Công viên quốc gia Fiordland ở phía Đông Nam của đảo Nam New Zealand, nổi tiếng với những rặng núi tuyết, rừng nhiệt đới và thung lũng bao la hùng vĩ. Ở đây có nhiều cung trekking ngắn dài ngày, trong đó Milford Track, Routeburn Track và Kepler Track là ba cung đường dài ngày trong số nhiều cung trek ở Fiordland, đi qua những cảnh đẹp nhất, nằm trong danh sách các great walks của New Zealand. Trong đó Milford track nổi tiếng và thu hút nhiều du khách nhất bởi được quảng bá là “finest walk in the world”, với khung cảnh hùng vĩ và hoang sơ. Bạn chỉ có thể tiếp cận cung đường bằng thuyền và vé các hut luôn luôn được book hết trước vài tháng.
Milford track dài 53.5km, chỉ có thể đi một chiều. Chuyến du hành bắt đầu từ Te Anau Down, đi thuyền 20 phút đến điểm khởi hành là Glade Wharf. Từ đây bạn sẽ đi qua rừng, đồi núi và nghỉ 3 đêm trong hut (lán/trại trong rừng), kết thúc tại Sandfly Point rồi đi thuyền về Milford Sound. Trong mùa cao điểm (great walk season) từ tháng 11 đến tháng 4 giá vé một đêm ngủ trong hut (bunk bed trong trại, có bếp, lò tiện nghi) là 70NZD (từ tháng 10/2018, DOC charge gấp đôi cho du khách quốc tế), giá thuyền hai chiều là 137NZD. Tổng cộng chi phí cho chuyến đi là 347NZD, không hề rẻ so với những chuyến trekking khác. Thế nhưng lúc nào các hut cũng được đặt kín chỉ sau khi website của Bộ Bảo tồn (DOC – Department of Conservation) mở cổng. Chỉ khi có người hủy booking thì may ra có thể đặt trước một tháng, và cũng phải rất nhanh tay vì thường vé chót cũng được vớt khá nhanh.
Nhật kí hành trình Milford track
D1: Queenstown – Te Anau – khởi hành từ Glade Wharf đi Clinton Hut
Sáng ngày đầu tiên mình dậy trong tâm trạng háo hức, vác balo ra xe buýt của Intercity ở Queenstown khởi hành đi Te Anau lúc 7h sáng. Chẳng may dùng iphone map, dẫn mình sang một điểm nghe tên thì na ná nhưng cách điểm đón khách một block nhà. Thế là chờ mãi không thấy xe buýt đâu, gọi hỏi thì mới biết mình đứng sai chỗ và đã bị lỡ xe.
Không có thời gian để lo lắng với cả do dự. Mình bắt đi xe buýt ra highway để hitchhike về đi Te Anau. Một em gái người Mĩ, 18 tuổi, du lịch một vòng New Zealand để thỏa ước mơ từ hồi nhỏ, sau khi xem Chúa tể những chiếc nhẫn và Hobbiton. Em này đến Te Anau để leo Kepler Track và thấy mình bảo là sẽ leo Milford track nên cho mình lên xe không nghĩ ngợi!
Te Anau là thị trấn nhỏ cách Queenstown 2 tiếng lái xe về phía Nam, nơi dừng chân của những người thích leo núi, câu cá…. Khách đi Milford track bắt buộc phải tới văn phòng DOC ở Te Anau để lấy vé thuyền, vé hut, rồi từ đây đi xe buýt của Tracknet (hãng chuyên cung cấp dịch vụ shuttle bus cho khách đi trekking khu vực Queenstown-Te Anau-Fiordland) xuống Te Anau Downs. Từ Te Anau Downs đi cano tới Glade Wharf và bắt đầu hành trình tại đây.
