Bạn bè là một phần quan trọng trong cuộc sống, và mình tin không ai có thể đi một mình mà thành công, hạnh phúc lâu bền, đặc biệt là khi du học, định cư ở vùng đất mới. Khi xác định sẽ du học Úc, đặc biệt là ở một thành phố nhỏ, ít dân như Darwin, mình càng cần bạn bè, người quen để giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Nhìn lại quãng đường từ lúc “khởi nghiệp” đi làm năm 13 tuổi tới giờ, gia đình không khá giả, mình cũng không phải học hành quá xuất sắc gì nếu không nhờ người quen trong xã hội giúp đỡ thì mình không thể có ngày hôm nay! Từ ngày học cử nhân Hàn Quốc học ở trường ĐHXHKH&NV, đến lúc làm biên phiên dịch và những công việc kinh doanh ngoài lề.
Những ngày đầu chập chững tới Darwin, nhờ có cô bạn Tây balo người Anh cho mình những kinh nghiệm xin việc, chỉnh sửa CV để mình dễ xin việc hơn. Nhờ có bạn người Chile mà mình biết đến việc làm ở Kakadu, nhờ Đạt Nguyễn nổi tiếng cưa cẩm dụ mình tới Alice Springs mà mình biết ở đây dễ tìm việc và kiếm tiền như nào. Cũng nhờ có người bạn đang làm trong casino và chị bạn ở Darwin cho mình để tên vào reference để mình đi xin việc vào tập đoàn nhà hàng khách sạn lớn nhất nước Úc (nghe oách vậy, chứ “chức vụ” của mình cũng liu riu thôi), nhờ bạn bè mà mình biết đến và quyết định du học Úc. Mình có những mối quan hệ làm việc chuyên nghiệp bên cạnh những công việc thời vụ, có cuộc sống du học sinh vui vẻ, suôn sẻ. Đặc biệt ở Darwin, thành phố nhỏ, ai cũng quen biết nhau, càng nhiều bạn thì cuộc sống càng vui, càng dễ có cơ hội tìm việc làm.
Mình còn nóng tính, không khéo léo, không tế nhị, và còn nhiều nhiều nhiều tật xấu lắm, mình dễ dàng làm bạn bè phật ý vì nhiều lý do không đáng có. Và nếu minh khéo léo hơn, biết đối nhân xử thế hơn, thì có lẽ cuộc đời mình sẽ còn suôn sẻ, thăng thiến thuận lợi hơn rất rất rất nhiều. Vì vậy mình không phải là người phù hợp nhất để đứng vào trường hợp một người có thể cho lời khuyên về cách giao tế trong xã hội. Thế nhưng trộm vía mình hay được hỏi kinh nghiệm làm sao để có nhiều bạn bè khi mới tới với working holiday visa rồi du học Úc không bao lâu. Kinh nghiệm mở rộng mối quan hệ của mình đơn giản chỉ là lời Kinh Thánh dạy “Anh em muốn người ta làm gì cho mình thì hãy làm cho người ta như vậy”, đạo Phật dạy về nghiệp, về nhân quả cũng tương tự.
1. Thay vì chăm chăm đi tìm giá trị cho bản thân mình từ bên ngoài, hãy đầu tư cho mình từ bên trong.
Trước đây mình nghĩ có nhiều danh thiếp của VIP này, có số điện thoại của ông bà kia trong điện thoại thì oách xà lách lắm. Nhưng nếu bạn không có giá trị cốt lõi, sự quảng giao không thể đem lại gì cho bạn hơn một sự lãng phí thời gian và lố bịch không cần thiết. Nếu bạn không thật sự có kinh nghiệm, kiến thức, kĩ năng, thì có mối quan hệ cũng bằng thừa. Đặc biệt là khi mới tới một xứ lạ, khi du học Úc, mọi bằng cấp, địa vị xã hội ở quê nhà đôi khi không có ý nghĩa. Vì vậy hãy nhìn nhận xem bản thân mình có thể mạnh gì, đâu là điều bạn tự hào về mình, điều người khác cần ở bạn.
Với người nhập cư, du học sinh, rào cản lớn nhất khi hòa nhập cộng đồng có lẽ là ngoại ngữ và văn hóa. Hai cái này cần thời gian để cải thiện, nhưng nếu không học tập, không rèn luyện vốn ngoại ngữ và văn hóa thì… sẽ rất khó thích ứng với cuộc sống nước ngoài.
