Bắc Úc là nơi có tỉ lệ dân số thổ dân cao nhất trên toàn nước Úc. Theo bằng chứng khảo cổ học mới nhất, người thổ dân Úc đã sinh sống trên châu Úc ít nhất 65.000 năm, xác nhận rằng văn hóa bản địa Úc là nền văn hóa tồn tại liên tục lâu đời nhất trên thế giới. Nhắc tới Darwin Bắc Úc thì không thể không nhắc tới Kakadu National Park – công viên quốc gia Kakadu. Theo cá nhân mình, Kakadu National Park là nơi tất cả mọi tinh hoa của du lịch Bắc Úc tụ hội, vừa có cảnh thiên nhiên hùng vĩ hoang sơ, vừa có những điểm di tích văn hóa/ nghệ thuật/ khảo cổ học của người thổ dân Bắc Úc. Đây cũng là nơi mình làm việc 3 tháng để gia hạn visa working holiday năm 2018, và may mắn được đi tới từng ngóc ngách của công viên quốc gia rộng lớn này.

Kakadu National Park ở Bắc Úc có diện tích 19,8 ngàn km2, thu hút du khách bởi hệ sinh thái đa dạng, nhiều loài chim quý, những thác nước đẹp tuyệt vời như Maguk, Gunlom, Jim Jim Falls…, và đặc sắc nhất là những vách đá có hình vẽ (rockart) nghìn năm tuổi của người thổ dân như Nourlangie, Ubirr (điểm ngắm mặt trời lặn nổi tiếng). Trải nghiệm đi thuyền trên Yellow River ngắm nhìn hệ sinh thái nhiệt đới có gì đó rất thân thuộc với người Việt (gợi nhớ đồng bằng sông cửu long, với hồ sen, trâu, cá sấu…), đi scenic flights ngắm cảnh trên không trung, đi tour vào Anhermland là vùng rất riêng tư của thổ dân Úc và học nhiều về tập tục, cách sinh hoạt của người thổ dân… là những trải nghiệm mà người Úc và du khách quốc tế (đa phần là người châu Âu) rất thích thú khi tới Kakadu. Người Việt mình thường ít đi du lịch tới Darwin vì khá xa và vé máy bay khá đắt đỏ, nhưng nếu bạn có dịp tới sinh sống, làm việc và học tập ở Darwin thì rất nên dành thời gian tới đây trải nghiệm nha.

Kakadu National Park nhìn từ trên cao với Kakadu Air scenic flight

Thời điểm lý tưởng để tới Kakadu National Park Bắc Úc

Mùa khô ở Darwin nói riêng và Bắc Úc nói chung là tháng 5 đến tháng 9. Đây là thời điểm mà thời tiết mát mẻ, dễ chịu nhất, nhiều du khách tới Darwin và hầu hết các điểm tham quan ở Kakadu đều mở cửa. Bạn nên đặt phòng trước vì các khách sạn thường đông khách vào thời điểm này trong năm. Đây là thời điểm tuyệt vời để ghé thăm các thác nước hùng vĩ của Kakadu. Từ tháng 9 trời bắt đầu mưa nhẹ và khí hậu nóng dần lên nhưng vẫn có thể đi du lịch được. Mưa làm cảnh quan xanh tươi, lũ lụt ngoạn mục và cơ hội khám phá với ít du khách hơn.

Mùa mưa từ tháng 11 đến tháng 4, nước mưa khiến cho đường bị lụt, khiến một số điểm tham quan đóng cửa, nhưng những khu vực nổi tiếng như hẻm đá rock art tranh của thổ dân Burrungkuy (Nourlangie) và Yellow Water mở cửa quanh năm. Mưa bão làm các thác nước chảy ầm ầm hùng vĩ và tuyệt đẹp hơn, tuy nhiên không để đi xe vào các thác nước. Nếu có điều kiện đi các chuyến bay ngắm cảnh để ngắm thác nước từ trên cao thì bạn sẽ thấy cảnh rất đẹp. Lưu ý là thời tiết ở Kakadu nói riêng và Bắc Úc nói chung rất oi ả và nồm vào mùa mưa, nóng bức khó chịu.

