Sau loạt bài viết nhật ký working holiday New Zealand trên blog du lịch The Nomad Queen, nhiều bạn quan tâm đến chương trình nhưng còn chưa nắm rõ thông tin có nhờ mình hướng dẫn cụ thể hơn. Mình xin chia sẻ dưa trên thông tin chính thức trên website của Bộ Di trú New Zealand INZ và kinh nghiệm, hiểu biết của cá nhân mình. Visa working holiday New Zealand là cánh cửa mở ra cho các bạn trẻ đam mê xê dịch có cơ hội sống, làm việc, trải nghiệm và du lịch tại New Zealand, chương trình được bắt đầu từ năm 2012.
Welcome tới New Zealand, xứ sở của những cánh đồng cừu!
Thông tin chung về visa Working Holiday New Zealand cho người Việt Nam
Với visa Working Holiday New Zealand, bạn có thể:
– Làm việc tại New Zealand, tối đa 3 tháng với mỗi chủ sử dụng lao động.
– Học tập tối đa 6 tháng.
– Lần nhập cảnh đầu tiên sau phải trong vòng 12 tháng kể từ ngày được cấp visa (trong visa có ghi rõ ngày cuối cùng được nhập cảnh lần đầu), kể từ ngày này, bạn có thể lưu trú tại New Zealand tối đa 12 tháng.
– Xuất cảnh và nhập cảnh nhiều lần vào Úc khi thị thực còn giá trị.
– Nộp đơn gia hạn visa working holiday New Zealand nếu đã làm việc ba tháng trong các lĩnh vực nông nghiệp.
– Nộp đơn ONLINE trước, sau đó gửi chứng từ liên quan đến văn phòng Immigration New Zealand’s (INZ) ở Bangkok, Thái Lan để được xét duyệt, nhận e-visa (bản điện tử) qua email đã đăng kí.
Mỗi năm có tối đa 100 công dân Việt Nam được cấp visa working holiday New Zealand, vì vậy sự cạnh tranh là rất cao. Nếu có dự định nộp đơn, các bạn cần phải chuẩn bị kĩ giấy tờ, đọc kĩ thông tin và thật nhiều may mắn để có tờ giấy thị thực – chìa khóa mở cánh cửa đến với xứ sở thần tiên Hobbiton.
Điều kiện nộp visa Working Holiday New Zealand cho người Việt Nam
– Có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị ít nhất 15 tháng kể từ khi nhập cảnh vào New Zealand lần đầu.
– Từ 18 – 30 tuổi. Nghĩa là đủ 18 tuổi nhưng chưa tròn 31 tuổi vào thời điểm nộp hồ sơ.
– Đáp ứng yêu cầu về sức khỏe và tư cách
– Chứng minh tài chính có ít nhất 4200NZD trong tài khoản để chi trả cho các chi phí trong thời gian sống và làm việc tại New Zealand.
– Có vé hoặc có đủ tiền mua vé máy bay rời khỏi New Zealand sau thời hạn visa
– Chưa từng nhập cảnh New Zealand theo diện visa working holiday
– Tốt nghiệp đại học hoặc đã hoàn thành ít nhất ba năm học bậc đại học
– Có giấy tờ chứng minh trình độ tiếng Anh tương đương với IELTS 4.5 hoặc cao hơn, chứng chỉ được cấp không quá 2 năm
– Có bảo hiểm trong thời gian lưu trú tại New Zealand (có thể bị yêu cầu trình chứng từ khi nhập cảnh)
Quy trình nộp hồ sơ visa Working Holiday New Zealand cho người Việt Nam
Khác với chương trình Lao động kì nghỉ Úc (visa Work and Holiday), chương trình working holiday yêu cầu nộp hồ sơ trên website của Bộ Di trú. Năm mình đăng kí thì website mở đơn lúc 10h sáng ngày 1/8 (5h sáng theo giờ VN), năm 2017 thì mở ngày 8/8. Bạn nên vào link Vietnam Working Holiday Visa theo dõi để biết ngày mở đơn. Vì nộp đơn online nên cạnh tranh rất cao, hệ thống báo full vài phút sau giờ mở cổng đăng kí, nhiều người tới năm thứ hai nộp mới thành công, như mình kể trong bài viết về kinh nghiệm nộp visa WH NZ
Bước 1: Chuẩn bị giấy tờ, tài chính trước khi nộp đơn đăng kí working holiday New Zealand online
– Chứng chỉ tiếng Anh IELTS 4.5 hoặc các chứng chỉ tương đương. Không quan trọng thi Academic hay General, không quan trọng mỗi môn bao nhiêu điểm, miễn cộng lại đủ là được. Chứng chỉ phải chưa được cấp quá 2 năm, nên bạn cần sắp xếp thời gian học và thi, đừng đợi nước đến chân mới nhảy.