2. Tìm hội nhóm mà bạn thấy phù hợp
Khi có một sở thích, thế mạnh của mình rồi thì hãy mạnh dạn reach out ra khỏi vỏ sò, tìm hội nhóm những người có cùng sở thích, cùng tính cách. Facebook groups là nơi dễ dàng tìm hội nhóm xã giao nhất. Mình thích yoga thì mình hay gặp bạn bè thích tập yoga, leo núi… Giao tế xã hội đem lại cho bạn nhiều giá trị lâu dài, vì vậy cũng đòi hỏi một chi phí đầu tư nhất định. Bạn nên có một budget cho social life, ăn uống chi tiêu những đâu, tham gia hội nhóm nào thì chi phí cho mỗi lần sinh hoạt, trà nước lai rai là gì. Điều này biệt đúng vì chi phí du học Úc đắt đỏ.
Bạn không nhất thiết phải phù hợp với tất cả mọi hội nhóm, cứ kiên nhẫn tìm hội hợp nhất với mình. Bản thân mình cũng thử gặp gỡ và giao lưu với nhiều hội từ khắp các độ tuổi, tầng lớp khác nhau trước khi có những hội nhóm phù hợp với cá nhân mình. Trong quá trình này đôi khi mình cũng gặp vấp váp, kì thị, những ánh nhìn ái ngại vì visa mình đang giữ trong tay, họ hơi đề phòng vì ngại mình muốn lợi dụng để có thường trú Úc… nhiều người lại nghĩ mình là con gái châu Á, là du học sinh, muốn tìm cơ hội… chứ không thật sự là tìm bạn chia sẻ niềm vui. Một du học sinh/ người nhập cư phải nếm qua những niềm cay mà địa vị xã hội ở quê nhà chưa bao giờ mang lại. Mình không bao giờ cố gắng để được người khác thích, không hợp thì pass tìm bạn khác thôi.
3. Hãy mang giá trị cho người khác trước khi mong đợi người khác mang giá trị cho bạn
Trong kì Covid19 này, sinh viên du học Úc bị mất việc làm, nhiều backpacker bị kẹt ở thành phố, không công việc, lại phải trả tiền phòng đắt đỏ… một số sinh viên trong trường mình học đã lập nên các nhóm hỗ trợ bữa ăn cho sinh viên mỗi tuần Kindness Shake, liên hệ Food Bank vốn chi hỗ trợ lương thực cho công dân Úc, nay cũng hỗ trợ đồ ăn cho sinh viên quốc tế. Nhiều tổ chức/ cá nhân cũng đã làm bếp ăn từ thiện, phát cơm miễn phí cho người bị thất nghiệp. Một số người bạn của mình cũng lập nên hội Darwin Together, làm những buổi networking cho sinh viên/ visa tạm trú, tổ chức các event cộng đồng. Và mình cũng liên hệ để có thể tổ chức một buổi dạy yoga miễn phí vào mỗi thứ 7 hàng tuần vì mình tin yoga và thiền là cách tốt để sinh viên quốc tế có thể tạm gác nỗi lo học tập, dịch bệnh sang một bên, mỗi tuần một buổi ngồi bên nhau, rèn luyện và thư giãn.
Có thể bạn nghĩ, được gì khi làm “việc bao đồng”. Thế nhưng bạn có biết, nhờ những việc bao đồng như vậy mà các thành viên ban tổ chức có thể tiếp cận tới những cấp ban ngành lãnh đạo trong ngành giáo dục, trong bang Bắc Úc. Sinh viên quốc tế đóng góp lớn vào GDP của nước Úc. Những người giữ visa tạm trú hôm nay có thể là những người nhập cư ngày mai, là tương lai của nước Úc, đặc biệt là khi các vùng regional của Úc đang cố gắng thu hút dân nhập cư. Xây dựng một tinh thần vì cộng đồng, đóng góp cho cộng đồng thì uy tín của bạn cũng được nâng cao, bạn quen biết nhiều người hơn. Những người có thể giúp đỡ bạn trong tương lai cũng sẽ xuất hiện khi bạn sẵn sàng.