Indigenous rockart – tranh vẽ trên đá của thổ dân Úc

Kế hoạch mở cửa công viên. Cảnh quan của Kakadu National Park Bắc Úc trải qua những thay đổi theo mùa đáng kể, không năm nào như năm nào và kế hoạch mở cửa từng địa điểm cụ thể trong Kakadu thay đổi dựa vào mực nước, khí hậu. Mùa mưa cá sấu có thể đi vào sâu bên trong những khu vực du lịch nên trước khi mở cửa ranger cũng phải làm croc survey để kiểm tra xem có cá sấu không, có an toàn để kháhc vào du lịch không. Trước khi tới Kakadu bạn nên xem Kakadu Access Report để lên kế hoạch du lịch phù hợp.

Tham khảo bài viết Cẩm nang du lịch Bắc Úc để tìm hiểu các công viên quốc gia khác ở Bắc Úc.

Phương tiện di chuyển tới Kakadu National Park Bắc Úc

Hầu hết các điểm đến chính ở Công viên quốc gia Kakadu đều có thể đi bằng xe thường (xe 4 chỗ, 2wd, awd). Trong lịch trình gợi ý phía dưới mình dùng xe 2wd để di chuyển, bạn sẽ thấy là không có 4wd vẫn có thể tham quan được rất nhiều nơi ở Kakadu trong 3 ngày 2 đêm. Tuy nhiên hầu hết các thác nước ở Kakadu đường hẻo lánh và gập ghềnh, cần phải đi bằng xe 4wd (landcruiser, prado…) ví dụ như Jim Jim hay Twin Falls.

Vì Kakadu rất rộng lớn, mỗi điểm đến ở Kakadu nằm cách nhau ít nhất 30 phuts~ 1 tiếng lái xe, nên tốn nhiều thời gian lái xe, khám phá hơn công viên quốc gia Litchfield. Nên dành ít nhất 3 ngày để khám phá những địa điểm chính của Kakadu, còn nếu muốn đi tất cả mọi ngóc ngách thì ít nhất 4~5 ngày và phải có xe 4wd nha.

Nhà hàng khách sạn/ cắm trại ở Kakadu

Ở Kakadu National Park có hai service hub, nghĩa là có nhà hàng khách sạn, trạm xăng, internet, siêu thị mini và các tiện ích cơ bản là Jabiru và Cooinda. Nếu muốn ở khách sạn thoải mái thì ở Jabiru có khách sạn 5 sao Mercure Kakadu Crocodile Hotel có hình dáng cá sấu khi nhìn từ trên không, Aurora Kakadu Lodge, còn Cooinda có khách sạn Cooinda Lodge Kakadu. Ở khu vực Jabiru có người dân sinh sống nên ngoài nhà hàng trong khách sạn thì còn vài nhà hàng nhỏ xung quanh. Cooinda thì chỉ có 1 nhà hàng trong khách sạn thôi.

Ở hai service hub kể trên đều có campsite tư nhân như Aurora Lodge, Anbikbik hay Cooinda nằm trong khuôn viên resort, bạn có thể sử dụng tất cả tiện ích như bbq, hồ bơi, máy giặt (trả thêm phí thường khoảng 4$ 1 load). Ngoài campsite tư nhân thì chính phủ Bắc Úc cũng đầu tư cho khá nhiều public campsite, rải rác khắp khuôn khổ công viên quốc gia Kakadu, rất tiện và tiết kiệm cho dân đi roadtrip. Không như Litchfield National Park, public campsite ở Kakadu không cần book trước trên hệ thống Park NT, ai tới sớm thì lấy chố trước (và campground rất rộng không sợ thiếu chỗ), trả tiền vào thùng thư ở trước mỗi campsite tùy vào lòng trung thực của camper chứ hiếm ai kiểm tra. Một số campsite có vòi tắm, toilet tiện lợi. Vào link để xem các campsite ở Kakadu và lên kế hoạch cho chuyến đi. Dưới đây Q sẽ làm lịch trình và những nơi Q đã ở để bạn có thể đi theo cho tiện nha. Bạn cũng có thể đi theo chiều ngược lại hành trình của mình nếu thích.