Trên tàu mình quen được nhóm hai anh Pháp và một em người Đức gốc Việt, nói tiếng Việt rất giỏi. Cả 4 ngày cùng đi với nhóm này luôn. Hai anh Pháp thì đi nhanh, em Lê với mình thì đi chậm, tốc độ đều đều nhau, nên mình không bị bỏ rơi. Bình thường các bạn Tây đi rất nhanh và lúc nào cũng về sớm, mình luôn là người về trễ hơn 😉
Ngày đầu tiên chỉ đi tầm 5km, mất 1 tiếng rưỡi. Nhiều người muốn bỏ qua hut này để đến hut thứ hai, tiết kiệm thời gian và tiền bạc nhưng trên web DOC bắt buộc phải book cả 3 hut cho 3 đêm (khác với các track còn lại, có thể skip một vài hut nếu thấy có thể đi nhanh, tiết kiệm chi phí). Lần đầu ở trong hut của New Zealand và thấy rất ấn tượng trước sự kiên cố, sạch sẽ và tiện nghi của hut. Mình sẽ viết thêm về hệ thống hut của New Zealand trong bài khác. Mỗi tối, trong mùa greak walk, sẽ có các ranger tổ chức hut talk, cung cấp thông tin về thời tiết, cung đường, các loại chim sẽ gặp… khá vui. Tuy nói thật là mình cũng nghe hiểu rất hạn chế :))
D2: Clinton Hut – Mintaro Hut
Ngày thứ hai, mình và nhóm 3 người gặp hôm qua cùng nhau khởi hành. Bọn mình là nhóm cuối cùng rời hut, ngày nào cũng ăn sáng, thư giãn chán chê rồi mới đi. Hai anh Pháp đi rất nhanh nên cứ tới một đoạn lại đứng chờ hai chị em. Nên tính ra bọn mình cực hơn, vì đi chậm, tới nơi thì cả nhóm lại đi tiếp => thành ra chẳng nghỉ được bao lâu. Vì đi chậm nên balo đã nặng lại càng thêm nặng hơn, vì thời gian ở trên vai bọn mình cũng lâu hơn :p
Dù là lần đầu đi tramping, và ngày này đi tầm 16.5km với balo khoảng 12~15kg kg trên vai, nhưng mình vẫn không bị mệt hay đau chân. Chỉ tầm 1, 2 tiếng cuối đoạn đường, mới bắt đầu thấy sức nặng của balo đè trên vai và bắt đầu thấy nhức. Balo của mình đã là loại được thiết kế cho nữ giới và hỗ trợ cho lưng, vai rất ổn.
Đường đi leo rừng, không chỉ ở Milford track, mà còn ở rất nhiều track khắp New Zealand, được DOC mở đường, làm cầu rất an toàn và dễ đi nên không quá khó khăn và nguy hiểm. Lần đầu đi trekking dài ngày, và trước khi đi mình cũng có nhiều bỡ ngỡ, không hình dung được đường xá sẽ như nào. Thế nhưng đi rồi mới thấy quá dễ, chỉ mất sức. Và thấy họ thu phí cao, hạn chế lượng khách đi vào mùa cao điểm để bảo trì đường xá cho người leo núi được an toàn, bảo tồn thiên nhiên hoang sơ… cũng hợp lý.
Hut talk hôm này được tổ chức bởi một anh ranger trẻ trung đẹp trai cool ngầu. Ban đầu mình định “trốn” lên giường nằm đọc sách, để ba bạn kia nghe rồi dịch lại bằng tiếng Anh ngôn ngữ 2 cho dễ hiểu. Nhưng vì ranger cool ngầu quá nên lại ráng ngồi nghe 😉
D3: Mintaro Hut – McKinnon Pass – Dumpling Hut
Ngày thứ ba là ngày dài nhất trong hành trình, và cũng là ngày đi qua những cảnh đỉnh nhất của Milford Track. Trong ngày này, bọn mình sẽ lên McKinnon Pass, điểm cao nhất (1154m), qua thác nước Sutherland cao nhất New Zealand.
Mới sáng sớm mà gió thổi mạnh, tuyết rơi lã chã, chẳng muốn thức dậy. Nhóm tụi mình lại là nhóm đi trễ nhất, 10h mới đi, nhưng vì vậy mới thấy may mắn. Vì khi lên đỉnh McKinnon, gió và tuyết rất lạnh, mây mù giăng lối, DOC rangers có báo trước là có thể sẽ không thấy được cảnh thung lũng phía dưới. Nhưng may mắn là bọn mình đi trễ, vừa lên thì trời nắng đẹp, lại ít người.