Sự hào sảng và may mắn thì không hề có logic, nhưng nó luôn đến với người sẵn sàng cho nó đi. Bạn có thể nhìn vào may mắn, công việc, vào mối quan hệ của một người và tặc lưỡi bảo con này số hên, nhưng nếu đã biết câu chuyện đằng sau người đó đã gây dựng uy tín, niềm tin, hay có thể nói là “tạo nghiệp” như nào để có nhân quả như ý, thì hẳn bạn đã có bài học cho riêng mình ?
4. Làm sao để người hơn bạn muốn chơi với bạn?
Làm sao để người hơn bạn muốn giúp bạn thành công, có công việc, có chỗ đứng? Câu trả lời mình đã có trên kia rồi. Gợi ý bạn đọc cuốn Đừng bao giờ đi ăn một mình, cuốn 7 kỹ năng của người thành đạt và hãy đọc thật nhiều, thật nhiều sách, ra ngoài cộng đồng, cho đi nhiều hơn.
Các sách dạy làm giàu thời nay khuyên người ta nên chơi với người hơn mình, để học hỏi từ người khác. Trong thực tế, mối quan hệ giữa người với người là quan hệ song phương: nghĩa là bạn tạo ra giá trị cho người khác, và người kia cũng tạo ra giá trị tương tự cho cuộc sống của bạn. Đối phương có thể là người giàu hơn, giỏi hơn bạn, nhưng cũng có thể là người chưa giàu, chưa giỏi bằng bạn Nếu chỉ chăm chăm nhìn vào cái bạn muốn có được từ một người, thì chắc chắn người kia cũng cảm nhận được và tự hình thành cơ chế phòng thủ trước bạn.
Nói như Shark Tank Việt Nam là “khôn như thế quê mình đầy”. Trong cuộc sống, càng khôn lỏi, càng bon chen thì bạn càng gặp những người giống bạn, càng hào sảng thì bạn càng hay được cho.
Chốt lại, để trả lời câu hỏi lớn trên kia, bạn phải trả lời câu hỏi: Bạn có gì để sẵn sàng cho đi?
Nếu kĩ năng, học vấn là cột sống thì mối quan hệ xã hội cũng như các xương khớp nối tới các chi. Một cơ thể có đầy đủ hệ xương thì mới có thể cử động, tập luyện được. Một người muốn có cuộc sống và công việc thuận lợi thì không thể thiếu các mối quan hệ xã hội bên cạnh kiến thức chuyên môn. Chúc bạn có một hệ xương khớp rắn rỏi để vững chãi, thành công khi du học Úc, định cư Úc!
3 giây quảng cáo…
LÀM VIỆC Ở ÚC ĐỂ DÀNH TIỀN GỬI VỀ VIỆT NAM
Hẳn ai trong chúng ta khi đi du học, định cư cũng có lúc cần gửi tiền về Việt Nam. Thay vì gửi tiền qua ngân hàng, nhập nhẳng nhiều bước chứng từ, chi phí cao và mất nhiều thời gian,; gửi tiền tay ba (tìm 1 bên cần gửi tiền chiều ngược lại) thì nhiều rủi ro bị quỵt, bạn có thể tham khảo các dịch vụ chuyển tiền nhanh chóng và chi phí thấp như:
Remitly (chuyển tiền trong ngày). http://remit.ly/ymfe3e. Click vào link của Quyên sẽ được tặng 20$ nếu gửi trên 100$ lần đầu tiên
Orbitremit(chuyển tiền trong ngày): https://orbitremit.com/r/Z16PVG. Link giới thiệu miễn phí giao dịch lần đầu tiên
Ưu điểm 1: Miễn phí lần đầu tiên giao dịch. Bí kíp của mình là ĐĂNG KÍ TẤT CẢ các dịch vụ qua link giới thiệu như trên, vì nếu tự đăng kí thì nhiều web không cho bạn hưởng ưu đãi như vậy, sau đó mỗi web bạn dùng một giao dịch, thì bạn có thể tiết kiệm tới 2 3 lần chuyển khoản (nếu chuyển trên 10.000 một lần thì bạn tiết kiệm được kha khá rồi).
Ưu điểm 2: Chủ động về tỉ giá. Ngay khi thấy tỉ giá có lợi, bạn có thể giao dịch chuyển tiền về Việt Nam ngay. Không bị bị động như khi chuyển qua ngân hàng hoặc tìm người swap tiền vì nhiều lúc chỉ qua 1 ngày tỉ giá đã lệch tới vài trăm ngàn VND.
Pingback: Làm việc ở Úc với mức lương cao khi là du học sinh