Lịch trình gợi ý/ những điểm đến đặc sắc nhất ở công viên quốc gia Kakadu Bắc Úc

Ngày 1: Darwin -> Bowali Visitor Center -> Cahills Crossing/ Guluyambi cruise -> Ubirr. Cắm trại ở Merl Campground hoặc Jabiru

Từ Darwin tới Bowali Visitor Center khoảng 250km mất 2,5 tiếng lái xe. Mình có thể lái xe từ sáng, ghé ở Coolalinga là trung tâm mua sắm lớn ở Darwin trước khi ra highway đi du lịch. Q cũng thường dừng chân ở đây mua cafe, đá và đồ ăn nước uống trước khi đi camping. Bowali Visitor Center mở cửa từ 8am-5pm mỗi ngày trừ Giáng Sinh, là cổng thông tin du lịch ở công viên quốc gia Kakadu, bạn nên ghé qua để lấy bản đồ khu vực, hỏi ranger về thông tin cụ thể. Trong đây có một quán cafe, bảo tàng nhỏ để tham quan, thư viện, và có cả quầy sạc pin/ điện thoại dành cho những người ở campsite công cộng không có nơi sạc pin đến dùng rất tiện.

Ngắm cá sấu tại Cahills Crossing. Có khoảng 10.000 con cá sấu ở Kakadu – và con số đó không bao gồm cá sấu con! Khu vực ngắm cảnh Cahills Crossing ở bờ phía tây của Sông East Alligator là nơi an toàn để ngắm cá sấu nước mặn Bắc Úc ngoài tự nhiên. Cá sấu nước mặn (Crocodylus porosus), loài săn mồi hung dữ nhất của Kakadu và là loài bò sát lớn nhất thế giới, tụ tập với số lượng lớn xung quanh con đê này để ăn cá đối và cá mú (barramundi) khi thủy triều tràn vào. Xung quanh khu vực này thường có khoảng 50 con cá sấu trở lên ở. Cuối mùa khô từ tháng 8 đến tháng 11 là thời điểm tốt nhất để ngắm cá sấu. Tùy thuộc vào thời tiết và thời gian trong ngày, chúng có thể ấm lên dưới ánh nắng mặt trời hoặc mát mẻ trong bóng râm hoặc dưới nước. Cahills Crossing cũng là đường nối vào Arnhem Land, tới cộng đồng Gunbalanya của người thổ dân Bắc Úc mà mình có thể làm một side trip cả ngày ở đây (Q cũng muốn có dịp tới cộng đồng này để làm việc với tư cách travel nurse – điều dưỡng thời vụ nha)

croc spotting- ngắm cá sấu Bắc Úc

Đi thuyền Guluyambi Cultural Cruise. Đây là một chuyến du ngoạn bằng thuyền độc đáo trên Sông East Alligator, ranh giới giữa công viên quốc gia Kakadu và Arnhem Land, vùng đất riêng của người thổ dân Bắc Úc. Trên thuyền, một hướng dẫn viên thổ dân sẽ kể chuyện về văn hóa, thần thoại địa phương, giải thích về cuộc sống trong cộng đồng thổ dân, cách sử dụng truyền thống các loại cây cối, thực vật và động vật cũng như các kỹ năng sinh tồn, săn bắn và hái lượm trong bụi rậm mà người thổ dân lưu truyền qua nhiều thế hệ. Mỗi thuyền kéo dài 2 tiếng, chở tối đa 25 khách, cho phép khách bước chân lên Arnhem Land đi dạo tham quan. Vùng đất này thuộc sở hữu và quản lý của traditional owners (cách gọi người chủ truyền thống của các điền trang gia tộc thổ dân). Mỗi ngày có 4 chuyến khởi hành lúc 9h, 11h sáng, 1h và 3h chiều. Mình gợi ý đi chuyến 3h chiều vì bạn sẽ về lúc 5h, kịp giờ qua Ubirr cách đó chỉ 2km để tham quan và ngắm hoàng hôn (thường hoàng hôn ở Kakadu tầm 6:30 chiều). Năm 2024 giá cruise là 84$/người lớn nha. Đặt tại link.