– Bằng tốt nghiệp đại học hoặc chứng nhận đã học 3 năm hệ chính quy
Bạn nào đã học xong nhưng chưa được cấp bằng tốt nghiệp thì có thể xin giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời. Nếu được cấp bằng tiếng Việt thì cần dịch công chứng, nếu được cấp song ngữ thì chỉ cần photo và sao y bản chính. Nhiều bằng đại học, cao đẳng ở VN không ghi niên khóa, nên bạn cần cung cấp thêm chứng từ có thể hiện rõ như bảng điểm. Như mình thì chỉ scan thẻ sinh viên, chưa dịch gì cả, gửi đi cũng được cấp visa luôn.
– Chuẩn bị hộ chiếu
Hộ chiếu cần có thời hạn ít nhất 15 tháng kể từ ngày đến New Zealand lần đầu, vì vậy nên mình khuyên bạn nào hộ chiếu chỉ còn 1 năm thì nên làm hộ chiếu mới. Nhiều bạn lo lắng không biết nếu chưa từng đi du lịch bao giờ thì có được cấp visa không. Mình từng gặp nhiều bạn hộ chiếu trắng trơn, nộp đơn và đậu rồi, bạn đừng lo về vấn đề này. Ai đổi hộ chiếu để nộp đơn cũng không nhất thiết phải gửi kèm trình hộ chiếu cũ.
– Thẻ thanh toán online
Sau khi nộp đơn thành công thì bạn phải thanh toán phí cấp visa là 208 NZD, cần chuẩn bị thẻ debit hoặc credit có khả năng thanh toán quốc tế. Theo mình nên dùng debit vì thẻ credit của ngân hàng VN khi thanh toán thường bị chặn cho dùng thẻ giả nhiều. Mình gợi ý các bạn dùng thẻ debit Visa hoặc Mastercard của Vietcombank, ACB, đây là hai ngân hàng mình thấy ít bị từ chối thẻ nhất. Vì là thẻ debit nên bạn cần chuẩn bị sẵn tiền mặt trong tài khoản thanh toán, bạn nào không quen dùng thẻ thì nên hỏi kĩ ngân hàng khi bạn làm thẻ để được tư vấn thêm. Đừng để tới lúc thanh toán rồi mà chỉ vì thiếu tiền hoặc vì trục trặc, lại mất thêm một năm chờ đợi!
Nhiều bạn dùng thẻ người khác để thanh toán và cũng được chấp nhận. Nên vấn đề chủ thẻ là ai không quan trọng.
– Chuẩn bị bank statement có ít nhất 4200NZD trong tài khoản
Bạn có thể quy đổi 4200 NZD sang Việt Nam đồng hoặc đô la Mỹ rồi gửi ngân hàng. Miễn là bạn có tiền và tài khoản phải đứng tên bạn, còn gửi ở tài khoản tiết kiệm, tài khoản thanh toán, thời hạn bao lâu không quan trọng.
