm vài trăm, nên có một chiêu là trước ngày mở đơn đăng kí online, họ đến New Zealand với visitor visa, rồi ra internet café đăng kí. Đăng kí tại New Zealand thì tốc độ internet cũng nhanh hơn, nên có nhiều cơ hội hơn. Các bạn Việt Nam thử chịu chơi xem sao nhé (nhưng mình thấy với người Việt Nam, visa working holiday có vẻ còn dễ hơn visa visitor?)
Sharpay
Chị Sharpay người Đài Loan, công dân toàn cầu nửa vời chính hiệu. Tại sao mình nói như vậy? Vì chị thích đi du lịch, từng đi working holiday ở Úc 2 năm, đi Canada 1 năm, sau New Zealand chị muốn đi UK (Anh Quốc). Nhưng UK hơi khó vì họ bốc thăm, nghĩa là mấy ngàn người cùng bỏ tên vào đăng kí, rồi tầm vài trăm người được chọn ra, nên xác suất đậu thấp hơn nhiều so với hình thức ai nhanh nhất thì được.
Nói nửa vời vì chị đi nhiều và gặp nhiều người đến từ nhiều nền văn hóa, màu da khác nhau, nhưng chị chỉ quanh quẩn trong cộng đồng người nói tiếng Hoa (Đài Loan, Trung Quốc, Hong Kong, Mã Lai gốc Hoa, Sing) chứ chưa vượt ra vùng an toàn. Và đi working holiday New Zealand mới thấy, các bạn nói tiếng Hoa đều như thế. Có thể họ đi rất nhiều, nhưng vì ở đâu cũng có nhiều người nói tiếng Hoa (ngôn ngữ thông dụng thứ nhì trên thế giới) nên nhiều người ít rèn tiếng Anh hay ngoại ngữ khác. Vùng an toàn rộng quá đôi khi cũng rất khó vượt ra, nhỉ!? Các bạn working holiday Việt Nam cũng hay đi cùng nhau và mình thấy đi cùng với người bản xứ/ nói cùng ngôn ngữ có rất nhiều điều lợi, nhưng cũng có nhiều điều hạn chế (hôm nào rảnh viết về chủ đề này nhé).
Chị Sharpay là một người rất hiểu chuyện, chị cũng đi một mình, hòa đồng và hay giỡn với mọi người nhưng vẫn thích ở một mình, độc lập và tự chủ. Mình ngưỡng mộ cách chị đối nhân xử thế, ứng xử với mỗi người một cách khéo léo nhưng không hề giả tạo. Một điểm chung nữa: chị làm trong ngành giải trí, làm việc với nhiều ngôi sao ca nhạc, điện ảnh Đài Loan. Mình làm thông dịch và cũng làm nhiều chương trình, sự kiện trong giới Kbiz. Vì vậy nên chị và mình có nhiều chuyện để chia sẻ.
Người Đài Loan có rất nhiều cơ hội working holiday, họ có thể đi Úc không hạn chế số lượng người 1 năm, NZ, Anh, Pháp, Nhật, Hàn… Hộ chiếu Đài Loan thật quyền lực!
Glanys
Chị Glanys người Singapore. Singapore có nền kinh tế phát triển, đồng tiền có mệnh giá cao hơn đô New Zealand, mức lương tối thiểu cao hơn New Zealand, nên những người từ Sing đi New Zealand thật sự là muốn trải nghiệm, chứ chả phải do tiền nong, như các nước nghèo.
Chị có công việc ổn định trong bộ phận nhân sự 6 năm. Một ngày nọ thấy xấp xỉ tuổi 30 rồi, chị nhận thấy cuộc sống quá ổn định và an nhàn, thấy bản thân cần có một sự thay đổi, nên quyết định đăng kí visa working holiday. Nghe chị kể mà ham, chị chỉ cần nộp đơn online, hai ngày sau e-visa được gửi vào mail luôn, không cần phải nộp hard copy gì cả.
Chị từng du lịch New Zealand hai ba tuần cách đây 1 năm, mình thì nếu muốn vẫn có thể đi du lịch hai ba tuần một tháng khắp hai đảo Bắc – Nam. Điều khiến bọn mình muốn đi là vì tụi mình có những công việc rất nhức não ở quê nhà, lúc nào cũng căng thẳng với công việc, với khách hàng, đối tác, đồng nghiệp, cấp trên cấp dưới… Và cũng như chị Jesssica và Laurence mình kể ở trên, mức sống khá tốt, thu nhập cao ổn định khiến tụi mình happy nhưng nhàm chán. Tụi mình chấp nhận mức saving thấp hơn ở quê nhà nhưng có cơ hội sống ở nước ngoài, đi khắp đất nước xinh đẹp này, trải nghiệm nhiều công việc tay chân mà chắc chắn ở quê hương tụi mình sẽ không có cơ hội làm. Nhưng đổi lại tụi mình lúc nào cũng nhẹ nhàng về đầu óc (không xài nhiều nên đỡ nhức não, hehe), tiết kiệm vừa đủ để du lịch, gặp gỡ nhiều người, sống nhiều cuộc đời, nghe nhiều câu chuyện… Mẹ một chị bạn trong nhóm bảo muốn làm việc nhàn đầu óc thì về phụ dì bán hàng siêu thị này, trả lương cao hơn luôn, miễn là chịu ở nhà. Dĩ nhiên với những đứa gen D (đi du lịch, hehe) thì lời dụ dỗ ấy cũng như nước đổ lá khoai.
Chị Glanys chỉ muốn đi một năm đổi gió, rồi quay lại làm việc. Còn mình và những dân du mục khác thì thích đi nhiều, đi xa hơn. Nên tụi mình phải cố gắng đi làm, để dành, tiết kiệm để có thể đi được nhiều nhất có thể.
Nhiều bạn ở hostel, ở chỗ làm đều bảo trông mình có vẻ không nghèo, thế thì đi working holiday làm gì cho cực. Mình rất không thích câu hỏi này, vì bản thân mình không phải ngậm thìa vàng, thìa bạc từ lúc mới đẻ. Mình với chị từng tâm sự, có thể mọi người đến đây vì kiếm tiền, nên họ không hiểu những người đến đây không phải vì tiền. Mình nói thêm kẻo mọi người nghĩ bọn mình chảnh: đi vì tiền hay vì gì thì đó là sự lựa chọn của mỗi người, và không quan trọng với mình, mình không có ý xem thường những người đi vì tiền, hay đề cao những người đi không vì tiền, đi vì trải nghiệm. Mỗi người có một sự lựa chọn, có lối sống khác nhau và đừng so sánh. Miễn bạn hạnh phúc, mỗi ngày sống có ý nghĩa, ngày hôm nay bạn tài giỏi và thành công hơn CHÍNH BẠN trong quá khứ (chứ không phải hơn đứa ABC XYZ nào đó) là tuyệt vời rồi.
Hôm nào nhớ ra thì mình viết tiếp phần 2 nhé. Roxburgh và những người mình gặp ở đây đều rất đáng nhớ, theo một nghĩa nào đó, họ thật sự đã ảnh hưởng, bổ sung, thay đổi nhân sinh quan của mình ít nhiều.