Chỉ có thể diễn tả những gì mình nhìn thấy bằng hai từ: HÙNG VĨ và KHÔNG TƯỞNG! Không thể tin được những cảnh bày ra trước mắt mình là có thật! Và thật sự có thật!
Vào lúc này, tại nơi này, mình mới thấy quyết định rời công việc tốt với nhiều cơ hội phát triển ở Việt Nam để đến du lịch New Zealand với visa working holiday là một trong những quyết định chính xác nhất của mình. Khung cảnh núi đồi đẹp hơn cả trong phim, trải dài vô tận. Mình thấy xúc động và biết ơn vì đã có cơ hội đến đây và nhìn ngắm những cảnh đẹp này.
Ở McKinnon ngắm cảnh chán chê, vừa rời khỏi thì cũng là lúc mây mù mịt, không thấy được những rặng núi phía xa nữa, gió và tuyết càng mạnh hơn khiến ai cũng thấm lạnh. Bọn mình dừng ở Shelter ngay dưới chân McKinnon pass pha tách trà và ăn trưa cho ấm người rồi mới đi tiếp.
Đường từ McKinnon pass xuống bị chặn vì hôm nay tuyết rơi, nên phải đi emergency pass, khá dốc và mất nhiều thời gian hơn. Khi xuống đồi rồi, trên đường tới Dumpling Hut, mình đi qua qua nhiều thác nước trong vắt rất đẹp, Và những thác nước đi theo bọn mình, trải dài đến gần cuối hành trình.
Thời tiết ở Milford track luôn ẩm ướt, mưa trên 200 ngày một năm, nên đi trek gặp mưa, lội nước là chuyện thường ngày. Bạn của bạn mình đi 2 năm trước, mưa rơi xối xả, phải dùng điện thoại vệ tinh gọi trực thăng cứu hộ, và về tới hut rồi mới biết những người còn lại đều bị kẹt vì mưa gió làm đổ ngã cầu, không ai đi qua được, phải gọi trực thăng đưa mọi người về hut. Duy nhất một người không muốn trả 90 đô cho trực thăng, tự bơi qua dòng nước lũ. May mắn lúc mình đi thì thời tiết đẹp, trời nắng và chỉ mưa lâm râm, lên Mackinnon thì tuyết rơi và vài đoạn đường bị đông đá, trơn, nhưng cũng rất hay vì trải nghiệm khó khăn tí cũng vui, và dù có mây và tuyết nhiều nhưng bọn mình cũng không lỡ nhiều cảnh đẹp.
Tới Quintin Shelter, ở đây có side trip là thác nước Sutherland cao nhất New Zealand với chiều dài 248m. Side trip này mất 1,5 tiếng return, mọi người thường để balo lại shelter rồi đi vào cho nhẹ. Từ xa đi vào thác đã nghe tiếng nước đổ xuống mặt hồ kêu rầm rầm. Thật sự quá kinh ngạc trước một thác nước cao và mạnh mẽ như thế.
Mình đến đây khá trễ nên trời tối, hơi tiếc. Nếu đi sớm, lại may mắn có nắng thì thấy được cầu vồng nữa. Vì vậy nếu ai đi Milford track thì nên khởi hành lúc 9h sáng vào ngày này nhé!