Khi có visa rồi bạn có thể rút tiền ra, không vấn đề gì. Tuy nhiên khi nhập cảnh hải quan vẫn có thể yêu cầu bạn phải chứng minh tài chính. Vì vậy khi tới New Zealand bạn nên có thẻ ngân hàng, tiền mặt khoảng 1000 ~ 2000 NZD hoặc bank statement để không bị làm khó dễ.
Bước 2: Tạo tài khoản online trên website Bộ Di trú New Zealand (INZ) và tập điền form
Cách tạo: Vào link https://www.immigration.govt.nz/new-zealand-visas, click Log-in, trong phần Our online system, chọn Working holiday visas, sau đó tiếp tục click, tạo username và password, cung cấp thông tin theo yêu cầu. Sau khi đăng kí xong bạn có thể log in được, nhưng chưa thể điền form nộp đơn vì hệ thống chưa mở.
Vì form đăng kí online của các nước đều tương tự nhau, nhiều bạn tập điền form đăng kí của những nước khác có mở đơn quanh năm để biết hình thức form như thế nào, tập đánh máy quen tay, đỡ bỡ ngỡ… đến bước submit thì dừng lại. Mình khuyên nếu có ý định này thì bạn cần lưu ý:
– Cẩn thận khi chọn nước nộp đơn vì một số nước như Nhật, Phần Lan, Đức… tự động submit mà không cần ấn nút như Việt Nam.
– Tạo một tài khoản khác, với thông tin ảo, email phụ, và khi điền form cũng không bao giờ điền thông tin thật để tránh rắc rối sau này.
Đọc bài viết của một bạn đã từng lỡ tập điền form của Nhật với thông tin thật tại link. Trong trường hợp lỡ để xảy ra sơ xuất này, bạn nên gửi email giải trình và chờ đợi may mắn. Nhiều trường hợp đã bị từ chối visa và ghi vào record với “tội” cung cấp thông tin, chứng từ giả mạo, sau này có muốn đi du lịch, du học New Zealand hay các nước khác cũng rất khó.
Nên dùng trình duyệt có chế độ tự động điền, lưu password, thông tin thẻ ngân hàng vào trình duyệt sẵn cho tiện.
Bước 3: Giờ G đã điểm – Chính thức nộp đơn online trên hệ thống INZ
Trước khi hệ thống visa working holiday New Zealand cho người Việt Nam mở, bạn nên ăn no ngủ kĩ, không nên thức đêm chờ vì sẽ mệt và mất tập trung, bao nhiêu giấy tờ, chứng từ để sẵn trước mặt. Gì cần điền thì type sẵn ra word hay stickynote mở song song copy paste cho nhanh. Đường truyền internet cũng rất quan trọng, nhiều bạn lên công ty, ra cửa hàng mạng, mình thì năm ấy nhân dịp công tác Hàn Quốc, tranh thủ ở lại nước có tốc độ internet nhanh nhất thế giới vài ngày để chơi, nhân tiện nộp đơn luôn.
Vào website đăng kí cho người Việt Nam, log in sẵn F5 liên tục đến khi nào xuất hiện chữ Apply Now. Đây là thời khắc vô cùng trọng đại với các bạn đã chuẩn bị bấy lâu nay. Tới bước này rồi thì chỉ có may mắn đồng hành tiếp với các bạn. Tập trung điền kỹ thông tin từng trang. Nếu bạn dùng máy tính có màn hình cảm ứng thì sẽ đỡ tốn thời gian hơn cầm chuột click rất nhiều. Sau khi submit thì đến phần thanh toán, khi nào thấy tin nhắn ngân hàng báo trừ tiền, hệ thống báo thanh toán thành công thì xin chúc mừng, bạn đã thành công! Còn nếu thấy báo full thì bạn đừng buồn, đọc tới phần tiếp theo nhé.
Bước 4: Gửi hồ sơ chứng từ gốc đến INZ
Sau khi đăng kí online thành công thì mình nhận được email hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ. Hồ sơ thường được xét trong vòng 10 ngày kể từ khi INZ nhận được tất cả giấy tờ cần thiết. Nhớ ghi rõ số client number và số hồ sơ, đầy đủ thông tin cá nhân vào bìa thư. Nếu họ cần gửi thêm chứng từ gì thì sẽ thông báo qua email bạn đã đăng kí khi submit hồ sơ trên web.