chụp hình kỉ niệm với anh tourguide thổ dân

Ubirr – ngắm rockart và hoàng hôn lãng mạn

Nghệ thuật tranh đá rock art – Tới đây, bạn sẽ hình dung được cuộc sống của người thổ dân từ thời đồ đá, khi thấy những vách đá lớn vốn là nơi người thổ dân từng trú ẩn. Ubirr nằm bên cạnh vùng đồng bằng với hệ thống động thực vật trù phú. Trên bề mặt đá nhẵn mịn ở Ubirr là hàng trăm tranh vẽ bằng đất sét có tuổi đời ước tính tới 5000 năm tuổi. Phần lớn tác phẩm nghệ thuật ở đây có cá, rùa, thằn lằn và các loài động vật làm thực phẩm quan trọng khác. Tại “phòng trưng bày” chính – vách đá lớn nhất ở Ubirr cò bức tranh về một con thylacine (hổ Tasmania, đã tuyệt chủng trên đất liền hơn hai nghìn năm trước).

Từ vách đá Ubiir cũng là nơi ngắm hoàng hôn tuyệt vời, từ trên đỉnh vách đá có thể nhìn thấy đồng bằng Nalab rộng lớn và những dải rừng nhiệt đới. Khi mặt trời lặn, những chú chim bắt đầu hót bài hát buổi tối, những chú chuột túi Wilkins lao vút trong bóng tối của vách đá để chuẩn bị cho đêm và những chú chim bói cá cánh xanh kêu lên để báo hiệu cho mọi người biết rằng chúng đã về nhà vào buổi tối. Người dân địa phương gọi đây là ‘tiếng gọi của Kakadu’.

Cắm trại ở Merl Campground ngay dưới chân vách đá Ubirr, đây là campground công cộng của chính phủ, có toilet, nhà tắm, bạn không phải đặt trước trên hệ thống booking campsite của NT như ở Litchfield. Ngoài ra bạn cũng có thể cắm trại ở các resort gần đó trong Jabiru (town chính ở Kakadu Nation Park).

Ngày 2: Ubirr -> Jabiru town -> Nourangie rock art->Mirray Look out walk -> Yellow River. Cắm trại ở Cooinda Lodge hoặc Yellow River

Jabiru town là thị trấn chính trong Công viên quốc gia Kakadu, với dân số chỉ khoảng 1000 người, đa phần là làm trong mỏ khai thác khoáng sản và làm nhà hàng khách sạn phục vụ du lịch. Town có tất cả các dịch vụ như siêu thị, nhà thuốc, thư viện… bạn có thể cần đến trong trường hợp lỡ quên một số vật dụng. Tuy nhiên mua đồ trong các shop của resort ngoài outback và Jabiru rất mắc nên bạn nhớ mua trước khi lên đường nha. Jabiru cũng có đồn cảnh sát, một club (club kiểu Úc là dạng pub của Mĩ, không phải club kiểu nhạc nhẽo nhảy nhót như VN nha hihi), phòng gym và có hồ bơi 50m, hồi còn làm việc dưới visa 462 ở đây mình cũng hay ra town chơi khi có ngày nghỉ. Nếu đêm trước bạn cắm trại ở Ubirr thì lái xe khoảng 30 phút về lại đường chính để tới Jabiru. Từ đây nếu có kinh phí, bạn cũng có thể đi scenic flight của Kakadu Air máy bay ngắm cảnh Kakadu từ trên cao, có 2 lựa chọn là 20 phút và 1 tiếng, mùa mưa đi scenic flight ngắm cảnh thác nước tuôn trào cực kì đẹp nha!