Ở chỗ này mình có một kỉ niệm đáng nhớ với em Lê. Hai chị em đi chậm, em Lê bị đau đầu gối nên còn chậm hơn mình. Lúc mình vào gần tới Sutherlands thì hai anh Pháp vừa đi ra, và bảo là sẽ chờ bọn mình ở ngoài. Mình đi vào, ngắm chán chê, rồi đi ra thì mới thấy em Lê đi vào. Mình cũng bảo sẽ chờ em ở shelter, rồi cùng nhau về. Lúc mình đi ra khỏi side trip thì trời đã tối, vào shelter mới thấy chỉ còn balo của mình và Lê nên đoán là hai anh Pháp chờ lâu, đã về trước. Mình chờ một lúc nữa, tầm 20p thì không thấy Lê ra, trời đã tối thui mà em nó không mang đèn pin vào, chân lại bị đau, nên hơi lo lo. Quitin shelter nằm trong khuôn viên Quintin lodge (lodge là nơi dành cho khách đi great walk theo guided tour, rất mắc và xa xỉ, mình sẽ viết về lodge và guided tour trên blog trong bài khác) và luôn có staff túc trực, nên dù là khách đi độc lập, mình vẫn “dày mặt” vào trình bày tình hình và nhờ giúp đỡ luôn. Nhân viên rất nhiệt tình và hỏi cụ thể thông tin, liên lạc với Dumpling Hut để thông báo tình hình, rồi cử người mang thêm đèn pin vào tìm. Thật ra mình tin là em Lê ổn, không có vấn đề gì khó khăn, nhưng thông báo sớm vẫn hơn là trễ, just in case. Chỉ tầm 5 phút sau là bạn cứu hộ dẫn em Lê ra, hoàn toàn mạnh khỏe. Họ có hỏi nếu chân em đau thì ngủ lại, họ sẽ mang nệm vào shelter cho bọn mình. Shelter này là một căn nhà gỗ chắc chắn và có bình nước nóng, có điện để giữ ấm (nhớ nha, có thể mang sạc điện thoại, máy hình, tranh thủ dùng ở đây, vì khắp track chẳng có chỗ nào có đâu). Lê bảo là ổn nên bọn mình đi về Dumpling luôn.
Hai chị em đi một tiếng nữa, trong đêm tối mịt mùng, chỉ có ánh sáng yếu ớt phát ra từ hai chiếc đèn pin của hai đứa. Về tới hut, ai cũng nhìn tụi mình “thảm thương”, hỏi có sao không, v.v Hai anh Pháp thì mới về trước bọn mình 20 30 phút thôi. Cô ranger ở hut này đã thông báo tình hình của tụi mình cho cả hut và dặn nếu ai thấy mình thì bảo là vào staff quarter “trình diện” để cô điểm danh, để đảm bảo là tụi mình không bị thất lạc.
Một ngày quá dài và nhiều điều đáng nhớ.
D4: Dumpling Hut – Sandfly Point, kết thúc hành trình Milford track và trở về Queenstown
Ngày cuối cùng phải đi một đoạn 18km đường rừng, khá dài, nhưng bằng phẳng và dễ dàng. Vì tàu từ Sandfly về Milford Sound của mình là 2 giờ, còn nhóm Pháp – Đức kia là 3h, nên mình lên đường sớm hơn, tạm chia tay các bạn.
Giữa đường thì gặp hai anh chị Nhật, lại nhập bọn với bạn mới, rồi cùng về. Mình đi khá nhanh vì sợ trễ, nên giữa đường phải tăng tốc, bỏ lại anh chị Nhật phía sau (vì họ cũng đặt tàu lúc 3h về). Thế nhưng không ngờ là mới 1h20 mình đã về tới điểm kết thúc rồi!
Về Milford Sound trước 2h chiều, chia tay Milford track trong nuối tiếc. Cùng nhờ nơi này, mình phát hiện ra đam mê mới: đi bộ đường rừng dài ngày. Và từ lúc đó, mình dành thời gian và sức lực, và cả tiền bạc, để có thể leo núi ở New Zealand nhiều nhất có thể! New Zealand là thiên đường cho những người thích leo núi và thiên nhiên hoang sơ. Đừng đi New Zealand vì đã đi rồi thì bạn sẽ bị ghiền và hẳn là sẽ nhớ New Zealand rất nhiều khi về nhà.
Dù không dư giả nhiều, nhưng chỉ cần có cơ hội đến những nơi đẹp, có những trải nghiệm như thế này thì cũng quá tuyệt vời! Welcome tất cả câu hỏi về trekking ở New Zealand dưới phần comment nhé. Chúc mọi người đọc bài này một ngày vui và luôn khỏe mạnh để đi xa và leo nhiều ngọn núi cao.
Một số bài viết liên quan đến leo núi, trekking ở công viên quốc gia Fiordland:
Cần chuẩn bị khi đi hiking ở New Zealand
Một mình leo Routeburn track ở Fiordland
Kepler track, chuyến leo núi bão táp
Xem thêm hình và clip ở Milford track trong link
Vào chuyên mục Du lịch New Zealand để đọc các bài viết khác về du lịch New Zealand tự túc, leo núi, ngắm cảnh… ở New Zealand nhé. Mình sẽ cố gắng viết thật cụ thể để mọi người có thông tin chi tiết.