Trường hợp ở ngoài New Zealand: Gửi hồ sơ đến văn phòng Immigration New Zealand’s (INZ) trong vòng 20 ngày. Địa chỉ M-Thai Tower, 15th floor, All Seasons Place, 87 Wireless Road, Lumpini Pathumwan, Bangkok 10330, THAILAND. Email: inzbangkok@mbie.govt.nz. Trong trường hợp cần thời gian chuẩn bị, có thể gửi email thông báo trước. Nên gửi DHL cho nhanh và bảo đảm. Hồ sơ gồm:
– Bản sao công chứng hộ chiếu. Lưu ý không gửi hộ chiếu gốc.
– Chứng minh tài chính 4200NZD đứng tên người xin visa
– Bản chụp X-ray
Click panel physicians tìm phòng khám được INZ liên kết và book lịch chụp X-ray. Ở Việt Nam có 1 phòng khám ở Hà Nội và 2 phòng khám ở TPHCM liên kết. Bạn chỉ cần gọi điện, báo là đi New Zealand diện working holiday thì sẽ được hướng dẫn khung giờ, chuẩn bị gì khi đi khám. Mình chụp ở Raffles trên đường Nam Kì Khởi Nghĩa, giá khoảng 1tr7, dịch vụ ổn. Lúc đăng kí visa work and holiday Úc mình cũng khám ở đây luôn.
Kết quả chụp sẽ được gửi thẳng đến INZ nên chỉ cần cầm tờ biên nhận gửi kèm trong hồ sơ là được.
– Bằng tốt nghiệp đại học hoặc chứng nhận đã học 3 năm hệ chính quy
– Chứng chỉ tiếng Anh.
Trường hợp đang ở New Zealand: Gửi hồ sơ đến văn phòng Immigration New Zealand’s (INZ) ở Auckland trong 20 ngày. Địa chỉ Working Holiday Team, Immigration New Zealand, Auckland Central Area Office, Level 4, 280 Queen Street, Auckland 1010, NEW ZEALAND
– Chứng minh tài chính 4200NZD đứng tên người xin visa
– Bản chụp X-ray.
Click panel physicians tìm phòng khám được INZ liên kết và book lịch chụp X-ray.
– Bằng tốt nghiệp đại học hoặc chứng nhận đã học 3 năm hệ chính quy
– Chứng chỉ tiếng Anh
Bước 5: Khi đã nhận được visa working holiday New Zealand
Working holiday New Zealand là bản điện tử, sẽ được gửi qua email. Khi nhận được visa, bạn nên kiểm tra kỹ lại thông tin, nếu sai thì email báo để họ sửa ngay. Chúc mừng bạn đã là 1 trong 100 người may mắn nhất trong cuộc đua này. Lúc này thì chỉ cần chuẩn bị hành trang đi New Zealand thôi. Khi đặt vé máy bay, nếu quá cảnh ở Úc, bạn nhớ xin visa transit Úc cho người Việt. Đọc thêm bài viết Mang gì khi đi Working holiday New Zealand, đây là kinh nghiệm mình rút ra sau 2 tháng đến NZ, mong là giúp ích cho mọi người.
Làm gì khi không đăng kí thành công?
Xin chia sẻ nỗi hụt hẫng với các bạn đã tới bước submit rồi mà chưa thanh toán được đã full. Nhiều trường hợp hồ sơ không đạt, không được cấp visa, NZ sẽ mở thêm chỗ cho các bạn vào submit. Bạn hãy tiếp tục kiên nhẫn, log in vào web immi INZ, F5 liên tục canh may. Có những người đã canh và được “vé vớt” vài ngày, vài tuần hoặc thậm chí là 1 tháng sau. Chỉ có thể trông chờ vào định mệnh thôi, vì hàng trăm người cũng canh như nhau nhưng may mắn chỉ đến với một người nhanh hơn người khác trong 0.00001 giây.