scenic flight ngắm cảnh Kakadu từ trên cao với Kakadu Air

Từ Jabiru hay Ubirr lái xe khoảng 20 phút là tới Nourlangie rock art, một điểm ngắm tranh vẽ trên vách đá khác và cũng đặc sắc không kém gì Ubirr mà bạn đi ngày hôm qua. Burrungkuy (Nourlangie) là một lý do khiến Kakadu được công nhận là Di sản Thế giới. Địa điểm nổi tiếng này, với những bức tranh đá tuyệt đẹp trên những hẻm đá ấn tượng, ghi lại cuộc sống và lối sinh hoạt của người thổ dân Bắc Úc, động vật và cá, được cho là đã tồn tại từ 5000~ 20.000 năm trước, ở đây cũng có những bức vẽ ghi lại lần đầu tiên tiếp xúc với những nhà thám hiểm châu Âu, như tàu buồm châu Âu cách đây chỉ vài trăm năm.

Sau khi đi qua những vách đá tuyệt đẹp, dẫn tới Kunwarddewardde look out, nhìn ra bao quát vách đá Arnhem Land ấn tượng với những vách đá sa thạch và rừng thảo nguyên rộng lớn. Hãy dành chút thời gian để lắng nghe tiếng chim hót và bay lượn trên tán cây, cảm nhận làn gió vút qua những khe đá tươi mát. Khu vực này rộng lớn nhưng đường đi ngắn và dễ đi, mình có thể dành 1.5~ 2 tiếng ở đây là thoải mái nha.

Mirray look out. Đây là một đoạn hike ngắn chỉ 1.6km (2 chiều), khá dốc nhưng không quá khó đi, tới đỉnh Mirray ngắm cảnh 360 độ. Thật ra view ở đây không quá đặc sắc nhưng nếu dư thời gian thì ghé qua đi bộ cho đỡ cuồng chân, trung bình đi bộ hai chiều và ngắm cảnh từ trên cao ở đây sẽ mất khoảng 45p 1 tiếng thôi.

Warradjan Aboriginal Cultural Centre. Warradjan là bảo tàng, triển lãm nghệ thuật về văn hóa và lịch sử của cộng đồng thổ dân Bắc Úc Bininj/Munguyy, những người đã sống trên vùng đất này hơn 65.000 năm. Trong này cũng có bán nhiều đồ lưu niệm rất đẹp giá mềm hơn mua ở trong Darwin. Bảo tàng mở cửa từ 9h sáng tới 5h chiều mỗi ngày. Nơi này nằm cách Mirray look out khoảng 23km, nằm trong khu vực Yellow River, gần Cooinda nơi mình sẽ nghỉ qua đêm hôm nay, rất đáng vào xem.

Yellow Water Cruise. Tới Yellow River thì không thể không đi thuyền khám phá hệ sinh thái nhiệt đới, ngắm động vật hoang dã phong phú bao gồm cá sấu, các loài chim quý hiếm và trâu hoang dã (vốn được du nhập từ Đông Timor). Đây là tour đi thuyền có thể nói là nổi tiếng nhất ở Kakadu, không ai tới Kakadu mà không đi Yellow Water cruise.

Phong cảnh ở Yellow Water Billabong (billabong là từ rất thông dụng chỉ đầm lầy) hoang sơ và đặc biệt khác lạ so với phần còn lại của nước Úc, nhưng là người Việt khi đến đây thì mình cảm thấy rất thân thuộc và gần gũi, vì các đầm lầy, hoa sen, hoa súng, trâu, chim chóc, cá sấu… không khác gì hệ sinh thái ở đồng bằng sông Cửu Long. Kakadu có hệ sinh thái vô cùng quanh trọng đối với nước Úc vì khoảng một phần ba các loài chim của Úc có mặt ở Kakadu, với ít nhất 60 loài được tìm thấy ở vùng đất ngập nước. Bird watching (ngắm chim) là hoạt động rất ưa thích của người Úc. Vịt huýt sáo và ngỗng ác là loài có nhiều nhất. Có thể nhìn thấy đại bàng bay lượn tìm kiếm con mồi, và đôi khi bạn sẽ thấy những chú chim jabirus đặc biệt và thậm chí có thể thấy brolgas nhảy múa. Ngoài ra còn có rất nhiều cá sấu trong môi trường sống tự nhiên của chúng và trâu rừng trên đồng bằng ngập lụt.