Bạn cũng có thể chờ tới năm sau và nộp đơn nếu còn hứng thú. Mình cũng từng hụt năm 2015, may mắn là hồ sơ của mình được lưu lại ở diện submitting, năm 2016 mình vào thì chỉ cần ấn Pay để thanh toán thôi. Trong thời gian hệ thống chưa mở, mình vẫn có thể vào, điều chỉnh thông tin rồi chờ tới giờ G. Tuy nhiên nhiều bạn cũng đến bước submit như mình nhưng năm sau lại bị xóa luôn hồ sơ, phải làm lại từ đầu. Điều này thì mình thật sự không hiểu và chỉ có thể kết luận là hên xui.
Điều quan trọng nhất là hãy tin tưởng bạn sẽ may mắn, sẽ có visa working holiday, sẽ đến New Zealand thì khả năng thành công chắc chắn sẽ cao hơn là hoài nghi, lo lắng.
Úc cũng có diện work and holiday tương tự với New Zealand. Đọc thêm bài viết Hướng dẫn nộp hồ sơ thị thực Lao động kì nghỉ Úc- visa Work and Holiday Australia (diện 462) nhé.
Chúc mọi người may mắn!
Các dịch vụ gửi tiền về Việt Nam chi phí thấp
Hẳn ai trong chúng ta khi đi du học, định cư cũng có lúc cần gửi tiền về Việt Nam. Thay vì gửi tiền qua ngân hàng, nhập nhẳng nhiều bước chứng từ, chi phí cao và mất nhiều thời gian,; gửi tiền tay ba (tìm 1 bên cần gửi tiền chiều ngược lại) thì nhiều rủi ro bị quỵt, bạn có thể tham khảo các dịch vụ chuyển tiền nhanh chóng và chi phí thấp như:
Remitly (chuyển tiền trong ngày). http://remit.ly/ymfe3e. Click vào link của Quyên sẽ được tặng 20$ nếu gửi trên 100$ lần đầu tiên
Orbitremit(chuyển tiền trong ngày): https://orbitremit.com/r/Z16PVG. Link giới thiệu miễn phí giao dịch lần đầu tiên
Ưu điểm 1: Miễn phí lần đầu tiên giao dịch. Bí kíp của mình là ĐĂNG KÍ TẤT CẢ các dịch vụ qua link giới thiệu như trên, vì nếu tự đăng kí thì nhiều web không cho bạn hưởng ưu đãi như vậy, sau đó mỗi web bạn dùng một giao dịch, thì bạn có thể tiết kiệm tới 2 3 lần chuyển khoản (nếu chuyển trên 10.000 một lần thì bạn tiết kiệm được kha khá rồi).
Ưu điểm 2: Chủ động về tỉ giá. Ngay khi thấy tỉ giá có lợi, bạn có thể giao dịch chuyển tiền về Việt Nam ngay. Không bị bị động như khi chuyển qua ngân hàng hoặc tìm người swap tiền vì nhiều lúc chỉ qua 1 ngày tỉ giá đã lệch tới vài trăm ngàn VND.
Pingback: Vừa làm, vừa chơi với New Zealand working holiday visa - THE NOMAD QUEEN
Pingback: Kinh nghiệm working holiday tại New Zealand - THE NOMAD QUEEN
Pingback: Những điểm tham quan gần trung tâm thành phố Nelson - THE NOMAD QUEEN
Pingback: Hướng dẫn nộp hồ sơ thị thực Lao động kì nghỉ Úc- visa Work and Holiday Australia (diện 462) - THE NOMAD QUEEN
Pingback: Hướng dẫn làm Work and Holiday năm 2020 (Visa 462) | PTE HELPER
Pingback: Những điều cần biết trước khi đi working holiday Úc và NZ -