có ai thấy cá sấu trong đầm hoa sen không

Thuyền được tổ chức vào 6 khung giờ mỗi ngày trong mùa khô, thuyền đi trong 2 tiếng, đón và trả khách ở Yellow River boat ramp gần Cooinda Lodge. Chuyến bình minh (6h45 sáng) và hoàng hôn (4h30 chiều) ngắm cảnh sông nước đẹp nhất, mùa tháng 10 11 thì thấy nhiều cá sấu nhất. Nếu không đi kịp thuyền hoàng hôn vào ngày thứ 2 trong hành trình thì book thuyền bình minh vào ngày hôm sau. Bạn có thể đặt online trước hoặc vào reception ở Cooinda Lodge đặt, tuy nhiên mình khuyến khích đặt trước để không bị lỡ chuyến vì sunrise/ sunset thường sold out nhanh.

Cắm trại ở Cooinda Lodge, là khách sạn rất đẹp thuộc tập đoàn Accor nằm ngay lòng công viên quốc gia Kakadu, vẫn có thể sử dụng tất cả tiện ích trong resort này (hồ bơi, phòng tắm, quầy bar…) mà giá lại không hề mắc (54$ 1 xe thời điểm 2024, tối đa 6 người & 1 xe 1 campsite), ở đây thì phải book trước nha. Nếu muốn cắm trại trong campground của chính phủ thì bạn cũng có thể ra campsite Djarradjin (Muirella Park) gần đó.

Ngày 3: Cooinda -> Maguk falls -> về Darwin hoặc cắm trại ở Maguk campground

Từ Cooinda campsite lái xe khoảng 62km tới Barramundi Gorge (Maguk) Waterfall, đây là thác nước đẹp tuyệt vời vì sự hùng vĩ, hoang sơ mà lại rất dễ đi bằng xe 2wd thậm chí là xe nhỏ 4 chỗ vẫn có thể vào được vào mùa khô. Hồ nước ở Maguk trong vắt và rất rộng, chưa có tin cá sấu tấn công người ở đây và rất nhiều người bơi dưới lòng hồ này, nhưng nếu ngại thì mình có thể đi theo một track nhỏ chỉ 20~30 phút là lên được đỉnh thác, trên đỉnh thác bạn sẽ thấy thác chảy tiếp nối nhau tạo thành nhiều lòng thác nhỏ cho mọi người thỏa thích bơi lội, và ở trên thì sẽ không có cá sấu. Tới đây là đẹp lắm rồi và nếu thời gian có hạn thì bạn có thể về lại Darwin trong buổi tối cùng ngày, còn nếu có thời gian đi chơi thêm thì tối cắm trại ở Maguk để sáng hôm sau đi Yurmikmik ha.

Maguk Falls, Kakadu National Park Bắc Úc

Ngày 4: Maguk -> Yurmikmik day trip -> về lại Darwin

Từ Maguk đi về hướng Pine Creek, trên đường về Darwin, bạn sẽ thấy ngã rẽ vào Gunlom Falls và Yurmikmik (Motor Car falls). Đường vào Gunlom Falls cho tới khúc Yurmikmik thì xe gầm cao SUV như RAV4 vẫn có thể vào được, không nhất thiết phải có xe 4WD. Ở đây có một vài track đi bộ tắm thác như Boulder Creek 2km hai chiều đi vào một con suối nhỏ. Nếu thích đi dài hơn thì vào đường Yurmikmik 7.5km hai chiều, đi theo đường mòn vào Motor Car Falls có thể bơi lội dưới lòng thác, khá đẹp và trong lành. Từ sáng tới đây mình có thể chơi tới trưa-đầu giờ chiều, từ đó mình có thể về Darwin theo đường Pine Creek 316km, khoảng 3h20p nha và tới Darwin lúc trời vừa hửng tối là vừa.

Motocarfalls – Yurmikmik – Kakadu

Side track dành cho xe 4WD ở Kakadu

Nếu có xe 4WD (Landcruiser, Prado…) thì bạn sẽ đi vào được rất nhiều ngóc ngách đẹp ở khắp nơi trên nước Úc nói chung và Kakadu nói riêng. Trước khi tới Úc thì mình không có khái niệm xe 4wd là gì nhưng lúc tới đây thì mới thấy cuộc sống lý tưởng của người Úc là có một chiếc 4wd với đầy đủ đồ nghề cắm trại, roof top tent (lều đóng vào trên nóc xe) và đi du lịch cắm trại những cung đường gồ ghề trắc trở vào công viên quốc gia hoang sơ khắp nơi trên nước Úc. Nếu muốn đi hết cảnh đẹp của Kakadu thì có lẽ phải tốn tới 2 tuần luôn. Các track dưới đây đi vào nhiều thác nước, hiking walk đẹp miên man và khá ít khách du lịch vì cần 4wd, đa phần nằm dưới phía Nam của Kakadu.

Side track 1: 2 ngày đi Jim Jim Falls và Twin Falls, cắm trại ở Karnamarr Campground

Đường rẽ vào Jim Jim Falls và Twin Falls là đường 4wd chạy rất gập ghềnh và có thể ngập nước vào mùa khô, cần xe có độ giảm xóc cao và gầm cao mới vào được. Nằm ở giữa đường từ Nourlangie tới Cooinda, bãi giữ xe vào Jim Jim Falls cách Nourlangie 90km (1h40p lái xe) và cách Cooinda Lodge 71km (1,5h lái xe).

Jim Jim Falls và đi hiking cung Barrk Marlam. Từ bãi giữ xe bạn sẽ thấy có 2 track, một là Barrk Marlam 6km hai chiều, cả đi lẫn về sẽ khoảng 4 tiếng, đi qua Stone Country gồ ghề đặc trưng của cao nguyên Arnhem Land, độ khó trung bình dành cho người có thể lực tốt, người già và trẻ em sẽ không phù hợp cho track này. View ở trên Barrk Marlam thật sự là rất đẹp, đây cũng được bình chọn là 1 trong 100 track đẹp nhất ở Úc. Track thứ hai là đường vào Jim Jim Gorge walk đi vào lower pool (hồ thấp) là một lòng thác đẹp trong vắt có thể bơi lội, chỉ 2km tiếng cả đi cả về và không có leo dốc nhưng sẽ đi qua những bờ đá cần cẩn thận. Bạn sẽ tốn từ sáng tới ít chiều trong Jim Jim Falls nếu đi cả 2 track này.

Barrk Marlam walk, Kakadu National Park

Twin Falls cách Jim Jim falls chỉ 8.6 km, khoảng 12p lái xe nhưng tiếc là mình không kịp thời gian để tới đây cùng lúc với Jim Jim falls do thời gian có hạn. Twin Falls cũng có hai track, một là Twin Falls escarpment walk, 6km hai chiều và được đánh giá là track khó, hai là Budjmi lookout walk đẹp nhất là trong nắng chiều, 1km hai chiều dễ đi, và có thể bắt đầu từ Jim Jim Creek day use area (điểm picnic ban ngày). Nếu có dịp đi rồi Q sẽ cập nhật hình ảnh cho mọi người nha.

Đọc thêm brochure về Jim Jim và Twin Falls trong link. Nếu muốn đi hiking ở 2 falls này thì nên cắm trại ở Karnamarr campground (có toilet, nước nóng sạch sẽ, cũng first come first serve), để có thời gian thư thái nghỉ ngơi.

Side track 2: Jarrangbarnmi (Koolpin Gorge)

Cùng với đường vào Gunlom Falls và Yurmikmik (Motor Car falls) ở ngày thứ 4 trong lịch trình trên, đi qua Yurmikmik bạn sẽ thấy đường tới Koolpin Gorge. Tuy nhiên từ khúc này trở đi bạn không thể tiếp tục đi với xe SUV AWD hay 2WD mà nên có xe 4WD gầm cao. Cá nhân Q cũng chưa đi Koolpin Gorge nhưng nhìn hình online thì thấy rất đẹp và hoang sơ với nhiều suối, thác tạo nên những bể bơi rộng mênh mông.

Koolpin Gorge là track duy nhất mà dù có cắm trại qua đêm hay không bạn vẫn phải xin permit (giấy phép), vì đây là khu vực hạn chế người sử dụng, chỉ được phép tối đa 40 người tới khu vực này tại bất kỳ thời điểm nào, xin permit online tại link. Ở Úc có nhiều khu vực của người thổ dân mở cửa cho khách du lịch nhưng hạn chế người vào để giảm thiểu tác hại tới môi trường, ví dụ như Koolpin Gorge hay Jatbula trail ở Nitmiluk National Park, Katherine.

Side track 3: Gunlom Falls

Từ đây Yurmikmik/ Koolpin Gorge nếu thích bạn cũng có thể đi tới Gunlom Falls, vốn là một trong những điểm không thể bỏ qua khi tới Kakadu vì hồ bơi tự nhiên nhìn ra view rừng bao la bát ngát như trên hình mình đi năm 2018. Tuy nhiên tiếc là đây là vùng đất thiêng của người thổ dân Úc và từ 2019 chính phủ đã cấm không cho phép đi bộ lên thác trên, và họ cũng gỡ toàn bộ những hình ảnh liên quan tới Gunlom Falls từ trên cao. Ngày nay bạn vẫn có thể tới Gunlom Falls nhưng chỉ có thể cắm trại ở phía dưới và ngắm lower pool (thác dưới), vốn là từ thác cao này đổ xuống.

Gunlom Falls upper pool, Kakadu National Park (photo taken in 2018)

Side track 4: Igoymarrwa rock holes / Ikoymarrwa (Moline) Falls

Q cũng chưa có dịp tới Ikoymarrwa (Moline) Falls, và đây cũng không phải là địa điểm quen thuộc nổi tiếng của Kakadu. Phải nói là ai có thật nhiều thời gian đi roadtrip vòng quanh nước Úc, hoặc là có thời gian đi Kakadu nhiều lần thì mới tới những nơi hang cùng ngõ hẻm như thế này. Thác Ikoymarrwa dưới (lower pool), còn được gọi là Moline Rock Hole, là một thiên đường nước ngọt râm mát, chỉ cách bãi đậu xe một đoạn đi bộ ngắn nên không cần đi bộ nhiều. Dưới làn nước trong vắt hé lộ một thế giới dưới nước đầy ắp những chú cá nhỏ, nếu may mắn, bạn sẽ thấy warradjan (rùa mũi lợn) quý hiếm.

Thác Ikoymarrwa trên (upper pool) giống như hồ bơi vô cực của mẹ thiên nhiên, với tầm nhìn tuyệt đẹp ra đồng bằng ngập lụt. Nơi này không bị đóng cửa như Gunlom upper pool, bạn có thể ngâm mình sảng khoái trong khi ngắm nhìn quang cảnh.

Lưu ý là đường vào Moline falls không có biển báo lớn, bạn sẽ cần nhìn bản đồ Kakadu, tìm biển báo nhỏ ở phía bên phải của đường chính khi đi theo hướng Cooinda, sau khi đi qua Trạm kiểm lâm Mary River (ranger station).

Hy vọng là càng nhiều anh chị em người Việt tới Kakadu National Park, Darwin Bắc Úc du lịch, roadtrip và tận hưởng cuộc sống laid back camping life kiểu Úc nha. Ai có câu hỏi cụ thể về du lịch Kakadu hay tìm việc làm nhà hàng khách sạn ở đây thì inb cho Q nhé.

(Visited 232 times, 1 visits today)

Leave A Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.